Đà Nẵng: Bảo tàng đổi mới để phục vụ công chúng
21/07/2021 | 15:28Covid-19 diễn biến phức tạp, các bảo tàng thực hiện đóng cửa, ngừng phục vụ khách theo quy định của thành phố để bảo đảm phòng, chống dịch. Đây cũng là “thời gian vàng” giúp những người làm công tác bảo tàng nói chung, thuyết minh viên nói riêng có cơ hội học hỏi, trau dồi thêm nghiệp vụ để đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức phục vụ công chúng.
Tăng cường kiến thức chuyên môn
Tranh thủ thời gian tạm ngưng đón khách do Covid-19, các bảo tàng trên địa bàn thành phố đều tập trung công việc chuyên môn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, hiện cán bộ, nhân viên bảo tàng đang nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học của hiện vật, bảo quản, vệ sinh các hiện vật trong không gian trưng bày và trong kho hiện vật, bảo đảm để các hiện vật được bảo quản an toàn nhất. Đồng thời, lên kế hoạch chỉnh lý không gian trưng bày nhằm đổi mới không gian, thu hút khách tham quan khi dịch bệnh được kiểm soát.
Do lực lượng nhân sự ít, ngoài những công việc kể trên, cán bộ thuyết minh của bảo tàng còn tập trung nghiên cứu về chất liệu, các kỹ thuật vẽ. Trong đó, chủ động tìm tòi các phương pháp, kỹ thuật vẽ tranh, in tranh dân gian Đông Hồ, in tranh bằng các dụng cụ, cây cối hoa lá tự nhiên để phục vụ các chương trình trải nghiệm nghệ thuật cho thiếu nhi.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện nội dung cho hệ thống thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh để phục vụ công chúng bằng nhiều thứ tiếng, giúp du khách thuận tiện hơn khi tham quan bảo tàng trong thời gian tới”, họa sĩ Kha cho hay.
Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ngoài những công việc thường xuyên như chăm sóc, bảo quản hiện vật… hiện cán bộ, nhân viên bảo tàng tập trung chuẩn bị nội dung cho các hoạt động mang tính khoa học, chuyên đề. Anh Lý Hòa Bình, chuyên viên Phòng Giáo dục và Thuyết minh cho biết, năm 2020, các thuyết minh viên của bảo tàng được tham gia 16 buổi sinh hoạt với nội dung bao quát nhiều lĩnh vực như lịch sử tôn giáo, nghệ thuật, thông tin khoa học liên quan đến các hiện vật và bộ sưu tập tiêu biểu.
Phát huy hiệu quả từ chuỗi sinh hoạt chuyên môn này, hiện đội ngũ này đang thực hiện các bài viết có tính học thuật để phục vụ công tác thuyết minh, đóng góp nội dung cho trang tin điện tử của đơn vị, hoặc đăng giới thiệu, quảng bá trong các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên bảo tàng tiếp tục tổng hợp nội dung để phối hợp Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng tổ chức hội nghị trực tuyến đến thị trường Pháp, dự kiến tổ chức vào ngày 22-7. Trong đó, bộ phận thuyết minh của đơn vị đóng góp nội dung về điểm đến Đà Nẵng trong tương quan với văn hóa Pháp và nét nổi bật của đơn vị mình bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.
“Dù công tác thuyết minh phải tạm dừng nhưng chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm công việc, tích cực tìm tòi đọc thêm tài liệu về các hiện vật, nền văn minh Chămpa để bổ sung kiến thức, nhằm phục vụ công chúng tốt hơn trong thời gian đến”, anh Bình chia sẻ.
Nâng cao chất lượng phục vụ công chúng
Anh Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, hệ thống trưng bày của bảo tàng được nâng cấp, các bộ sưu tập hiện vật theo chuyên đề không ngừng được bổ sung. Đến nay, Bảo tàng Đà Nẵng đang sở hữu số lượng tư liệu, hiện vật đồ sộ với khoảng 20.000 tư liệu, hiện vật.
Do đó, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên bảo tàng, nhất là đội ngũ thuyết minh viên cũng ngày càng cao. Vì vậy, để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác thuyết minh tuyên truyền phải nắm bắt độ tuổi, tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng khách để lựa chọn cách thuyết minh phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh, các khâu quan trọng, có yếu tố cộng đồng như trưng bày chuyên đề, giáo dục - truyền thông đòi hỏi phải linh hoạt chuyển đổi hình thức hoạt động phù hợp tình hình thực tế. Ngoài ra, Bảo tàng Đà Nẵng yêu cầu cán bộ thuyết minh tăng cường trau dồi nghiệp vụ, vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tương tác, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm đến. Các bảo tàng cần bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn để có thể phục vụ công chúng tại bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào.
Đặc biệt, đội ngũ thuyết minh viên phải tranh thủ khoảng thời gian không phục vụ khách để củng cố, rèn luyện ngoại ngữ, phong cách phục vụ, xử lý tình huống theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. “Yêu cầu về nâng cao chất lượng phục vụ trong thời kỳ mới đòi hỏi những người làm công tác bảo tàng phải luôn làm mới mình trong mắt công chúng. Có như vậy, bảo tàng mới trở thành điểm đến không chỉ kể câu chuyện quá khứ, mà còn là nơi viết tiếp hiện tại, tương lai của các hiện vật, di sản văn hóa của thành phố”, bà Trinh nêu quan điểm.