Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

12/05/2019 | 22:05

Sáng 12/5, trong khuôn khổ Festival Biển 2019, đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0". Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trên toàn quốc tham gia.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: dulichsaigon)

Tính đến thời điểm này, cả nước có 196 cơ sở đào tạo du lịch, gồm 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Hàng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho ra trường khoảng 22.000 sinh viên, học viên. Trong đó, có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp; 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, 18.200 học viên hệ trung cấp.

Theo báo cáo của VITEA, so với các nước trong khu vực, chất lượng du lịch Việt Nam còn hạn chế; một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực của chúng ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ.

Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhìn nhận, vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao đang là thách thức của du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Hiện nay, ngành Du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn chung cho 6 nghiệp vụ: lễ tân, buồng phòng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề nghiệp (không bao gồm hướng dẫn viên du lịch). Sắp tới đây sẽ triển khai thỏa thuận cho phép người lao động được dịch chuyển trong ngành Du lịch các nước khối ASEAN, nên nếu không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay như: thống nhất chương trình chung cho các cơ sở đào tạo; nâng cao cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo và trình độ của giảng viên giảng dạy du lịch; tăng cường thời gian thực hành, học ngoại ngữ và tin học, thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng hội nhập cho người lao động.

Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị các cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp du lịch, trong đó các doanh nghiệp nên chủ động đặt hàng cho cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại cơ sở, từ đó triển khai việc kiểm tra tay nghề, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1,7 triệu lao động đang làm việc trong ngành Du lịch, nhưng tỷ lệ lao động có chuyên môn nghiệp vụ du lịch chỉ đạt khoảng 43%, hơn 50% số lao động làm du lịch không biết ngoại ngữ. Dự báo đến năm 2020, ngành Du lịch cả nước cần 2 triệu lao động trực tiếp cho các cơ sở du lịch; mỗi năm, ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động.


Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×