Đà Nẵng phát triển phong trào văn hóa cơ sở
22/03/2022 | 10:30Những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Để đạt được kết quả tích cực ấy, lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng, then chốt.
Góp phần đưa phong trào văn hóa đi lên
Hơn 20 năm gắn bó với công tác văn hóa cơ sở, anh Phan Hữu Hưng, công chức văn hóa - xã hội phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) được biết đến là người nhiệt tình, trách nhiệm, có khả năng tổ chức phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn. Nhờ kinh nghiệm, năng động trong công tác và gần gũi với người dân, anh góp công không nhỏ trong việc đưa phong trào văn hóa địa phương từng bước đi lên.
Anh Hưng chia sẻ, cán bộ văn hóa cơ sở xác định kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên đi sớm, về trễ nên nếu không tâm huyết rất khó làm. Bên cạnh đó, cán bộ cũng cần linh hoạt, năng động, sáng tạo tham mưu lãnh đạo địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa thiết thực, sôi nổi, thu hút người dân tham gia.
Theo anh Hưng, trước đây tại địa phương, các hoạt động văn hóa, thể thao thường được tổ chức chung chung, không tập trung vào đối tượng cụ thể nên không hấp dẫn. Nhận thấy vấn đề này, anh xây dựng và trình cấp trên kế hoạch tổ chức phong trào, hoạt động nhắm vào từng lứa tuổi, đối tượng; đồng thời, tập hợp, xây dựng các CLB văn nghệ, thơ nhạc, thể thao trên địa bàn. Đến nay, các hoạt động văn nghệ tại phường diễn ra khá đa dạng, có 5-6 cuộc thi/năm, các CLB cũng thu hút hơn100 người tham gia, hoạt động thường xuyên.
Trong công việc, anh Hưng luôn xác định công tác xây dựng phường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, tích cực tham mưu UBND phường quan tâm xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị. Nhờ vậy, nhiều năm qua, phường Vĩnh Trung luôn là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào văn hóa, văn minh của quận và thành phố.
Hiện trên địa bàn phường có 11 tuyến đường văn minh đô thị và 2 kiệt an toàn, văn minh, sạch đẹp. Từ năm 2009 đến nay, phường luôn dẫn đầu trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của quận Thanh Khê. Tỷ lệ gia đình, tổ dân phố văn hóa ở mức cao với hơn 90%.
"Thành công lớn nhất của tôi trong suốt những năm làm văn hóa không phải là nhận được nhiều giấy khen, giải thưởng mà là sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân. Nếu như trước đây, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hành vi thiếu văn minh diễn ra khá thường xuyên thì nay gần như biến mất, các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng được người dân hưởng ứng tham gia hơn", anh Hưng chia sẻ.
Tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa địa phương
Cũng có thâm niên hơn 20 năm làm công tác văn hóa cơ sở, anh Lê Văn Hòa, công chức văn hóa - xã hội xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) cho biết, để có được hệ thống thiết chế văn hóa hoàn chỉnh từ thôn lên đến xã như bây giờ là hành trình phấn đấu không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân. Thời điểm xã bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao, tiếp đến phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu, anh Hòa được giao nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ tình hình thực tế của từng thôn, anh chủ động tuyên truyền người dân qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp, rồi lên kế hoạch tham mưu lãnh đạo xã, thôn về việc tu sửa, xây dựng nhà văn hóa, hệ thống sân chơi, bãi tập. Đến nay, 10/10 thôn tại xã Hòa Sơn đều có nhà văn hóa đạt chuẩn; hầu hết các thôn đều có đội văn nghệ, CLB bóng đá, bóng chuyền... Hằng năm, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương được tổ chức, chất lượng các phong trào ngày càng cao và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân.
Với đặc thù địa bàn có 80% dân theo tôn giáo, anh Hòa luôn chủ động, linh hoạt trong tuyên truyền quần chúng đồng thuận xây dựng nếp sống văn hóa. Tích cực đến từng ngõ, gõ từng nhà, vận động nhân dân ủng hộ các chính sách, chủ trương của thành phố. Bên cạnh đó, do địa phương có nhiều đình làng, nhà thờ, công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phong tục truyền thống cũng được chú trọng đặc biệt.
Theo anh Hòa, bên cạnh năng khiếu, nhiệt tình với phong trào, nhân dân, cán bộ văn hóa cần am hiểu sâu về truyền thống, phong tục tập quán ở địa phương. Đặc biệt, phải có kế hoạch cụ thể hằng năm triển khai các hoạt động, phong trào đa dạng, hiệu quả. Từ đó, tham mưu lãnh đạo kịp thời ra các quyết định phù hợp với việc quản lý, hướng dẫn, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.
Một trong những yếu tố quan trọng mang đến sức sống, sự phát triển thực chất cho phong trào văn hóa chính là những nhân tố tâm huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo và hết lòng vì công việc. Điều này không chỉ có ở anh Hưng, anh Hòa... mà còn rất nhiều tấm gương ở cơ sở. Bằng sự gắn bó, tình yêu đối với chính nơi mình sinh sống, họ đã và đang hằng ngày đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa của địa phương phát triển.