Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Củng cố đạo đức, giữ đạo đức cần nâng cao vai trò nêu gương của Đảng viên

12/04/2019 | 15:29

Đạo đức xã hội xuống cấp là vấn đề nhức nhối. Từ nhiều năm nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác đã đề cập, bàn luận khá nhiều về sự suy thoái đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong một bộ phận nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền.

Trong cuộc trò chuyện với GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng tôi đã cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quát về vấn đề xuống cấp đạo đức, vai trò của đạo đức và luật pháp trong xã hội. Trong kỳ II của cuộc trò chuyện, GS.TS. NGND Trần Văn Bính chia sẻ cái nhìn của ông về tính nêu gương của người đảng viên trong chống xuống cấp đạo đức xã hội.

Củng cố đạo đức, giữ đạo đức cần nâng cao vai trò nêu gương của Đảng viên - Ảnh 1.

GS.TS, NGND Trần Văn Bính: Cần đẩy mạnh việc học tập tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thưa GS.TS, NGND Trần Văn Bính, trong bối cảnh xuống cấp đạo đức ở một bộ phận cán bộ đảng viên đang là vấn đề cần chấn chỉnh, ông có thể cho biết nhận định của mình về vấn đề nêu gương đối với đội ngũ này?

Trong bối cảnh nào cũng vậy, cần đẩy mạnh việc học tập tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay có hai kết quả. Một phần lớn cán bộ đảng viên học tập tấm gương, tác phong đạo đức Hồ Chí Minh thấm nhuần tư tưởng của Bác. Nhưng cũng có một bộ phận học chỉ là hình thức. Vì học rồi ai kiểm tra? Chi bộ có làm được việc đó không? Học Bác bao giờ cũng có chủ đề từng năm một nhưng học xong có tiêu chí để kiểm tra lại người học có đáp ứng được khóa học không.

Tôi nói chuyện xưa, Trần Thủ Độ, lúc đang giữ chức Thái sư nhà Trần, chức quan to nhất thời đó, bà vợ có năn nỉ xin cho 1 người bà con bên vợ chức xã trưởng ở quê. Ông từ chối. Vợ năn nỉ mãi, ông đành nhận lời bảo đưa người đến gặp. Khi gặp, ông Trần Thủ Độ nói, được rồi, chú muốn xin một chức xã trưởng phải không? Người kia đáp "Phải ạ". Ông lại nói: "Chú chặt ngón tay út để lại làm dấu đi, nếu không nhầm với người khác khi đi thi". Thế là người kia sợ xin rút lui.

Thời Lý, ông Tô Hiến Thành cũng vậy. Lúc bấy giờ, Thái tử Long Xưởng hư hỏng nên bị vua Lý Anh Tông truất ngôi, con thứ là Long Trát được phong làm Thái tử. Khi vua Lý Anh Tông lâm bệnh nặng sắp mất, mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh cố thuyết phục vua để con mình làm thái tử nhưng nhà vua một mực từ chối. Đồng thời, vua dặn dò Tô Hiến Thành phải phò giúp thái tử Long Trát chỉ mới 1 tuổi lên ngôi.

Ngay sau khi vua Lý Anh Tông mất, Chiêu Linh thái hậu đem rất nhiều vàng bạc cho vợ của Tô Hiến Thành mong ông giả di chiếu, phế Long Cán, đưa Long Xưởng lên ngôi. Tô Hiến Thành biết chuyện nói rằng: "Ta là đại thần, nhận mệnh tiên tổ lo giúp vua còn bé. Nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?" Chiêu Linh Thái hậu lại cho mời ông vào cung nói chuyện, ông đáp rằng: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ há chịu? Thần không dám vâng lệnh!"

Còn bây giờ mới là cán bộ huyện, cán bộ tỉnh đã đưa hết người nhà vào huyện, xã, không biết xấu hổ chút nào.

Tại sao người xưa làm được thế? Nói như vậy để thấy rằng, đã là lãnh đạo, là đảng viên phải nêu gương.

Tôi cứ hình dung như thế này. Đạo đức người lãnh đạo, người đảng viên giống như ngọn đèn. Nếu ngọn đèn cao, lớn thì ánh sáng của nó sẽ tỏa ra lớn. Còn ngọn đèn nhỏ thì ánh sáng lan tỏa nhỏ. Với người lãnh đạo, người đảng viên phải tôn trọng nhân dân. Nếu coi thường dân thì bi kịch trong cuộc đời của anh. Người dân quay mặt.

Nên tôi tán thành vấn đề nêu gương. Tuy nhiên, phải có quy chế cụ thể, thế nào là nêu gương. Chứ không chỉ nói nêu gương rồi để đó. Tất cả các Nghị quyết của Đảng đều rất quan trọng, nhưng tôi mong rằng sau Nghị quyết có những quy định để giám sát thực hiện như thế nào.

Củng cố đạo đức, giữ đạo đức cần nâng cao vai trò nêu gương của Đảng viên - Ảnh 2.

GS.TS, NGND Trần Văn Bính: Nếu minh bạch, công khai làm rõ những vấn đề dư luận nêu thì bao giờ cũng có lợi cho thực hiện chủ trương chính sách của Đảng

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, nên chăng cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Tôi mong sau Đại hội Đảng 13, mỗi Nghị quyết được ban hành sẽ có những quy định cụ thể để bắt buộc cán bộ Đảng viên phải thực hiện cho bằng được. Như thế, việc học tập mới đi vào đời sống hơn. Nếu không thì không biết ai làm tốt ai làm dở.

Việc giám sát cán bộ đảng viên, theo ông, quần chúng và dư luận có nên là một kênh tham khảo quan trọng?

- Đằng sau hành vi đạo đức bao giờ cũng có dư luận xã hội. Ngày xưa xử lý các hành vi vi phạm hầu như đều bằng dư luận xã hội. Giờ không hiểu sao người ta không coi trọng dư luận nữa. Rất lạ!

Xưa làm việc xấu, dư luận làng xã tạo áp lực khiến người đó thậm chí phải bỏ đi biệt xứ. Giờ người vi phạm nhơn nhơn, coi thường dư luận, bất chấp dư luận. Chứng tỏ chúng ta chưa coi trọng dư luận xã hội. Phải có thiết chế coi trọng dư luận xã hội. Dư luận xã hội, ý kiến của dân cư đánh giá một người nào đó thì cần coi trọng. Trung ương phải coi trọng tính dư luận xã hội, đặc biệt đối với cán bộ chiến lược. Ở cơ quan họ sống như thế nào, ở khu dân cư như thế nào. Tôi nghĩ dư luận không sai đâu!

Tuy nhiên, dư luận cũng có những mặt trái của nó, thưa ông?

- Phải tôn trọng và lắng nghe dư luận. Nếu minh bạch, công khai làm rõ những vấn đề dư luận nêu thì bao giờ cũng có lợi cho thực hiện chủ trương chính sách của Đảng. Còn giấu diếm, còn khiến dư luận nghi ngờ thì rất nguy hiểm. Bởi kẻ địch sẽ lợi dụng để thổi phồng nó lên.

Xin cảm ơn GS.TS, NGND Trần Văn Bính!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×