Chuyển đổi số và dữ liệu lớn về di sản văn hóa Việt Nam - Một số vấn đề về công nghệ
07/11/2024 | 11:40Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành di sản văn hóa ở Việt Nam.
Di sản văn hóa là một trong những lĩnh vực song hành với lịch sử, văn hóa đất nước. Trong mỗi thời kỳ, các giá trị văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng tồn tại dưới dạng vật thể, phi vật thể luôn là tài nguyên quý báu làm nên thương hiệu, bản sắc của quốc gia, dân tộc. Trong xu thế phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, các công nghệ mới được hình thành và ứng dụng vào mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Với đặc thù về tính chất dữ liệu lĩnh vực này là xu hướng phát triển dữ liệu theo hướng đa phương tiện, do đó cần phải xây dựng và làm mới nội dung, cập nhật về công nghệ nhằm đáp ứng được nhu cầu quản lý hệ thống thông tin về di sản trên toàn quốc. Nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động của ngành di sản trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn của ngành bằng việc liên kết các cơ sở dữ liệu thành phần là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ của đời sống đương đại.
Hiện nay chưa có khái niệm về chuyển đổi số di sản nhưng về góc nhìn công nghệ có thể hiểu Chuyển đổi số trong ngành di sản văn hóa ở Việt Nam là việc sử dụng công nghệ số để hướng đến việc thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh liên quan đến hoạt động ngành di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Biểu hiện hiệu quả của quá trình chuyển đổi số là nâng cao chất lượng quản lý và cung cấp dịch vụ văn hóa, di sản văn hóa đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Như vậy, chuyển đổi số trong ngành di sản văn hóa có thể phân loại thành một số nhóm chính: chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực di sản văn hóa; chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ văn hóa trên nền tảng kỹ thuật số.
Chuyển đổi số của cơ quan nhà nước
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước chủ yếu là phát triển Chính phủ điện tử. Việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới; Đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.
Đối với Bộ VHTTDL nói chung, lĩnh vực Di sản văn hóa nói riêng, hoạt động phát triển Chính phủ điện tử chủ yếu vào 2 nhóm công việc chính đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương/địa phương và cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Chuyển đổi số của đơn vị sự nghiệp công lập
Đối với Bộ VHTTDL, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động chính liên quan đến lĩnh vực di sản như: Viện Bảo tồn di tích; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Ngoài ra, còn nhiều đơn vị có hoạt động liên quan đến di sản phi vật thể như các nhà hát, trường nghệ thuật…
Hoạt động chuyển đổi số chủ yếu cũng là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị và hiện đại hóa trong cung cấp các dịch vụ công trong hoạt động cung cấp dịch vụ công (sử dụng nguồn ngân sách nhà nước), các dịch vụ lĩnh vực di sản văn hóa như [1]: Sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống, tiêu biểu và đặc thù; Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập; Thăm dò, khai quật khảo cổ… Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng kỹ thuật số là một trong những yếu tố quan trong nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ đến nhân dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số của tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực di sản văn hóa
Có thể nói rằng, trong hoạt động lĩnh vực di sản văn hóa, ngoài các tổ chức của nhà nước (cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) thì nhiều hoạt động có liên quan khác của tổ chức, cá nhân cũng từng bước được chuyển đổi số. Ngoài ra, một số bảo tàng tư nhân cũng được thành lập (theo Luật Di sản), số lượng hiện vật cũng như các giá trị văn hóa, giá trị di sản ở các bảo tàng này là biểu hiện sinh động của công tác xã hội hóa bảo tàng, chia sẻ áp lực về đầu tư văn hóa với nhà nước. Tuy nhiên, cần có cơ chế, giải pháp về công nghệ để họ tham gia hoạt động chuyển đổi số cùng với khối cơ quan nhà nước trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số phục vụ quản lý, thống kê…
Tổ chức, quản lý, liên kết dữ liệu về di sản văn hóa
Việc quản lý hiệu quả hoạt động lĩnh vực di sản văn hóa trong xu hướng cuộc CMCN lần thứ tư gắn liền với quá trình chuyển đổi số nói chung và việc tổ chức, quản lý, liên kết dữ liệu về di sản văn hóa nói riêng. Các hoạt động này phải dựa trên các yêu cầu về tin học hóa quá trình vận hành, số hóa, chuẩn hóa dữ liệu nhằm tạo thuận tiện quản lý và cấp dịch vụ.
Tổ chức, quản lý dữ liệu
Tổ chức quản lý dữ liệu bao gồm các hoạt động về mặt hành chính và kỹ thuật công nghệ. Về mặt hành chính, việc tổ chức quản lý dựa trên các quy định hiện hành, quy chế, quy ước giữa các đầu mối quản lý với nhau. Hiện nay, Cục Di sản văn hóa là đầu mối quản lý nhà nước lĩnh vực di sản văn hóa do vậy có thể hành chính hóa vấn đề tổ chức, quản lý dữ liệu nhằm thiết lập một hệ thống thông tin về di sản. Tuy nhiên vấn đề hành chính hóa cần phù hợp với thực tiễn quản lý chuyên ngành, trong đó hướng tới sự đồng thuận của xã hội, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công cũng như dịch vụ lĩnh vực di sản.
Ví dụ, hiện nay trong người dân có thể có thông tin, dữ liệu/tư liệu (số hóa và chưa số hóa) thuộc đối tượng quản lý lĩnh vực di sản. Việc hành chính hóa dựa trên quy định hiện hành nhưng phải tạo động lực để mọi người dân có thể tham gia trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin, tư liệu, số hóa, chuẩn hóa dữ liệu số để cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu do nhà nước quản lý. Việc làm "đầy" này là rất quan trọng, vừa phù hợp với định hướng của Chính phủ (Tri thức Việt số hóa là một ví dụ), vừa tạo nên sự phong phú tư liệu về di sản văn hóa đồng thời tiết kiệm được ngân sách của nhà nước.
Tạo lập, chuẩn hóa dữ liệu số, liên kết, chia sẻ dữ liệu
Theo số liệu tổng hợp của Cục Di sản văn hóa, kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng 3.621 di tích quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 130 di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong số đó, chúng ta đã lựa chọn các di tích tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học, trình và đã được UNESCO ghi danh 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Ngày 16/9/2023, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới)...
Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng các công nghệ mới về công nghệ thông tin, truyền thông để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tổn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới./.