Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
24/12/2015 | 14:44Ngày 23.12.2015, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở Du lịch, Sở VHTTDL của 15 tỉnh, thành phố, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia trong ngành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011 là văn kiện quan trọng tạo cơ sở cho việc huy động các nguồn lực phát triển du lịch nước nhà. Trong 5 năm qua (2011-2015), ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, những bài học kinh nghiệm. Từ đó có cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh, tình hình mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Theo báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL) trình bày tại hội thảo, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015 trong chiến lược đều đã hoàn thành đạt và vượt. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế đạt khoảng 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt tăng trưởng trung bình khoảng 25%/năm. Tính 11 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 7 triệu lượt, khách nội địa đạt 53,8 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt gần 313 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn vừa qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú. Đến nay, cả nước đã có gần 20 nghìn cơ sở lưu trú với 419.280 buồng, đạt tăng trưởng trung bình số buồng là 15,87%/năm; trong đó có 91 cơ sở hạng 5 sao, 219 cơ sở hạng 4 sao, 442 cơ sở hạng 3 sao. Đặc biệt, sự có mặt của các nhà đầu tư chiến lược ở trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này đã góp phần quan trọng mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp, qua đó tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Thị trường khách du lịch giai đoạn 5 năm vừa qua phát triển cơ bản phù hợp với định hướng chiến lược. Trong đó các thị trường gần ở khu vực Đông Bắc Á, ASEAN vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, thị trường Nga có tốc độ tăng trưởng nhanh tuy gần đây có sự sụt giảm do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế Nga, thị trường mở rộng là Ấn Độ, Trung Đông bước đầu đạt kết quả nhất định. Trong khi đó, thị trường khách du lịch nội địa liên tục tăng trưởng, đạt tới 16,3%/năm, phản ánh nhu cầu đi lại du lịch rất lớn của khách nội địa cũng như khả năng đáp ứng của ngành Du lịch.
Về sản phẩm du lịch, những sản phẩm đặc trưng đã được hình thành trong giai đoạn trước năm 2010 ngày càng khẳng định được giá trị. Hệ thống sản phẩm dần được hình thành theo định hướng phát triển du lịch theo 7 vùng với những sản phẩm đặc thù riêng cho mỗi vùng. Ngoài du lịch biển, nhiều sản phẩm mới ở vùng núi thu hút đông khách du lịch. Các dòng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm vụ được phát triển góp phần thực hiện hiệu quả định hướng của chiến lược.
Công tác xúc tiến quảng bá được tăng cường mạnh mẽ, đổi mới cả về nội dung và hình thức, quảng bá hình ảnh Việt Nam – vẻ đẹp bất tận. Ngoài việc tham gia các hội chợ, mời báo chí nước ngoài đến tìm hiểu sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch... những cách thức mới cũng được tiếp cận và áp dụng như xúc tiến qua các kênh internet, mạng xã hội, thiết lập quan hệ công chúng... Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong xúc tiến quảng bá, liên kết giữa điện ảnh, truyền hình và du lịch đã ngày càng được chú trọng. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch ngày càng sâu rộng, góp phần quan trọng mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế cho du lịch Việt Nam
Nguồn nhân lực du lịch đã tăng về số lượng và từng bước được cải thiện về chất lượng. Đến năm 2015, có gần 555 nghìn lao động trực tiếp, 1.220.500 lao động gián tiếp, góp phần mang lại hiệu quả xã hội trong việc tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên con số ngày chưa đạt được như mục tiêu của chiến lược là đến năm 2015 tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620 nghìn lao động trực tiếp.
Nhìn chung, trong giai đoạn 5 năm qua, việc thực hiện chiến lược luôn đảm bảo sự nhất quán với quan điểm phát triển, chất lượng dịch vụ được tăng lên đáng kể, nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt. Ngành Du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; dần từng bước khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như năng lực cạnh tranh còn thấp; phát triển du lịch còn thiếu sự bền vững, nhiều vấn đề về môi trường du lịch chưa được giải quyết; phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt như kỳ vọng, còn thiếu sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng; công tác xúc tiến quảng bá chưa có sự chuyển biến đột phá tương xứng với yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho du lịch còn thấp; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế...
Qua phát biểu tại hội thảo, các đại biểu thể hiện sự nhất trí với dự thảo báo cáo tóm tắt, đồng thời bổ sung thêm ý kiến nhằm làm rõ hơn một số vấn đề và đề xuất một số giải pháp, định hướng trong giai đoạn tới như: đề xuất tăng kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của ngành Du lịch; thành lập trường đại học du lịch để nâng cao chất lượng nhân lực theo hướng chuyên nghiệp; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư; chú ý nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá; quan tâm tới những vấn đề về biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới du lịch; định vị các thị trường trọng điểm phù hợp với năng lực phục vụ của du lịch Việt Nam...
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những thành tựu mà ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được qua 5 năm thực hiện chiến lược phát triển du lịch. Thứ trưởng yêu cầu cần nhìn nhận rõ những thành công và hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, để trong thời gian tới tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, chú ý phân tích rõ nội hàm của năng lực cạnh tranh để có những giải pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh và điều kiện ở Việt Nam. Thứ trưởng cũng cho rằng, việc nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch là rất quan trọng và không thể nóng vội, phải trải qua quá trình mới đạt được kết quả.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác xúc tiến quảng bá và truyền thông, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch theo hướng tập trung nguồn lực và gắn bó chặt chẽ với truyền thông để tạo hiệu quả tuyên truyền thật rộng rãi. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cả ở trong và ngoài nước để tạo thiện cảm, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác công tư giữa cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp; nhấn mạnh vai trò quan trọng của các địa phương và doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực du lịch.
Chiều cùng ngày, hội thảo đã tập trung bàn về các nhiệm vụ trọng tâm và chương trình xúc tiến du lịch trong năm 2016.
Theo TITC