Chuyển đổi số thư viện tỉnh Ninh Bình: An toàn bảo mật, hiệu quả sử dụng cao
28/11/2024 | 14:41Thư viện tỉnh Ninh Bình đã từng bước chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại. Đây là thư viện khoa học tổng hợp với vốn tài liệu đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện ở mọi lứa tuổi, trình độ.
Những kết quả chuyển đổi số của thư viện tỉnh
Năm 2000 Thư viện tỉnh Ninh Bình bắt đầu sử dụng phần mềm quản lý CDS/ISIS vào nghiệp vụ thư viện. Việc sử dụng phần mềm này đã góp phần to lớn trong những bước đi đầu của thư viện trong công tác tin học hóa, giúp nâng cao trình độ tin học của người làm công tác thư viện và tạo dựng thói quen sử dụng máy vi tính để tra cứu tài liệu. Nhờ đó, thư viện đã tạo và quản trị được nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL), tài liệu với số lượng biểu ghi khá lớn, tìm kiếm thông tin dễ dàng, thuận lợi. Tháng 3/2009, thư viện tỉnh Ninh Bình đã khai trương phòng đọc điện tử tạo điều kiện cho bạn đọc tra cứu, tìm kiếm thông tin trên mạng.
Đến năm 2015, thư viện tỉnh Ninh Bình bắt đầu chuyển đổi sử dụng phần mềm CDS/ISIS sang phần mềm MyLib 2010. Phần mềm MyLib 2010 có chức năng cơ bản để quản lý các module: phân quyền người dùng phần mềm, quản lý bạn đọc, quản lý lưu thông tài liệu, quản lý vốn tài liệu, hệ thống tra cứu tài liệu thư viện trên mạng LAN, hỗ trợ biên mục tài liệu, nhập xuất dữ liệu theo chuẩn MARC21.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ngày 30/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND về việc triển khai "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Thư viện tỉnh đã triển khai Dự án "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ cho công tác quản lý thư viện tỉnh Ninh Bình" gọi tắt là Phần mềm KOHA đáp ứng tốt yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của đơn vị; phần mềm thực hiện tốt việc liên thông thư viện; người làm công tác chuyên môn của đơn vị có năng lực hướng dẫn người sử dụng thư viện sử dụng tiện ích thư viện hiện đại để tiếp cận và khai thác thông tin.
Theo dữ liệu báo cáo thống kê của phần mềm có 8.970 thẻ bạn đọc được tạo mới, biên mục 116.287 tài liệu, giới thiệu 7 danh mục (sách mới, sách khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi, văn học, địa chí, lịch sử địa lý, báo – tạp chí)… đang bước đầu thực hiện việc lưu thông tài liệu bạn đọc mượn, trả trên phần mềm. Phần mềm còn bổ sung phần tin tức vào trang thông tin tra cứu để thư viện có thể cập nhật tình hình hoạt động của đơn vị. Đến nay đã thu hút được 23.200 lượt truy cập qua đường link: thuvientinh.ninhbinh.gov.vn.
Có thể nói bước đầu sử dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp cho thấy đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực trong xây dựng bộ máy tra cứu hiện đại. Từ đó giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian phát triển phần mềm, các thông tin được an toàn trong vấn đề bảo mật và đặc biệt cho hiệu quả sử dụng cao.
Một số khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong quá trình chuyển đổi số Thư viện tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số hạn chế như: chuyển đổi số, liên thông với thư viện nói chung và nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng tại các thư viện còn thiếu và yếu.
Thư viện tỉnh còn rất nhiều thách thức phải đối mặt như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dữ liệu, tài chính… Hiện nay chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, chưa phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu số, nhất là tài liệu số.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực về thông tin – thư viện chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số rất thiếu và yếu.
Hạn chế nữa là kinh nghiệm xây dựng chuyển đổi số không có, hầu hết người làm công tác thư viện đều vừa làm vừa mầy mò, nghiên cứu vừa rút kinh nghiệm.
Và khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen, một số người làm công tác thư viện còn bỡ ngỡ chưa bắt kịp xu hướng thư viện số/chuyển đổi số, ngại học tập, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về công nghệ thông tin.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, thư viện tỉnh Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thư viện số của tỉnh như: Xây dựng hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác chuyển đổi số lĩnh vực thư viện nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất và phát triển thư viện điện tử/thư viện số/thư viện ảo; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ người làm công tác quản lý đến cán bộ phụ trách chuyên môn đều phải chủ động học tập, nâng cao các kỹ năng để tham gia vào mọi quá trình vận hành thư viện số…
Hà Anh
*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện