Đặc sắc Chương trình nghệ thuật "Son sắt một niềm tin"
10/05/2020 | 08:47Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Son sắt một niềm tin"; Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa; Quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đò tuyến Núi Ghềnh Tháp – Hang Luồn – Động Liên Hoa – Núi Máng Nước tại huyện Hoa Lư; … là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hải Phòng: Chào mừng 65 năm giải phóng Hải Phòng và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Ca múa Hải Phòng xây dựng chương trình nghệ thuật "Son sắt một niềm tin".
Chương trình nghệ thuật "Son sắt một niềm tin" gồm 3 phần. Phần 1 mang tên "Có một niềm tin yêu" với chùm ca khúc ngợi ca Đảng quang vinh gồm "Lá cờ Đảng" của Văn An, "Có một niềm tin yêu" của Đức Trịnh, "Tuổi xuân dâng Đảng" của Đỗ Dũng.
Phần 2 có chủ đề "Nhớ mãi ơn Người – Hồ Chí Minh" với 5 ca khúc về Bác. Phần 3 là "Việt Nam – Chân trời rộng mở" với 4 ca khúc ca ngợi tình yêu đất nước và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chương trình "Son sắt một niềm tin" dự kiến ghi hình vào ngày 17/5 và Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phát sóng vào 20 giờ ngày 19/5. Chương trình hy vọng sẽ mang đến người xem truyền hình nhiều cung bậc cảm xúc về Đảng, Bác Hồ, đất nước với nhân dân thành phố Hải Phòng. Trong chương trình này, bên cạnh một số ca khúc đi cùng năm tháng là các tác phẩm do thế hệ nhạc sĩ ngày nay sáng tác, cảm nhận sâu sắc về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội: UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa.
Theo đó, bãi bỏ Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội về Quy chế công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/5/2020.
Ninh Bình: UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định về việc quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đò tuyến Núi Ghềnh Tháp – Hang Luồn – Động Liên Hoa – Núi Máng Nước tại huyện Hoa Lư.
Theo quy định, người trên 15 tuổi đến dưới 60 tuổi: 70.000 VNĐ. Trẻ em từ đủ 06 đến 15 tuổi và người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên): 35.000 VNĐ. Đơn giá trên bao gồm 02 chiều (đi và về), số lượng chở tối đa 12 hành khách/đò. Trong trường hợp khách du lịch đi với số lượng ít hơn số quy định, Công ty cổ phần Du lịch Tràng An vẫn phải bố trí thuyền để phục vụ khách.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2020.
Nam Định: Theo báo cáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo các phòng quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố Nam Định căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao gắn việc thực hiện Chỉ thị 46- CT/TW với các văn bản chỉ đạo về hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và quản lý nhà nước đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Hoạt động tuyên truyền về Chỉ thị được tổ chức thông qua các hình thức sau: Tuyên truyền cổ động trực quan trên hệ thống panô, khẩu hiệu, băng rôn… trên các tuyến đường và tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị gắn với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở của các huyện, thành phố.
Tuyên truyền thông qua việc trình chiếu các bộ phim đã được kiểm duyệt, không để lọt những sản phẩm văn hóa độc hại, kịp thời ngăn chặn những bộ phim có nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Tuyên truyền thông qua việc dàn dựng, biểu diễn các tiểu phẩm, các chương trình văn nghệ có lồng ghép nội dung về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, hướng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Tuyên truyền thông qua các buổi trưng bày, giới thiệu sách tại Thư viện tỉnh, xe thư viện lưu động tại các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm bài trừ, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ.
Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trang thông tin điện tử các đơn vị của ngành, Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định (trước đây là Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…
Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa ở cơ sở đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng hưởng thụ văn hóa lành mạnh, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý và nhận thức của nhân dân về phòng chống ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa độc hại cơ bản được nâng lên rõ rệt sau khi Chỉ thị 46-CT/TW được ban hành.