Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đại biểu Quốc hội: Chương trình MTQG về văn hóa rất ý nghĩa, mọi người dân đều được thụ hưởng

10/06/2024 | 08:26

Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 8/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội: Chương trình MTQG về văn hóa rất ý nghĩa, mọi người dân đều được thụ hưởng - Ảnh 1.

Quang cảnh tổ thảo luận

Tại tổ thảo luận của các Đoàn ĐBQH: TP.Hải Phòng, tỉnh Kon Tum, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, khi nêu ý kiến thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Phấn khởi vì mọi người dân đều được thụ hưởng

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, ĐBQH Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) bày tỏ thống nhất về chủ trương ban hành Chương trình MTQG về phát triển văn hóa. "Tôi cũng thống nhất về tên gọi, đối tượng thụ hưởng, chính sách thực hiện Chương trình" – nữ đại biểu nói.

Theo đại biểu, ở trong nước thì mọi người dân cộng đồng dân cư các vùng miền tổ quốc đều là đối tượng thụ hưởng, quy mô cả ở cả cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã, thôn. Đây là điều rất phấn khởi.

Đại biểu Quốc hội: Chương trình MTQG về văn hóa rất ý nghĩa, mọi người dân đều được thụ hưởng - Ảnh 2.

ĐBQH Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) nêu ý kiến thảo luận

Về mục tiêu tổng quát, đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến mục tiêu bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc các dân tộc. Theo đại biểu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại có ý nghĩa rất lớn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến các nhóm nhiệm vụ trong Chương trình này.

Trong đó, cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chương trình. Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc các dân tộc, qua đó góp phần tốt hơn cho việc phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, qua nghiên cứu tiếp cận tài liệu ông đồng tình rất cao với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Bởi đây là chương trình rất có ý nghĩa và nên được triển khai sớm.

"Các cơ chế chính sách tại Chương trình cũng được Chính phủ nêu rất đầy đủ nhất là về phân cấp rất mạnh mẽ cho chính quyền địa phương. Đây là quan điểm rất đúng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện" – đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Về phạm vi thực hiện, đại biểu cho biết, trong dự thảo Chương trình có ghi là ở các "trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài". Đại biểu cho rằng không nên ghi như vậy mà chỉ cần ghi chung là "nước ngoài" nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện đúng với kế hoạch của Chương trình này.

Đại biểu Quốc hội: Chương trình MTQG về văn hóa rất ý nghĩa, mọi người dân đều được thụ hưởng - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

"Bởi có những quốc gia khi chúng ta thực hiện việc quảng bá văn hóa thông qua việc đưa các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài lại không có trung tâm văn hóa Việt Nam" – đại biểu cho hay.

Đồng tình với 7 mục tiêu tổng quát và 10 dự án thành phần, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần đề cập đến việc phải xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam. "Chúng ta xây dựng việc này để xây dựng một hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam. Không chỉ người dân tự hào mà khi bạn bè quốc tế khi nói đến Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh đó" – đại biểu nói.

Phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương

Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến việc có nên chuyển Dự án số 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 vào Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi xây dựng Chương trình, cũng có ý kiến nên chuyển để tránh sự chồng chéo. Nhưng ngược lại cũng có ý kiến không nên chuyển vì danh mục của dự án trước đó đã phê duyệt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc chuyển hay không thì không thay đổi mục đích, ý nghĩa, công việc đang triển khai của dự án, chương trình.

"Chúng ta phải tuân thủ quyết định của Hội đồng thẩm định quốc gia về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa do Bộ Kế hoạch Đầu tư là cơ quan chủ trì. Ở đây mới chỉ là dự án tiền khả thi, khi nào có báo cáo danh mục, hạng mục thì mới cụ thể được dự án nào cho địa phương nào. Về cơ bản, các dự án của Chương trình đều được phân cấp mạnh mẽ về các địa phương và do địa phương làm chủ đầu tư" – Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Quốc hội: Chương trình MTQG về văn hóa rất ý nghĩa, mọi người dân đều được thụ hưởng - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại tổ thảo luận.

Cũng trong tổ thảo luận này, Bộ trưởng đã thông tin cụ thể hơn về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo Bộ trưởng, Chương trình hướng đến xây dựng văn hóa và con người. Chương trình này vừa có chỉ tiêu cụ thể nhưng cũng có những chỉ tiêu định tính bởi khi nói đến văn hóa và con người là nói đến lĩnh vực rất trừu tượng.

Theo đó, Chương trình hướng đến 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, trong đó lần lượt xác định các vấn đề ưu tiên như xây dựng con người, môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, đầu tư cho di tích di sản, quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Nói riêng về lĩnh vực quảng bá văn hóa con người Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, khi Chương trình được thông qua thì chúng ta có thể xây dựng những trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, nơi chúng ta có mối quan hệ văn hóa gắn kết và tương đồng.

"Đây sẽ nơi ngôi nhà chung của văn hóa Việt Nam, của kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xây dựng theo lộ trình, thứ tự ưu tiên vì nguồn lực của đất nước chúng ta đang có hạn" – Bộ trưởng cho hay.

Về lĩnh vực di tích, di sản, thiết chế văn hóa, Bộ VHTTDL đã làm việc 3 lần với các địa phương. Qua các buổi làm việc đã đi đến một nhận thức chung đó là nhu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị di tích di sản, xây dựng các thiết chế văn hóa là rất lớn, nhất là đối với các địa phương đang khó khăn về ngân sách./.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×