Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khảo sát nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm và Mũi Né
06/10/2023 | 16:18Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai đề tài nghiên cứu khoa học Xây dựng môi trường văn hóa tại khu du lịch quốc gia, từ ngày 2-6/10/2023, đoàn công tác Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tiến hành khảo sát môi trường văn hóa tại Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng và Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, ngày 15/02/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Khu du dịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là Khu du lịch quốc gia đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong tổng số 47 khu du lịch được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia của cả nước theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Hiện nay, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm được quản lý và giám sát bởi Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm do UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập ngày 08/7/2019 trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm.
Đây là Khu du lịch mang tính đặc trưng riêng của thành phố Đà Lạt và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đáp ứng định hướng Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khu vực Hồ Tuyền Lâm có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng và có nhiều yếu tố nhân văn hấp dẫn, hứa hẹn trở thành khu du lịch có quy mô lớn với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: tham quan thắng cảnh, cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đi bộ, leo núi, câu cá, lễ hội - tín ngưỡng, vui chơi giải trí, thể thao,… đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái.
Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía Nam, có tổng diện tích đất là 1.743,12 ha với 37 dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư. Hiện tại đã có 14/37 dự án đi vào hoạt động kinh doanh, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.560 tỷ đồng, tạo ra các sản phẩm du lịch tham quan, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, sân golf, nghỉ dưỡng.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại đây có 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao (Edensee Đà Lạt), 04 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao (Terracotta, Dalat Wonder, Cereja, Swiss Belresort Tuyền Lâm) và 02 cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch (Làng Bình An và Tiến Lợi) với khoảng 949 phòng nghỉ.
Bình quân mỗi năm khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm thu hút hơn 02 triệu lượt du khách đến tham quan, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp (trong đó, có khoảng 75% là lao động đã được đào tạo chuyên môn về du lịch), góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực cho địa phương.
Về thực trạng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm cho biết: Với vai trò đơn vị quản lý trực tiếp khu du lịch, cùng với sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở quản lý du lịch, Ban quản lý đã ban hành các văn bản triển khai, tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và nhắc nhở các đơn vị thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh phục vụ du khách. Cụ thể như quy định/quy tắc về hành vi ứng xử văn minh của cộng đồng dân cư địa phương, khách du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, vận chuyển; hướng dẫn viên; cơ sở lưu trú và các đơn vị kinh doanh trong khu du lịch quốc gia. Các quy định liên quan về bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng, tiết kiệm năng lượng, giữ gìn bảo vệ cảnh quan, công trình, kiến trúc trong khu du lịch quốc gia. Đồng thời tổ chức tuyên truyền theo chủ đề về hạn chế rác thải nhựa, túi ni lông, bảo vệ môi trường… Tổ chức chương trình tập huấn về xây dựng môi trường văn hóa; tuân thủ pháp luật, xây dựng lối sống văn minh, tôn trọng văn hóa địa phương trong khu du lịch quốc gia.
Tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận, đoàn đã làm việc với Ban quản lý Khu du lịch quốc gia, Sở VHTTDL Bình Thuận, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bình Thuận về các nội dung liên quan đến quản lý môi trường văn hóa trong khu du lịch quốc gia.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL Bình Thuận, du lịch là một trong 3 trụ cột mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cần tập trung phát triển bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp xanh. Trong đó, cần xây dựng chuỗi đô thị du lịch ven biển đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch của tỉnh, làm điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận khu du lịch quốc gia Mũi Né. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là đòn bẩy, động lực quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né là động lực chính trong phát triển du lịch Bình Thuận. Ước tính 90% khách nội địa và 95% khách quốc tế đến Bình Thuận lựa chọn tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng biển tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né; tổng thu từ khách du lịch của Khu du lịch quốc gia Mũi Né chiếm khoảng 80-90% toàn tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của Khu du lịch quốc gia Mũi Né là một trong những yếu tố mang lại tăng trưởng cho kinh tế Bình Thuận và góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với biển, đảo, địa hình hoang mạc cồn cát, hồ hoang mạc,… và các tài nguyên du lịch văn hóa với các di sản văn hóa cấp quốc gia, văn hóa ẩm thực, văn hóa làng chài gắn liền với ngư dân ven biển. Có thể nói Khu du lịch quốc gia Mũi Né là một thế giới thu nhỏ, vừa có sự hài hòa của thiên nhiên, vừa có những tinh hoa của lịch sử. Đây cũng là khu vực tập trung tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật trong phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận. Hệ thống lưu trú cao cấp (4-5 sao), cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao giải trí hầu hết tập trung tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, Khu du lịch quốc gia Mũi Né và khu vực phụ cận có hệ thống di sản văn hóa vật thể như Bàu Trắng, quần thể Tháp Chăm Pô Sah Inư... và di sản phi vật thể như Lễ hội Katê, Ramưvan, lễ hội Cầu ngư, chèo Bá Trạo,… Các di sản, lễ hội này được giữ gìn và duy trì có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân trong khu vực. Duy trì và bảo tồn các di sản này không chỉ có ý nghĩa trong du lịch mà còn góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, lịch sử tốt đẹp của địa phương, phát huy những nét đẹp nhân văn của tỉnh Bình Thuận.
Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh của địa phương đều được lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm mọi vi phạm gây tác động, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, không gian và cảnh quan môi trường của di tích, danh thắng.
Hàng năm, Sở VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, mặt trận và các đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại di tích.
Để góp phần xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia, UBND tỉnh Bình Thuận và Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” cũng đã ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; ban hành văn bản triển khai Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng cho biết, hiện nay tỉnh chưa thành lập Ban quản lý khu du lịch quốc gia Mũi Né, tuy nhiên các công ty, doanh nghiệp tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động doanh nghiệp; banh hành các quy định/quy tắc riêng của doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn bảo vệ cảnh quan, công trình, kiến trúc trong khu du lịch quốc gia; thực hiện tốt phong trào xây dựng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, có đăng ký xây dựng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” hàng năm theo quy định.
Theo Trung tâm Thông tin , Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam