Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đắk Lắk: Bảo tồn văn hóa song hành phát huy du lịch di sản

27/12/2024 | 08:42

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VHTTDLtỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, địa phương này đã tích cực triển khai dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6). Qua đó, Đắk Lắk ngày càng tiệm cận hơn với mục tiêu song hành hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa với phát huy du lịch di sản.

Tiếp nối giá trị văn hóa

Theo thống kê của Sở VHTTDL Đắk Lắk, đến nay, tỉnh có 4 di sản phi vật thể quốc gia, gồm: Khan (sử thi) của người Êđê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông; Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê và di sản Mo Mường; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Riêng không gian văn hóa cồng chiêng, sau nhiều năm tập trung bảo tồn, vận động đầu tư phát triển, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa đến nhiều tầng lớp cộng đồng xã hội, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và cả thế giới.

Đắk Lắk: Bảo tồn văn hóa song hành phát huy du lịch di sản - Ảnh 1.

Các hoạt động lễ hội, du lịch của Đắk Lắk luôn gắn liền với bảo tồn phát huy giá trị di sản

Địa phương đã cấp hơn 200 bộ chiêng, 986 bộ trang phục truyền thống cho các buôn đồng bào; tổ chức hơn 130 lớp truyền dạy đánh chiêng; phục dựng được trên 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng; tổ chức biểu diễn định kỳ một tháng hai chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, cùng nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Đặc biệt, năm 2022 và 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác quốc tế Jeollabuk-do (Hàn Quốc), tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chương trình liên kết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, qua đó mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống, phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của người M’nông, sưu tầm các bài chiêng truyền thống của người Êđê và M’Nông.

“Những hoạt động này minh chứng rất rõ định hướng nhận thức, hành động của địa phương chúng tôi, là luôn đảm bảo trách nhiệm về tiếp nối phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, cố gắng giữ gìn nguyên trạng và đặc sắc những di sản văn hóa, những hoạt động văn hóa xã hội truyền thống trong dân gian. Đắk Lak hiện đang có 49 dân tộc anh em cùng chung sống, với gần 40% là bà con dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc có hẳn một kho tàng văn hóa với bản sắc, tập tục, tín ngưỡng riêng. Tất cả đều cần được bảo lưu, giữ gìn tích cực nhất, cần tiếp tục cổ động để người dân kế tục duy trì và chúng tôi đang rất cố gắng để làm được những điều đó”, ông Lại Đức Đại tâm sự.

Điều đáng mừng theo ông, là thời gian gần đây, sự quan tâm, thống nhất từ Trung ương, đến chính quyền, Đảng bộ địa phương với công tác phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa cơ sở, tại người dân… được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ.

Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng; các cuộc giao lưu văn hóa, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc được tổ chức định kỳ. Tại địa phương, hàng năm, các cấp cơ sở đều tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, liên hoan nghệ thuật quần chúng... Việc giao lưu văn hóa này còn mở rộng giữa các dân tộc trong tỉnh với các địa phương khác trong cả nước.

Tất cả góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp nối, nắm giữ các giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng vững vàng hơn nền văn hóa Việt Nam.

Đẩy mạnh du lịch di sản!

Tuy nhiên, theo ông Lại Đức Đại, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa di sản cần được nhìn nhận tích cực hơn qua các giải pháp kết hợp, đẩy mạnh du lịch di sản, đưa những không gian văn hóa, vật thể thời gian thành “tài sản” hiện thực, gần gũi và giá trị với đời sống người dân, tạo cơ hội khai thác du lịch cùng những tiềm năng kinh tế dân sinh khác.

Về chủ trương, tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết 08 “hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch 46 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch số 13 trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc của 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, ngành văn hóa, du lịch tỉnh được chỉ đạo quyết liệt triển khai Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 – 2030, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và xây dựng những sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với du lịch “Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Văn hóa Tây Nguyên”.

Về thực tiễn, ông Lại Đức Đại nêu rõ, địa phương đang định hướng ba hoạt động quan trọng về đầu tư, khai thác du lịch gắn với văn hóa di sản.

Đó là tổ chức, vận động các doanh nghiệp có năng lực cùng triển khai các dự án văn hóa cộng đồng, đầu tư các điểm đến di sản, dự án hạ tầng, dịch vụ du lịch và tổ chức khai thác hiệu quả, thu hút du khách tham gia. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch bền vững luôn được địa phương đưa ra và xúc tiến tích cực, nhất là các dự án có tính chất liên kết cùng các địa phương khác vận dụng, phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa di sản.

Thứ hai, địa phương cùng các cấp cơ sở không ngừng điều tra, nghiên cứu, phát hiện và giữ gìn những nhân tố, yếu tố, hoạt động và không gian đời sống trong cộng đồng dân cư, cộng đồng các dân tộc anh em để đảm bảo duy trì ổn định các sinh hoạt văn hóa di sản, truyền thống; qua đó xây dựng các kế hoạch nhân rộng, truyền thông, “biến di sản thành tài sản” để người dân có thêm cơ hội việc làm, thu nhập, tham gia phát triển du lịch ngay tại địa bàn.

Ông Lại Đức Đại dẫn chứng, đơn cử theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 11.524 nghệ nhân đang nắm giữ các loại hình văn hóa dân gian, như đánh chiêng, chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, tạc tượng… Trong đó, có các nghệ nhân là “di sản sống” như 971 nghệ nhân xử luật tục; 1.362 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tục ngữ; 223 nghệ nhân biết kể sử thi; 367 nghệ nhân biết kể truyện cổ….

Do đó, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đời sống, như nghệ nhân nhân dân hưởng trợ cấp 2 triệu đồng/người/tháng; nghệ nhân ưu tú là 1 triệu  đồng/người/tháng… Đồng thời, ngành văn hóa tổ chức các điểm biểu diễn, sự kiện cơ sở thường xuyên để vận động các nghệ nhân tham gia diễn xướng, nói chuyện… tại các điểm đến du lịch, vừa đưa giá trị văn hóa di sản đến với du khách, vừa cải thiện thêm thu nhập cho các nghệ nhân.

Cuối cùng, tùy theo điều kiện kinh tế thực tiễn, địa phương có các kế hoạch, dự án đầu tư làm ăn kinh tế, vận động người dân các vùng di sản thành lập các câu lạc bộ, điểm sinh hoạt về dệt thổ cẩm, làm vật phẩm lưu niệm, canh tác sản vật đặc trưng… để cổ vũ người dân tham gia làm kinh doanh du lịch. Các mô hình hoạt động thể thao, học tập văn hóa cũng được nghiên cứu, tiến đến xây dựng những chương trình đầu tư, phát triển thể thao cộng đồng phù hợp như bắn cung, phiêu lưu mạo hiểm...

Đặc biệt, các hình thức lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống của các dân tộc đang được địa phương chú ý, vận động phục dựng, bảo tồn có chọn lọc, nhằm gìn giữ tốt hơn những phong tục, tập quán tốt đẹp rong từng cộng đồng dân cư, và cho phép xây dựng các tiêu chí văn hóa mới hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×