Cư dân mạng đang kêu gọi ngừng ăn cá Mó để bảo vệ rạn san hô, rốt cuộc loài vật này có vũ khí gì mà lợi hại đến vậy?
12/06/2020 | 14:42Những ngày vừa qua, cư dân mạng liên tục chia sẻ bài viết của một thợ lặn kêu gọi mọi người ngừng ăn cá Mó (hay còn gọi là cá Vẹt) vì những lợi ích không ngờ mà loài vật nhỏ bé này đem lại cho môi trường biển.
Loài cá Mó tên trong tiếng Anh là Parrotfish (cá Vẹt) là do miệng giống chim vẹt. Cá Mó thực chất là tên chung của 80 loài cá khác nhau thuộc họ Scaridae, thường được tìm thấy trên các rạn san hô nhiệt đới. Có một điều kỳ lạ là loài cá này có thể chuyển đổi giới tính, nhiều con sinh ra là cái nhưng dần dần chuyển thành con đực.
Chúng sinh sống và tìm thức ăn quanh các rạn san hô, vì thế chúng thường có vảy rất lớn để bảo vệ chúng chống lại các cạnh sắc nhọn của san hô. Vào ban đêm, cá Mó tiết ra một chất nhớt nhầy từ miệng bao quanh cơ thể để trốn tránh những kẻ săn mồi.
Loài cá này cũng có thể thay đổi màu sắc trong suốt vòng đời của chúng. Vậy nên ngay cả giữa những con đực, con cái và con non cùng loài cũng có thể có màu sắc khác nhau. Loài đại diện cho cá Mó ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là cá Callyodon fasciatus. Chúng có chiều dài đến 46cm hoặc hơn. Con đực có màu xanh lá cây và cam hoặc đỏ, con cái có màu xanh và màu vàng.
Loài cá Mó đại diện ở Đại Tây Dương bao gồm cá Mó cầu vồng và cá Mó nữ vương. Cá Mó cầu vồng có chiều dài cơ thể lên đến 90cm, màu cam sáng và xanh lục với mỏ xanh lam. Trong khi đó, cá Mó nữ vương (Scarus vetula) dài khoảng 50cm. Con đực có màu xanh lam với xanh lá cây, đỏ và cam. Con cái có màu đỏ hoặc đỏ tía và có sọc trắng.
Bí mật nằm ở bộ răng
Theo tiến sĩ Ayana Elizabeth Johnson, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Waitt (một tổ chức phi lợi nhuận khôi phục lại các rạn san hô và thủy sản có trụ sở tại Washington, Mỹ), cá Mó ăn tảo biển, rong biển và đặc biệt "món khoái khẩu" của chúng là những cây san hô đã chết.
Cá có vảy lớn và một cái miệng nhô ra giống như mỏ chim. Cũng chính nhờ hàm cứng và bộ răng vô cùng chắc khỏe mà chúng có thể cạo tảo và nhai nghiền san hô. Thậm chí, răng chúng khỏe đến nỗi mà giáo sư Pupa Gilbert, nhà vật lý sinh học tại Đại học Wisconsin-Madison, đã đề nghị đưa cấu trúc răng của loài cá này vào để nghiên cứu các vật liệu chế tạo máy móc nhân tạo thế hệ mới.
Bộ răng đặc biệt của cá Mó có khả năng nghiền nát san hô, rồi hệ tiêu hóa của chúng sẽ làm việc và thải ra cát mịn. Có thể nói chúng chính là những "công nhân chăm chỉ, cần mẫn nhất" trong công cuộc làm sạch rạn san hô. Điều này rất quan trọng vì hầu hết các rạn san hô trên khắp vùng nhiệt đới đang bị tảo làm mờ đi vì không có đủ cá Mó và các loại cá ăn thực vật biển khác.
Cá Mó cần được bảo vệ
Sau khi ăn san hô chết, chúng thải ra cát mịn. Có thể bạn cảm thấy khó tin nhưng mỗi con cá Mó có thể thải ra tới 320kg cát mịn trong một năm. 100 con cá Mó sẽ thải ra 3,2 tấn cát trong 1 năm đấy!
Nhưng tiếc thay, tình trạng đánh bắt cá tràn lan khiến số lượng loài cá này giảm đi đáng kể trong những năm qua. Thậm chí, chúng không còn đủ để khai thác bền vững tại vùng biển Caribbean như trước đây nữa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự khai thác quá mức của con người cho các mục đích thương mại. Đặc biệt, những con cá lớn nhất và dễ mắc lưới nhất lại là những con đực. Điều này khiến loài cá này càng khó sinh sản hơn.
Những con cá với vẻ ngoài rực rỡ này cần được ở lại dưới biển. Và khi được ở lại, chúng sẽ tạo ra điều tuyệt vời. Một báo cáo kết luận rằng các rạn san hô nơi có nhiều cá Mó sinh sống vào những năm 1980 là những rạn san hô khỏe mạnh cho tới tận ngày nay.
Tiến sĩ Ayana Elizabeth nói: "Điều số 1 chúng ta có thể làm để đảm bảo sự sống cho các rạn san hô chính là bảo vệ cá Mó".
Đảo Barbuda là nơi hành động đầu tiên. Chính quyền địa phương đã thông qua một đạo luật bảo vệ loài cá Mó. Theo đó, việc đánh bắt, mua, bán hoặc sở hữu cá Mó là bất hợp pháp trên hòn đảo này. Bên cạnh đó, 33% khu vực ven biển đã được bảo vệ trong các khu bảo tồn biển và việc sử dụng lưới trên các rạn san hô bị cấm. Barbuda là một hòn đảo nhỏ, nhưng đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho việc quản lý đại dương.
(Nguồn: Sciencedaily)