Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cuộc hạnh ngộ của những nghệ nhân hát Xẩm

19/11/2018 | 15:30

Chương trình tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát Xẩm – Từ hè đường đến sân khấu” chiều 18/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội do Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội phối hợp với Chiếu Xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

 

Theo từng chặng đường của nghệ thuật hát Xẩm từ trước Cách Mạng tháng 8 (1945), từ Cách Mạng tháng 8 đến khi thống nhất đất nước (1975) và hát Xẩm đương đại (từ 1975 – nay), Xẩm từ một hình thức đàn hát dân gian dành riêng cho những người khiếm thị để mưu sinh nơi bến nước,mom sông đã trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn trên sân khấu, một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được nhiều người yêu thích. Nhưng điều lắng đọng nhất còn lại đó là sự gần gũi của Xẩm với nhân dân lao động. Xẩm chính là tiếng nói của nhân tình thế thái, là những câu chuyện gắn liền với đời sống của nhân dân.

Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu đậm nhất đối với công chúng chính là từ tình yêu “nghề”, tình yêu đối với một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc dường như nay đã rơi vào quên lãng – nghệ thuật hát “Xẩm” của nhiều thế hệ nghệ nhân.

NSND Xuân Hoạch. Ảnh: Phan Anh/ Đình làng Việt

Trong chương trình, khán giả yêu mến Xẩm được gặp lại NSND Xuân Hoạch, người được mệnh danh là “ông vua hát xẩm”, một trong những nghệ nhân gắn bó với công cuộc chấn hưng hát Xẩm tại Việt Nam. Mái đầu ông như đã bạc trắng nhưng tình yêu của ông với Xẩm trong suốt những năm qua dường như không thay đổi. Bén duyên với hát xẩm từ tấm bé với ký ức tại các khu chợ quê cùng mẹ, Xẩm đã lắng đọng trong tâm hồn người nghệ sĩ và trở thành “hơi thở” tự lúc nào không hay. Tuy nhiên, cũng như nhiều nghệ nhân khác điều ông trăn trở vẫn luôn là sự còn mất của Xẩm, bởi “Nếu không có người giữ thì xẩm chẳng còn. Người hát xẩm cuối cùng (là nghệ nhân Hà Thị Cầu) mà không có người kế tiếp yêu xẩm, gìn giữ xẩm thì giờ đã chẳng còn hát xẩm.”

Đó còn là câu chuyện của nghệ nhân Lê Minh Sen (ở Thanh Hóa) khi cùng Xẩm đồng hành động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận; là cụ Nguyễn Thị Lạt sinh năm 1923 ở Tứ Kỳ (Hải Dương) đến nay đã trên dưới 80 nhưng vẫn vừa ó thể vừa hát vừa đánh trống và sênh; là bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu), là ông Lê Văn Vượng cùng chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình với mong muốn gìn giữ lại những vốn quý cho quê hương.

Bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu) với chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu

Đại diện cho lớp nghệ nhân hôm nay có nghệ nhân Đào Bạch Linh (từ Hải Phòng) là một trong những nghệ nhân trẻ giành nhiều tâm huyết vào công cuộc gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Anh cũng chính là một trong những học trò cuối cùng của nghệ nhân Hà Thị Cầu – nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20. Xẩm cuốn hút Linh bởi những cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố… mà mó mang lại.  Anh chia sẻ, đứng trước bất cứ một vấn đề gì xẩm có đầy đủ các cung bậc từ vui vẻ đến châm biếm, mỉa mai. Trước cách mạng có xẩm dân vận, trong quá trình xóa mù chữ có xẩm bình dân học vụ, hay xẩm tàu điện. Bên cạnh đó, hát xẩm có môi trường diễn xướng đặc biệt, thường ở nơi kẻ chợ, tập trung đông người như ở hội đình, hội làng, hội chùa… Như vậy, các nghệ nhân đã đặt vào từng câu hát xẩm rất nhiều tình cảm và loại hình nghệ thuật này cũng rất gần gũi với đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay môi trường diễn xướng của xẩm dường như đã không còn mà chủ yếu được sân khấu hóa. Song hành với việc đi biểu diễn giao lưu để quảng bá và phát triển nghệ thuật hát xẩm, anh Linh vẫn thường xuyên hướng dẫn và truyền nghề cho các thành viên ở câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng (với khoảng hơn 20 thành viên) để cùng đàn hát cho nhau nghe và gìn giữ ngọn lửa đam mê với xẩm. Việc tham gia chương trình “Nghệ thuật hát Xẩm – Từ hè đường đến sân khấu” của anh Linh cùng với nhóm Đình làng Việt cũng là các để đưa nghệ thuật hát Xẩm đến gần hơn với công chúng.

Một điều thú vị khi nghe và xem Linh biểu diễn, đó là anh luôn mang theo một chiếc “thau đồng” để nhận tiền “thưởng” từ các vị khách quan. Khi được hỏi lý do mang vật dụng này theo  mỗi buổi biểu diễn, anh thường cười, bởi thật ra, “tiền thưởng” cho mỗi tiết mục diễn không quan trọng, quan trọng là anh muốn giữ lại cách mà các cụ xưa khi mưu sinh thường làm khi biểu diễn. Buổi biểu diễn hôm nay cũng không ngoại lệ.

Với Linh, để giữ được Xẩm, điều đầu tiên cần làm là để nó “sống lại với đúng khuôn mặt của nó”. Bên cạnh đó, cùng với những nỗ lực của bản thân và nhiều nghệ nhân, để Xẩm thực sự “sống” còn cần sự hỗ trợ đích đáng hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý.

Khép lại một buổi biểu diễn hăng say từ phía các nghệ sĩ, hăng say từ phía chính các khán giả tại sân khấu Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, trong đó có rất nhiều “khán giả nhí”, ta thấy lóe lên trong mắt các nghệ sĩ từ già đến trẻ một niềm vui khó tả khi được lan tỏa đam mê, lan tỏa tình yêu Xẩm tới công chúng nhiều và nhiều hơn nữa…

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×