Cuộc đua cam go và những thử thách của thể thao Việt Nam
21/02/2025 | 15:00Chưa đầy 10 tháng nữa SEA Games 33 sẽ chính thức khai mạc. Đây là đấu trường lớn nhất và quan trọng nhất của thể thao khu vực trong năm nay. Hiện tất cả các nước trong khu vực đều ráo riết chuẩn bị cho đấu trường này, hứa hẹn các cuộc đua tài hấp dẫn vào cuối năm.
Tập trung cao độ cho SEA Games 33

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN DUY
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực là SEA Games 33, tổ chức tại Thái Lan vào cuối năm nay, ngày 19.2 tại Cục TDTT, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì buổi làm việc về kế hoạch huấn luyện các đội tuyển chuẩn bị tham dự SEA Games 33. Trước đó Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đã có nhiều buổi làm việc nhằm rà soát lại quá trình chuẩn bị của các đội tuyển cho các Đại hội thể thao quốc tế từ SEA Games tới Asian Games (ASIAD) và Olympic. Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL chính là nguồn động lực lớn để các HLV, VĐV yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh SEA Games 33 là đấu trường lớn nhất khu vực, quan trọng nhất trong năm nay của TTVN. Bên cạnh đó, mục tiêu của chúng ta là hướng tới Asian Games và Olympic, vì thế các nhiệm vụ chuẩn bị cần phải được liên thông. Ngành phải chọn việc khó làm trước, để chuẩn bị thật tốt cho mục tiêu từ đấu trường lớn nhất là Olympic rồi đến Asian Games và SEA Games.
“Chúng ta cần thống nhất, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để phản ánh sự cố gắng và là bước tiến của TTVN. Kế hoạch cần thể hiện rõ từng đội tuyển, số lượng VĐV đến từng cá nhân. Đây là việc cần sự đầu tư, quan tâm, đảm bảo sự liên thông với kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD và Olympic”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chỉ đạo đồng thời lưu ý, trong quãng thời gian chuẩn bị cho kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, các đội tuyển cần thường xuyên rà soát, đảm bảo nắm bắt chặt chẽ về thể lực, sức khỏe, tâm lý... của các VĐV để xử lý kịp thời, tránh làm ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị cho Đại hội.
Thái Lan vẫn được đánh giá là mạnh nhất
Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 được tổ chức tại Thái Lan năm 2025 với sự góp mặt của 11 quốc gia trong khu vực gồm: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei, Myanmar, Lào, Campuchia, Đông Timor và Việt Nam. Dự kiến các VĐV sẽ thi đấu ở 574 nội dung của 53 môn và phân môn thể thao.
Theo Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1, Cục Thể dục thể thao Hoàng Quốc Vinh, với sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng vận động viên, cho thấy nước chủ nhà Thái Lan đang thể hiện quyết tâm cao và sức mạnh buộc các quốc gia khác phải tính toán và điều chỉnh nếu muốn cạnh tranh ngôi vị nhất toàn đoàn, nhất là khi họ thi đấu trên sân nhà.
“Thể thao Thái Lan vẫn được đánh giá là mạnh nhất, nước chủ nhà sẽ tập trung đầu tư cao cho các môn thế mạnh như cầu lông nữ, cử tạ, bóng đá, điền kinh, cầu mây, muay Thái, thuyền buồm hay Boxing. Tại Olympic 2024, Thái Lan có tới 8 VĐV giành vé tham dự. Ngoài ra việc một số môn, nội dung mà ban tổ chức đưa ra quy định hạn chế sự tham dự của các nước cũng sẽ tạo thêm “sức mạnh” cho nước chủ nhà trong cuộc chiến cạnh tranh huy chương. Bên cạnh đó, Indonesia cũng xác định việc tham dự và giành thành tích cao tại các kỳ SEA Games. Dự báo Indonesia sẽ tham dự Đại hội với lực lượng rất mạnh. Chính vì vậy, việc phấn đấu bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn của đoàn Việt Nam là rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta cần có kế hoạch chuẩn bị cụ thể, chi tiết, rõ ràng thì mới có thể giành thành tích cao”, vị chuyên gia kỳ cựu này phân tích.
Ngoài việc phải cạnh tranh với các nước, cái khó nữa của thể thao Việt Nam (TTVN) tại kỳ SEA Games này là khá nhiều môn thế mạnh không có trong chương trình thi đấu như Vovinam hay Khiêu vũ thể thao. Không những thế trong 53 môn và phân môn, có rất nhiều nội dung thế mạnh, có khả năng giành huy chương của Việt Nam bị ban tổ chức cắt giảm và hạn chế số lượng vận động viên tham dự như: Judo, Bắn súng, Boxing, Wushu (nội dung Tán thủ), Taekwondo, Thể dục Aerobic, Billiard.
