Công tác tổ chức lễ hội năm 2012 đã thực sự nghiêm túc, vui tươi và an toàn
15/02/2012 | 10:24(VP) - Ngày 14/02, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh kết quả triển khai thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 và Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 14/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương.
Về công tác chỉ đạo: Thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh đồng loạt có văn bản chỉ đạo các thành phố, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh, các Sở, Ngành, các Ban quản lý di tích nơi diễn ra lễ hội triển khai thực hiện các Chỉ thị. Một số tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc Ninh… lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra công tác tổ chức lễ hội. Rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh nội dung, chương trình lễ hội phù hợp, phần lễ tổ chức tôn nghiêm, phần hội vui tươi, lành mạnh. Dự báo lượng khách đến để chỉ đạo thực hiện phương án thích hợp, đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, y tế.
Nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, UBND tỉnh chỉ đạo giao cho Ban Quản lý Đền Trần, Đền Trần Thương và các Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi tổ chức khai Ấn, phát Lương, khai hội theo lễ hội dân gian truyền thống, từng bước trả lại giá trị vốn có của lễ hội, giao cho cộng đồng dân cư tự tổ chức và quản lý lễ hội. Lãnh đạo tỉnh thống nhất không mời khách Trung ương tham dự các lễ hội dân gian, tuy nhiên sẽ tổ chức đoán tiếp các Đoàn Trung ương về thăm địa phương nhân dịp lễ hội.
Về công tác triển khai thực hiện: Nhìn chung các lễ hội năm nay nhân dân về tham dự đều rất đông, theo thống kê chưa đầy đủ tính từ ngày 23/01/2012 đến ngày 09/02/2012 các Lễ hội: Đền Hùng (Phú Thọ) đã có 2 triệu lượt/người, Yên Tử (Quảng Ninh) có hơn 60 vạn lượt/người, Chùa Hương (Hà Nội) hơn 50 vạn lượt/người, Cửa Ông (Quảng Ninh) hơn 10 vạn lượt/người, Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương) hơn 15 vạn lượt/người, Chùa Bà (Bình Dương) hơn 1 triệu lượt/người, Đền Bà Chúa Xứ (An Giang) hơn 30 vạn lượt/người, Đền Trần (Nam Định) hơn 25 vạn lượt/người, Phủ Dày (Nam Định) hơn 25 vạn lượt/người, Đền Sóc (Hà Nội) hơn 7 vạn lượt/người, Chùa Keo (Thái Bình) gần 2 vạn lượt/người, Đền Trần (Thái Bình) hơn 8 vạn lượt/người, Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) hơn 11 vạn lượt/người, Đền Trần Thương (Hà Nam) hơn 6 vạn lượt/người, Tịch Điền Đọi Sơn (Hà Nam) hơn 3 vạn lượt/người.
Công tác tổ chức lễ hội được triển khai ngày một tốt hơn, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của người đi lễ, cụ thể: nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, địa phương các cấp, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được nâng cao; công tác quản lý Nhà nước đối với lễ hội của Ngành văn hoá, thể thao và du lịch các cấp được tăng cường, đạt hiệu quả cao.
Các lễ hội, nhất là lễ hội lớn như Yên Tử, Đền Trần, Chùa Hương, Đề Hùng, Bà Chúa xứ, Núi Sam… được tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại địa phương, nhiều lễ hội có cả website riêng nêu rõ ý nghĩa của lễ hội, giá trị của di tích nơi tổ chức lễ hội, nâng cao ý thức của nhân dân. Các cơ quan báo chí tuyên truyền đã đăng tải với thời lượng hợp lý, phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống phát huy giá trị văn hoá phi vật thể của lễ hội.
Ban Tổ chức các lễ hội đều đã có các phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải toả lều quán lấn chiếm, sắp xếp hàng quán khoa học, gọn gàng; xây dựng các bến bãi đỗ xe, tổ chức trông giữ phương tiện cho khách, đảm bảo giao thông, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế trong lễ hội, đã hạn chế tối đa tình trạng ách tắc giao thông, không có lễ hội nào để xảy ra tai nạn, cháy nổ.
Đề án tổ chức Lễ Khai Ấn tại Đền Trần (Nam Định) đã được thực hiện nghiêm túc, không tổ chức phát ấn trong đêm 14 tháng Giêng, do đó Lễ Khai Ấn đã diễn ra nghiêm trang, an toàn.
Ý thức của Nhân dân khi tham gia lễ hội đã tự giác chấp hành các quy định của Ban Tổ chức, nếp sống văn minh đã được thực hiện tiến bộ hơn các năm trước.
Giá cả dịch vụ được quản lý, giảm thiểu việc tăng giá tuỳ tiện, thương mại hoá lễ hội, các Ban Tổ chức đã hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi, đúng chỗ, bố trí lực lượng thu gom kịp thời; chấn chỉnh việc nhân danh xã hội hoá lễ hội nhằm mục đích tư lợi; các hoạt động cờ bạc, mê tín dị đoan, đặc biệt là hiện tượng đốt đồ mã giảm đáng kể so với năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức lễ hội năm 2012 vẫn còn một số tồn tại như tình trạng hòm công đức nhiều nơi còn nhiều, lượng người tham gia lễ hội quá đông nên hiện tượng đặt tiền lễ không đúng quy định còn khá phổ biến, đã được tổ chức thu gom nhưng chưa triệt để, kịp thời. Đền Bà Chúa Kho tình trạng chen lấn, xô đẩy, cúng thuê, đốt đồ mã còn diễn ra thường xuyên chưa có biện pháp để khắc phục triệt để.
Riêng đối với lễ hội Chùa Hương, một số quán ăn còn treo cả thịt thú gia cầm trước quán gây phản cảm; vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo, kinh doanh các trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình, xóc thẻ, xem bói, ăn xin… còn diễn ra ở một số lễ hội.
Để xử lý những hạn chế trên, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố tiếp tục thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong hoạt động lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, hạn chế được các tiêu cực, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
HCTC
(Nguồn Báo cáo số 19/BC-BVHTTDL)