Đặt mục tiêu cụ thể đáp ứng nhân lực tay nghề cao cho ngành Du lịch
14/10/2020 | 14:22Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại cuộc làm việc với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội ngày 13.10. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Trường cần xây dựng triết lý phát triển và tầm nhìn trong dài hạn, đặt ra các mục tiêu cụ thể là đào tạo bao nhiêu nhân lực có tay nghề cao để phục vụ ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Có lẽ ngay từ khi thành lập Trường, khi đất nước vẫn đang trong cuộc chiến tranh gian khổ, Đảng và Nhà nước đã gửi gắm niềm tin vào việc hành thành cơ sở đào tạo những công nhân có tay nghề cao, trung thành với Tổ quốc, biết giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ an ninh chính trị, phục vụ sự phát triển mạnh mẽ của đất nước sau này”. Ra đời năm 1972, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tiền thân là Trường công nhân khách sạn- du lịch (thuộc Bộ Công an) là trường quốc gia đầu tiên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công nhân viên ngành Du lịch. Qua nhiều giai đoạn phát triển, đổi tên, đến năm 2008, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trực thuộc Bộ VHTTDL, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực liên quan đến du lịch; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hoạt động của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Hệ cao đẳng của trường có 7 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh khách sạn; Quản trị kinh doanh nhà hàng; Quản trị kinh doanh lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Quản trị chế biến món ăn; Tài chính kế toán du lịch; Ngoại ngữ du lịch. Hệ Trung cấp của trường cũng có 7 nghiệp vụ: Nghiệp vụ lễ tân; Nghiệp vụ nhà hàng- khách sạn; Nghiệp vụ chế biến món ăn; Nghiệp vụ lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Kế toán doanh nghiệp; Nghiệp vụ bar; Nghiệp vụ chế biến bánh.
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội có 3 khu. Trụ sở chính ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), khu ký túc xá trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội), khách sạn Hoàng Long đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), tất cả đang được phục vụ công việc giảng dạy của nhà trường nhưng đều đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn là cơ sở đào tạo nghề du lịch.
Mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng với bề dày truyền thống 48 năm từ khi thành lập, đến nay, nhà trường đã đào tạo được trên 100.000 lượt học sinh, sinh viên. Các hệ đào tạo chính của trường là cao đẳng, trung cấp với lưu lượng khoảng 7.000 học sinh, sinh viên mỗi năm. Gần như toàn bộ học sinh, sinh viên của trường đào tạo ra đều có việc làm ngay. Nhà trường cũng thường xuyên tuyển sinh các lớp theo nhu cầu đào tạo của xã hội với nhiều loại hình và cấp độ đào tạo tại trường và các cơ quan, địa phương khác với số lượng 300- 400 học viên/ năm. Trong hội thi tay nghề giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia, của khu vực ASEAN, thế giới, trường thường xuyên đạt giải cao.
Mới đây nhất, từ ngày 2-7.10, trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ VHTTDL chọn đăng cai tổ chức Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 với 3 ngành nghề (nấu ăn, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ lễ tân). Trường đã đạt 5 giải (3 nhất, 1 nhì, 1 ba) trên tổng số 9 hệ thống giải của kỳ thi.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trường chỉ đạt được 2.100 chỉ tiêu tuyển sinh trên 2.300 chỉ tiêu, thấp hơn so với những năm trước. Đã có những thời kỳ, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là một trong những trường “hot” nhất trong hệ thống giáo dục nghề, tỉ lệ chọi thí sinh còn cao hơn vào một số trường đại học (15-17 lấy 1)
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn công tác của Bộ VHTTDL, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội Trịnh Cao Khải cho biết: “Hiện nay, cơ sở vật chất của trường đã quá cũ, diện tích nhỏ dẫn đến thiếu phòng học, nhất là phòng thực hành cho học sinh, sinh viên, chưa đủ đáp ứng với tiêu chuẩn của đào tạo nghề du lịch; nguồn kinh phí hàng năm hạn hẹp, ngân sách cấp không đủ đảm bảo quỹ lương cho hơn 300 cán bộ, giảng viên, người lao động”
Mặc dù vậy, ông Trịnh Cao Khải cho biết: “Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới. Trước mắt, hướng đến mục tiêu đưa trường trở thành cơ sở đào tạo nghề du lịch chất lượng cao, lâu dài hơn là trở thành trường Đại học đào tạo về du lịch có uy tín trong nước và quốc tế”.
Nguyên là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, có hơn 12 năm gắn bó với trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dường như rất thấu hiểu những khó khăn của trường. Ông đánh giá: “Là cơ sở số 1 cả nước về đào tạo nghề du lịch, tỉ lệ có việc làm sau khi ra trường của học sinh, sinh viên lên tới trên 90% nhưng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thiệt thòi là diện tích nhỏ, cơ sở vật chất cũ, mức độ đầu tư hạn chế. Đây cũng là trường cao đẳng nghề duy nhất trước đây trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên việc tiếp nhận hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ VHTTDL còn ít. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu tạo ra 5,5-6 triệu việc làm, trong đó 2 triệu việc làm trực tiếp vào năm 2025 và 8,5 triệu việc làm, trong đó 3 triệu việc làm trực tiếp năm 2030. Dù dư địa về giáo dục nghề du lịch còn rất lớn nhưng trường cũng phải nỗ lực để cạnh tranh với hơn 200 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch đào tạo khác trên cả nước”
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) thông tin: Trong lĩnh vực Du lịch hiện nay có 45 ngành nghề đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng, đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch cũng được ban hành sớm so với các ngành nghề khác ở Việt Nam. Trong đó, Tổng cục Du lịch với sự hỗ trợ của dự án EU đã xây dựng 13 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề (VTOS) theo tiêu chuẩn châu Âu, đã được ban hành. Hầu hết các thầy cô tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đều đã được đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS. Bên cạnh đó, việc triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) đang tạo ra sự dịch chuyển lao động và cạnh tranh mạnh mẽ giữa nhân lực lao động du lịch trong khối ASEAN”. Ông Tuấn đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, tạo điều kiện để trường sớm triển khai việc xây dựng khối nhà thực hành. Ông Tuấn cũng đề cập đến việc tinh giản biên chế, không được mở rộng quy mô đào tạo hiện nay cũng làm ảnh hưởng đến tâm tư của giảng viên trong trường và khó tuyển nhân lực mới, gây “chảy máu chất xám”. Cứ thế này, các trường trực thuộc Bộ sẽ khó mà phát triển được.
Nhấn mạnh việc phải cạnh tranh với các cơ sở đào tạo du lịch trong nước và dòng lao động du lịch từ các nước ASEAN vào Việt Nam khi thực hiện MRA-TP, ông Lê Anh Tuấn đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tập trung bồi dưỡng ngoại ngữ cho giảng viên, tiến tới đạt chuẩn giáo dục nghề nghiệp, trở thành trường đào tạo du lịch chất lượng cao. Đồng thời, rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội theo chuẩn kỹ năng nghề.
Ghi nhận và đánh giá cao Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trong gần nửa thế kỷ qua đã đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trường có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế- xã hội nói chung. Nhà trường đã vượt lên những khó khăn, tập trung chăm lo, xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có khả năng quản trị, tâm huyết, đam mê, tích thiện, gắn bó với trường. Chương trình đào tạo của trường cũng ngày càng bài bản, chất lượng, sát thực tế, được xã hội thừa nhận. Trường đã từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu là cơ sở nghề đào tạo hàng đầu cả nước”.
Mặc dù có nhiều dư địa phát triển nhưng việc đào tạo lao động nghề du lịch cũng có những đòi hỏi khắt khe, đối mặt với sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo du lịch, sự dịch chuyển lao động từ khối ASEAN. Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tập trung mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, đặt ra mục tiêu cụ thể sẽ đạt bao nhiêu lao động trong số 3 triệu lao động trực tiếp của ngành Du lịch năm 2030. Từ đó, trường phải xây dựng được triết lý phát triển, tầm nhìn trong dài hạn; mời những chuyên gia, những nhà khoa học, uy tín trong nghề về giảng dạy; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) để tiếp nhận các nghiên cứu, ứng dụng trong phát triển du lịch…
Thứ trưởng yêu cầu trường nghiên cứu, hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc Trung học phổ thông để học sinh, sinh viên được đào tạo ngay, có tay nghề vững, trước mắt là gắn với các cơ sở giáo dục của Hà Nội để có nguồn đầu vào ổn định. Để tránh chật vật mùa tuyển sinh, trường nên mở ra định hướng nghề nghiệp qua các ngày hội việc làm trước tuyển sinh.
Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Du lịch, Vụ Đào tạo và các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL hỗ trợ, tạo điều kiện để trường nâng cao cơ sở vật chất, duy trì đội ngũ giảng viên chất lượng cao, tâm huyết với nghề, đưa trường trở thành cơ sở đào tạo nghề du lịch chất lượng cao, trước mắt có một năm học mới thuận lợi, sớm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.