Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyên gia góp ý định hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại

10/07/2023 | 08:19

Nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến để định hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại tại hội thảo khoa học do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào chiều ngày 9/7.

Hội thảo khoa học "Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại" là hoạt động nằm trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023 có sự tham dự của đông đảo các đại biểu là những người làm công tác quản lý, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, nghệ nhân… dành nhiều sự quan tâm đối với tà áo dài Việt Nam.

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, để phát huy giá trị di sản áo dài, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho ngành văn hóa tỉnh nghiên cứu xây dựng Đề án "Huế Kinh đô áo dài Việt Nam". Đến ngày 29/3/2023 đề án này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định phê duyệt.

Chuyên gia góp ý định hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại - Ảnh 1.

Quang cảnh tại hội thảo.

Để triển khai các nội dung của đề án, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành đồng bộ nhiều công việc khác nhau, Về mặt khoa học đã tổ chức 2 hội thảo vào tháng 7/2020 và tháng 11/2022 cùng một số hoạt động tọa đàm trao đổi khoa học khác.

Dịp này, Hội thảo khoa học với chủ đề: "Hướng phát triển của Áo dài trong đời sống đương đại" đã nhận được 28 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng các nhà thiết kế, nghệ nhân... liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống đến từ Hà Nội, Huế và TPHCM. Nội dung của các tham luận khá phong phú, đã bám sát chủ đề hội thảo.

Cụ thể, nội dung của các tham luận chia làm hai nhóm: Nghiên cứu, phân tích, đánh giá về nguồn gốc, vị thế, vai trò cũng như giá trị đặc biệt của áo dài ngũ thân - "Quốc phục" trong dòng chảy văn hóa lịch sử; Các vấn đề làng nghề truyền thống, nguyên vật liệu, kỹ thuật, giải pháp để bảo tồn, phát triển áo dài trong đời sống xã hội đương đại.

Chuyên gia góp ý định hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại - Ảnh 2.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

"Thông qua các tham luận, các tác giả đã thể hiện tình yêu, sự tâm huyết của mình đối với việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản áo dài trong bối cảnh xã hội đương đại. Trong đó có những đề xuất sáng tạo, tâm huyết về việc khôi phục, lan tỏa, phổ biến áo dài truyền thống; có những đề xuất về việc thể chế hóa và xây dựng chính sách để tôn vinh áo dài trở thành quốc phục Việt Nam", TS. Phan Thanh Hải cho biết.

Nhiều ý kiến đóng góp

Tại hội thảo khoa học, các tác giả và đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn một số vấn đề như: Các giải pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài trong bối cảnh xã hội hiện nay; Các chính sách, sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo, sản xuất, trình diễn, phân phối áo dài; Giải pháp nào để sớm thể chế hóa và xây dựng được các chính sách để bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị áo dài truyền thống.

Trong bài tham luận của mình, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, áo dài là biểu tượng văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Tôn vinh nét đẹp áo dài Việt Nam, áo dài Huế nhằm góp phần khôi phục thói quen mặc áo dài trong sinh hoạt đời thường, khi đến công sở, trong dịp lễ, sự kiện quan trọng của năm. Thông qua phong trào mặc áo dài góp phần định hướng áo dài trở thành một xu hướng thời trang của giới trẻ và những người yêu áo dài.

"Ngày hội áo dài là dịp tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Huế trong tà áo dài thướt tha; là cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè giá trị trường tồn của áo dài Việt Nam, là dịp tôn vinh các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân góp phần bảo tồn và phát triển áo dài Việt Nam, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa công chúng và nhà thiết kế, văn nghệ sĩ... Từ đó, đưa áo dài gắn bó, gần gũi hơn với người dân", ông Phan Ngọc Thọ cho hay.

Chuyên gia góp ý định hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại - Ảnh 3.

Hoạt động đạp xe tuần hành hưởng ứng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, trong quá trình vận động trở thành thành phố di sản cấp quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài" với nhiều hoạt động đa dạng; nỗ lực này đang đạt được một số thành quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trang phục áo dài đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế trong đời sống đương đại vẫn còn những bước gập ghềnh, cần có những giải pháp để làm sáng tỏ giá trị đặc trưng của bộ trang phục áo dài, cả áo dài nam và áo dài nữ, giải tỏa tâm lý e ngại, dị ứng của không ít người còn lướng vướng trước những vấn đề về truyền thống và đương đại

Đồng thời, cần phải thấy đời sống đã thay đổi, mỗi thời đại đều có những khát vọng mới, hơi thở mới. Những giá trị truyền thống dù tốt đẹp đến đâu nếu không thích nghi với nhu cầu của thời đại thì phần lớn cũng chỉ được nâng niu gìn giữ trong các viện bảo tàng hoặc xuất hiện trang trọng trong các dịp lễ nghi truyền thống, gắn với lớp người cao niên.

Nhà thiết kế Đoan Trang, Giám đốc Công ty Thêu May Đoan Trang cho hay, vào những năm gần đây chiếc áo dài đã được sử dụng nhiều hơn. Nhưng vẫn còn quá ít so với những phẩm chất mà nó đã mang lại cho chính người mặc. Để chiếc áo dài phát triển và gắn bó nhiều hơn với mọi người, thì chính quyền, các hộ kinh doanh, các nhà thiết kế cũng như người sử dụng phải hiểu hơn về giá trị của chiếc áo dài cũng như trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị của nó. Nên sử dụng chiếc áo dài nhiều hơn, vì chính nó đã đem lại giá trị cho người mặc cũng như để lại ấn tượng đẹp với những phẩm chất cao quý, là hồn cốt của một dân tộc.

"Về phía chính quyền cần khuyến khích các cơ quan, ban ngành, các giáo viên, sinh viên, học sinh sử dụng áo dài nhiều hơn. Nhất là ở các hội nghị, các tổ chức, các sự kiện... Nên tổ chức các cuộc thi về hình ảnh chiếc áo dài, tổ chức nhiều sự kiện liên quan chiếc áo dài như diễn thời trang áo dài, sáng tác mẫu áo dài...

Về phía các nhà thiết kế, luôn sáng tạo, nghiên cứu làm sao cho chiếc áo dài ngày đẹp hơn cải tiến phù hợp cho người mặc trong xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ được vẽ đẹp truyền thống. Nhất là áo dài nam và áo dài trẻ em. Làm sao trong thời gian tới chiếc áo dài nam và áo dài trẻ em có mặt trong trang phục học đường.

Bên cạnh đó, làm sao mỗi tháng có một ngày toàn dân xứ Huế mặc áo dài để thể hiện lòng yêu Huế", Nhà thiết kế Đoan Trang đưa ra ý kiến đề xuất.

Lê Chung - Hán Thương

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×