Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cửa đã mở nhưng sao...khó vào?

25/08/2009 | 07:00

Những bộ phim của các nhà sản xuất phim xã hội hoá ngày càng có nhiều cơ hội phát sóng trên các kênh truyền hình trong cả nước. Nhưng với các nhà sản xuất phim xã hội hoá vào được cũng không phải là dễ. Hơn thế, dù chỉ mới bắt đầu nhen nhóm nhưng bản thân dòng phim xã hội hoá cũng phải tự nhìn lại chính mình.

Cơ hội của những nhà sản xuất phim xã hội hoá

Cùng với chương trình “Giờ vàng dành cho phim Việt” trên hai kênh VTV1 và VTV3 của Đài Truyền hình VN, hơn bao giờ hết cơ hội dành cho dòng phim xã hội hoá rộng mở như bây giờ. Đấy là chưa nói, chương trình phim Việt giờ vàng từ lâu đã được thực hiện trên HTV. “Cầu” lớn thì đương nhiên “cung” cũng phải tương ứng theo. Bên cạnh các nhà sản xuất phim truyền hình quen thuộc như Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS), Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim Truyện VN... để có phim trình chiếu, các nhà đài đành phải trông chờ các nhà sản xuất phim xã hội hoá.

Thực tế,  đã có những thời điểm phim của các nhà sản xuất mang tính xã hội hoá đã chiếm lĩnh chương trình “Giờ vàng phim Việt” trên VTV. Đấy là lúc bộ phim Chàng trai đa cảm của Hãng phim Đông A lên sóng chương trình “Giờ vàng phim Việt” trên VTV1, cùng lúc đó Cô gái xấu xí của Hãng phim BHD và Những người độc thân vui vẻ do Công ty Mesa và VFC sản xuất cũng được trình chiếu trên sóng VTV3. Chưa bàn đến chuyện hay dở, chí ít sự ra đời của chương trình “Giờ vàng phim Việt” trên VTV đã mở cánh cửa cho hàng loạt phim mang tính xã hội hoá lên sóng như Ninh Thạch Lợi - Đất và lửa của Công ty cổ phần Cầu Vồng, Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc, Có lẽ nào ta yêu nhau  đều do Công ty BHD sản xuất, Lập trình trái tim – FPT Media, Xin lỗi tình yêu – Công ty Suối Màu và TFS sản xuất...

Hơn thế, đích đến của chương trình xã hội hoá các chương trình truyền hình là ngày càng tạo nên nhiều chương trình hay được sản xuất theo chính sách “Nhà nước và nhân dân” cùng làm. Vì thế, chỉ cần có phim hay, có thể bán được quảng cáo... các nhà sản xuất xã hội hoá có thể đàng hoàng khoe đứa con tinh thần của mình trên truyền hình cho bàn dân thiên hạ bằng cách “đổi quảng cáo lấy phim”.

Còn đó những khoảng trống

Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện cả nước có trên 600 đơn vị đủ tư cách pháp nhân sản xuất phim và chương trình truyền hình. Thế nhưng, những chương trình “mở cửa” trình chiếu sản phẩm của các nhà sản xuất mang tính xã hội hoá lại không nhiều. Ngay cả chương trình “Giờ vàng phim Việt”, nói là chủ trương đổi phim lấy quảng cáo rõ ràng như vậy nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng có thể... “chen” vào được.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất muốn làm phim thì phải đầu tư sản xuất. Nhưng trong khi VTV vẫn chưa quy hoạch chỉ tiêu mỗi năm dành cho dòng phim xã hội hoá bao nhiêu giờ phát sóng, cụ thể những giờ phát sóng hay chương trình gì sẽ chỉ dành cho các sản phẩm này... thì các nhà sản xuất xã hội hoá cũng chỉ dám đầu tư mang tính cầm chừng. Ngay cả Công ty Mesa đầu tư trường quay hàng tỉ đồng để cùng với VFC sản xuất bộ phim Những người độc thân vui vẻ  nhưng vẫn phải dự trù phương án nếu phim không ăn khách thì trường quay ấy cũng phải dễ dàng chuyển sang sản xuất gameshow, talkshow... Vì thế, không ít nhà sản xuất phim vẫn cho rằng, cánh cửa dành cho dòng phim mang tính xã hội hoá đã mở nhưng... còn khó vào.

Hơn thế, sự xuất hiện của các bộ phim mang tính xã hội hoá một mặt đã đem đến những sắc thái khác cho phim truyền hình Việt Nam nói chung. Không thể phủ nhận thành công của những bộ phim Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí, Lập trình trái tim... Nhưng mặt khác, dòng phim của những nhà sản xuất xã hội hoá dù chỉ mới “trình làng” đã mang sự phiến diện đáng lo. Đơn giản là với các nhà sản xuất phim mang tính xã hội hoá, vấn đề “thu hồi vốn” luôn luôn được đặt ra. Vì thế, hầu hết phim của các nhà sản xuất mang tính xã hội hoá đều xoay quanh dòng phim giải trí, nhẹ nhàng mà thiếu những bộ phim thực sự đi vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội như phim của VFC trước đây Ma làng, Chạy án, Gió làng Kình...

Thêm nữa, để thu hút quảng cáo, để “câu khách”, những nhà sản xuất phim mang tính xã hội hoá luôn mời những người đẹp, ca sĩ, người nổi tiếng tham gia đóng phim. Ít nhiều, sự xuất hiện của những “diễn viên bất đắc dĩ” này cũng đem đến sự mới lạ cho người xem nhưng công bằng mà nói, nghề diễn đâu phải là lĩnh vực của họ. Vì thế, sự chăm chút cho vai diễn, việc rút kinh nghiệm trong diễn xuất và cả ý thức nghề nghiệp trong quá trình sản xuất phim... cũng không đem lại cho ngành sản xuất phim truyền hình Việt Nam thêm tính chuyên nghiệp. Nhìn xa hơn, sự ăn đong, đốt cháy giai đoạn trong khâu tuyển chọn diễn viên mà không quan tâm đến việc “ươm mầm” của những nhà sản xuất xã hội hoá dễ bề khiến công nghệ sản xuất phim truyền hình VN đi vào ngõ cụt, thiếu đồng bộ và cân bằng trong khâu đào tạo và
sản xuất.

(Theo Báo Văn Hóa)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×