Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh
26/07/2024 | 20:42Triển khai Kế hoạch số 1908/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 24-25/7, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam do Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy dẫn đầu đã đến làm việc với Sở quản lý du lịch và tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động lữ hành, lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo, cán bộ Phòng Quản lý lưu trú du lịch, Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục An ninh đối ngoại (Bộ Công an).
Tại đây, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã làm việc với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự tại một số cơ sở lưu trú du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó Đoàn cũng tiến hành kiểm tra hồ sơ liên quan đến việc sử dụng, quản lý hướng dẫn viên du lịch và đảm bảo điều kiện kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp sở tại.
Báo cáo đoàn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã công khai thủ tục hành chính tại trụ sở làm việc và trên cổng thông tin https://sodulich.hochiminhcity.gov.vn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tiếp nhận và thẩm định 49 hồ sơ (29 hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 04 hồ sơ cấp đổi và 16 hồ sơ thu hồi) hơn 97% hồ sơ đúng hạn. Tiếp nhận và thẩm định 915 hồ sơ cấp thẻ HDV (cấp mới: 519 hồ sơ, cấp đổi: 394 hồ sơ, cấp lại: 2 hồ sơ), trong đó: 599 thẻ HDV quốc tế, 316 thẻ HDV Nội địa. Tiếp nhận và thẩm định 01 hồ sơ cấp mới giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đúng thời hạn. Tiếp nhận và thẩm định 01 hồ sơ thẩm định điểm du lịch (Lăng Lê Văn Duyệt).
Hiện nay tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lữ hành trên địa bàn Thành phố là 1.547 doanh nghiệp (trong đó có 1.092 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 360 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa; 76 đại lý lữ hành; 19 Văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam).
Trên địa bàn Thành phố có 7.980 thẻ hướng dẫn viên còn hoạt động, trong đó có 4.807 thẻ HDV du lịch quốc tế và 3.097 thẻ HDV du lịch nội địa, 76 thẻ HDV du lịch tại điểm; có 27 điểm du lịch được công nhận trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở đã chủ động tổ chức cập nhật bồi dưỡng kiến thức cho hướng dẫn viên nội địa và quốc tế, đã có 452 học viên tham gia (431 học viên được cấp giấy chứng nhận, 21 học viên chưa đủ yêu cầu).
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 197 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao (25 khách sạn 5 sao, 23 khách sạn 4 sao, 20 khách sạn 3 sao, 37 khách sạn 2 sao và 92 khách sạn 1 sao; 260 cơ sở đạt điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch). Vừa qua, Sở đã thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú cho 02 khách sạn 2 sao và 03 khách sạn 1 sao. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thẩm định, công nhận mới 01 căn hộ 4 sao.
Cùng với các ban ngành, doanh nghiệp du lịch, đơn vị liên quan, Sở đã phối hợp triển khai chương trình mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch là một điểm đến thân thiện phục vụ du khách; Triển khai nâng cao chất lượng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của Cục trên địa bàn; Sản phẩm xe ô tô thoáng nóc 2 tầng và xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ du khách tham quan các điểm nổi bật trong thành phố được đa dạng hóa để du khách có thêm nhiều lựa chọn.
Về công tác báo cáo thống kê trong hoạt động du lịch, Sở Du lịch đã phối hợp với Trung tâm thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo trên phần mềm cơ sở dữ liệu thống kê du lịch của Cục.
Phối hợp với UBND Thành phố Thủ Đức và các quận huyện tiến hành thẩm định các cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, hồ sơ pháp lý các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với loại hình chăm sóc sức khỏe.
Với công tác đảm bảo an toàn cho các hoạt động du lịch trong dịp Lễ, Tết hàng năm, các sự kiện được tổ chức định kỳ thường niên của Sở như Lễ hội Du lịch, Lễ hội Áo dài,… Sở đã ban hành các công văn yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, khuyến khích du khách về việc giảm rác thải nhựa và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì khó phân hủy, chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đăng ký và công nhận hạng sao của những khách sạn 1-3 sao trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm, và tương tự đối với các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Khó khăn trong việc quản lý những khách sạn 1-2 sao chuyển công năng từ nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh dịch vụ lưu trú áp dụng một số quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.
Qua đây, Sở cũng đã nêu một số kiến nghị liên quan đến các văn bản quy định pháp luật về trường hợp doanh nghiệp giải thể, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; việc chấp nhận bản chính giấy chứng nhận đã qua khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch hoặc áp dụng danh sách đủ điều kiện giấy chứng nhận đã qua khóa cập nhật kiến thức đối với thủ tục cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch. Đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hướng dẫn địa phương kết nối, liên thông dữ liệu để tiết kiệm thời gian, đồng bộ hóa dữ liệu và có thể truy xuất dữ liệu khi cần. Nghiên cứu bổ sung mức xử phạt trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành khi có khách trốn ở lại.
Trên thực tế hiện nay xuất hiện nhiều khách sạn tự phong sao quảng bá trên mạng nhằm thu hút nhiều khách mua phòng. Về vấn đề này, Sở cũng kiến nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xem xét, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương hướng xử lý kịp thời nhằm tạo sự công bằng cho các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận hạng sao theo quy định.
Sở cũng đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch như: giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi.
Ghi nhận các kiến nghị của Sở Du lịch, đoàn công tác sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đoàn công tác đề nghị Sở trong quá trình quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, công tác quản lý khu điểm du lịch, thẩm định và công nhận hạng các cơ sở lưu trú du lịch, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ trực tiếp với Phòng Quản lý lữ hành và Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) để giải quyết.
Sau buổi làm việc với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, ngày 25/7, đoàn công tác phối hợp với cán bộ chuyên trách của Sở đã tiến hành kiểm tra tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về du lịch tại một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Về lĩnh vực lữ hành, đoàn đã đi kiểm tra Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour, Công ty TNHH Đầu tư phát triển du lịch Phương Anh và Công ty Cổ phần Les Rives. Qua kiểm tra hồ sơ tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tài khoản ký quỹ, người phụ trách hoạt động kinh doanh lữ hành), tình hình thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch (điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, tình hình thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động kinh doanh lữ hành, thực hiện lưu giữ hồ sơ), đoàn đề nghị các doanh nghiệp duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật về kinh doanh lữ hành để đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật; sắp xếp, lưu trữ hồ sơ khoa học để thuận tiện trong quá trình trích lục hồ sơ.
Do sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên, các doanh nghiệp kiến nghị Cục tham mưu Bộ VHTTDL có các chính sách hỗ trợ, đào tạo nhằm thu hút lao động tham gia vào lĩnh vực này.
Về lĩnh vực lưu trú, đoàn đã làm việc với một số doanh nghiệp như khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre, khách sạn 5 sao Rex Saigon, khách sạn 4 sao Liberty Saigon City Point, khách sạn 3 sao Bông Sen. Sau buổi làm việc, đoàn đề nghị các khách sạn tiếp tục quan tâm tăng cường đào tạo tại chỗ nâng cao chất lượng để đáp ứng các phân khúc khách thương mại và nâng cao trình độ ngoại ngữ, đa dạng hóa ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung; bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…
Thông qua các buổi làm việc, đoàn công tác tiếp nhận ý kiến của cơ quan quản lý du lịch tại địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nắm bắt thực trạng, khó khăn, tồn tại ở các doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, địa phương.
Một số hình ảnh của đoàn công tác làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Theo Trung tâm Thông tin , Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam