Đắk Lắk: Phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk
29/04/2025 | 15:48Di tích Quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những di tích tiêu biểu trên Đường Trường Sơn huyền thoại.

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Bến vượt sông Sêrêpốk là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khối lượng lớn lương thực, vũ khí… được vận chuyển qua sông Sêrêpốk chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, nơi đây là điểm đánh phá ác liệt của quân địch. Ngày nay, Bến vượt sông Sêrêpốk trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ đi trước, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trước sự chuyển biến nhanh chóng của cục diện chiến trường miền Nam, từ mùa khô năm 1973 đến tháng 5/1975, Sư đoàn 470 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đã thi công cầu, đường từ đường 19 vào Nam Tây Nguyên, làm ngầm cho xe tăng, cầu nối cho xe ô tô, pháo binh hạng nặng, bộ binh vượt sông Sêrêpốk, góp phần vào chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975) và thần tốc tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Bến vượt sông Sêrêpốk trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, pháo binh đế quốc Mỹ - Ngụy khiến 57 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 470 hy sinh và nhiều đồng đội bị thương. Hiện, nơi đây đã được lập Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ để thờ cúng bên cạnh Bến vượt sông Sêrêpốk.
Ngày nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk cùng Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ nằm trong địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Sêrêpốk (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk), được cán bộ, chiến sỹ biên phòng quản lý, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan. Di tích Quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk cũng là địa điểm được cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân thường xuyên đến thăm, tìm hiểu lịch sử và quá trình đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trên con Đường Trường Sơn huyền thoại.

Cọc gỗ còn lại ở bờ phía Bắc của Bến vượt sông Sêrêpốk trong chiến tranh được quân ta dùng để cột dây neo giữ phà cho người và phương tiện vượt sông.
Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk cho biết, sau ngày giải phóng, Bến vượt sông Sêrêpốk đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, toàn bộ hệ thống cầu, phà đã được lực lượng bộ đội ta chuyển đi nơi khác. Hiện nay, ở bờ phía Bắc vẫn còn 1 cọc sắt phía bên trái và 1 cọc gỗ bên phải có đường kính 15 cm, trong chiến tranh dùng để cột giây neo giữ phà cho người và phương tiện vượt sông. Ngày 9/12/2013, Thủ Tướng Chính phủ có quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, trong đó Bến vượt sông Sêrêpốk được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Kiều, đứng chân trên địa bàn có Di tích quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk và Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn quan tâm bảo vệ, bảo quản và tôn tạo cảnh quan nơi đây. Đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở khu vực biên giới về vai trò, ý nghĩa lịch sử của Bến vượt sông Sêrêpốk đối với tuyến Đường Trường Sơn huyền thoại; truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường bất khuất của người lính “Cụ Hồ”. Tại Bến vượt sông Sêrêpốk, sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc thông suốt vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên những chiến công vang dội, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - non sông nối liền một dải.
“Ngày nay, cán bộ, chiến sỹ đơn vị luôn nhận thức được vinh dự và trách nhiệm khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là trên khu vực có Di tích quốc gia đặc biệt Bến vượt sông Sêrêpốk. Từ đó, phấn đấu cống hiến, xứng đáng là thế hệ tiếp bước cha anh, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của quốc gia, xây dựng vùng biên ngày càng giàu đẹp” - Trung tá Nguyễn Văn Kiều cho hay.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk và học viên Học viện Biên phòng dâng hương tại Nhà bia ghi danh các Anh hùng liệt sĩ tại Bến vượt sông Sêrêpốk.
Trong những ngày Tháng 4 lịch sử, được tìm hiểu về quá trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Bến vượt sông Sêrêpốk, Trung sĩ Lê Trung Nguyên (học viên K35, Học viện Biên phòng) không khỏi xúc động chia sẻ, sau khi trực tiếp tham quan, tìm hiểu và nghe giới thiệu từ Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk, anh hiểu thêm những gian khổ, sự hy sinh to lớn cũng như ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc của các thế hệ ông cha tại Bến vượt sông Sêrêpốk. Là người lính, anh sẽ tiếp bước truyền thống cha ông, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành người lính “Cụ Hồ” trong thời đại mới, cống hiến công sức của mình để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Cùng chung cảm xúc, Trung sĩ Tôn Thất Bảo Châu (học viên K35, Học viện Biên phòng) cho biết, quá trình thực tập tại Đồn Biên phòng Sêrêpốk, anh và các đồng đội may mắn được tìm hiểu về tuyến đường Trường Sơn huyền thoại cũng như quá trình chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc của quân và dân ta.
“Những câu chuyện xúc động, dấu tích còn lại tại Bến vượt sông Sêrêpốk cũng như nén tâm hương mà các thế hệ trẻ dâng lên Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sỹ bên bờ sông Sêrêpốk… càng bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào về quá trình chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đây cũng là động lực lớn, thôi thúc bản thân và đồng đội phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong học tập và rèn luyện để tiếp bước các thế hệ cha ông, đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Trung sĩ Tôn Thất Bảo Châu cho hay.

Đồn Biên phòng Sêrêpốk tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, giá trị lịch sử của Bến vượt sông Sêrêpốk.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, những dấu tích lịch sử tại Bến vượt sông Sêrêpốk vẫn trường tồn với thời gian, là minh chứng rõ nét của một thời sống và chiến đấu oanh liệt cho đến ngày toàn thắng của Bộ đội Trường sơn, quân và nhân dân các dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau; từ đó ý thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.
Nguồn: TTXVN