Về chủ quan, đó còn là khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ tập luyện ở các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) tuy đã được quan tâm đầu tư, song còn thiếu thốn, nhiều trang thiết bị dụng cụ trước đây đã cũ và lạc hậu, thêm đó là chế độ chính sách cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, dinh dưỡng và dinh dưỡng đặc thù đã tăng, nhưng chưa phù hợp với thực tế, yêu cầu hiện nay.
HLV đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia Trương Minh Sang chia sẻ, dù đội luôn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, bộ môn, Liên đoàn Thể dục, đặc biệt là Trung tâm HLTTQG Hà Nội nhưng do đặc thù trang thiết bị tập luyện cho bộ môn này khá tốn kém nên việc đầu tư dụng cụ tập luyện ít nhiều gặp khó khăn.
Do cường độ tập luyện trong ngày đối với mỗi VĐV khá cao, thường xuyên và liên tục nên các xà tập, ván nhảy chống, thảm tập dù tốt nhất cũng sớm bị xuống cấp, điều này gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng tập luyện của VĐV. Do đó, ban huấn luyện đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Trung tâm HLTTQG Hà Nội bổ sung sửa chữa, nâng cấp, hoặc thay mới một số dụng cụ hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, đảm bảo an toàn trong tập luyện.

Thể thao Việt Nam tập trung toàn lực cho SEA Games nhằm chuẩn bị liên thông cho Asian Games và Olympic. Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Đua nước rút
Như thế để có thể có mặt trong nhóm cạnh tranh ngôi đầu với nước chủ nhà Thái Lan và hoàn thành mục tiêu bảo vệ ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn, TTVN buộc phải có cú đua nước rút ngoạn mục.
Để chuẩn bị cho đấu trường khốc liệt này, ngay từ cuối năm 2024, Cục TDTT đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, bộ môn cùng các đội tuyển lập kế hoạch tập luyện, tập huấn chi tiết, đánh giá tới từng VĐV, từng đối thủ. Thông qua việc xác định các môn, nội dung thi mà Việt Nam có khả năng giành huy chương để các bộ phận chuyên môn tuyển chọn vận động viên, tổ chức tập huấn các VĐV xuất sắc, HLV giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao.
Đồng thời thành lập Hội đồng tuyển chọn, kiểm tra, đánh giá công tác huấn luyện các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn. Đầu năm 2025, Cục TDTT đã ban hành quyết định triệu tập VĐV thuộc các đội tuyển tập trung tập luyện tại 5 trung tâm gồm: Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trung tâm HLTTQG TP.HCM, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Trung tâm HLTTQG Cần Thơ và Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
Theo báo cáo của các đội tuyển, đến thời điểm hiện tại, các VĐV đã bước vào quá trình tập luyện. Ban huấn luyện các đội tuyển đã lên kế hoạch chi tiết với mỗi VĐV, đề xuất tập huấn, tham dự các giải đấu cọ xát nhằm tích lũy kinh nghiệm. nâng cao trình độ cho SEA Games 33.
Nhiều đội tuyển cũng đã đề nghị đi tập huấn quốc tế hay trong nước như đội tuyển Điền kinh hiện tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội đề nghị đi tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng và TP.HCM khoảng 45-60 ngày trước các giải đấu lớn để thay đổi không khí và làm quen với môi trường khí hậu tương đồng với nước chủ nhà, đồng thời giúp các VĐV tập trung cao độ cho việc tập luyện.
Bên cạnh đó, thông tin từ các Trung tâm HLTTQG cũng cho biết, về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, khu vực ăn ở, sinh hoạt phục vụ cho các VĐV đều được chuẩn bị đầy đủ. Về cơ bản, tất cả đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu tập luyện với mỗi đội tuyển. Còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các Trung tâm đang tìm cách khắc phục để đảm bảo việc tập luyện cho VĐV được thông suốt.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đánh giá, trong thời gian qua, ban huấn luyện các đội tuyển đã tích cực làm việc, tuyển chọn và đào tạo nhiều VĐV trẻ có tiềm năng, tạo ra độ dày về mặt lực lượng, đảm bảo sự kế thừa trong nhiều năm tiếp theo. Do giới hạn về số lượng thành viên trong đoàn tham dự, nên nhiều VĐV trẻ chưa thể có cơ hội thi đấu tại đại hội.
Với những trường hợp có thành tích tốt, có tiềm năng cải thiện, nâng cao thành tích, phụ trách các bộ môn, ban huấn luyện có thể kêu gọi nguồn từ các địa phương hoặc xã hội hóa để các em có thể tham gia tranh tài tại SEA Games 33. Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng đặc biệt lưu ý các Trung tâm về vấn đề phòng, chống doping, ngay như việc sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thuốc uống cũng cần được các ban huấn luyện quản lý chặt chẽ, nắm bắt kịp thời để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thể thao Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu tại đấu trường lớn nhất khu vực vào tháng 12 tới.