Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở Lạng Sơn
18/10/2022 | 16:58Thời gian qua, ngành du lịch Lạng Sơn đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh. Nhận thức về chuyển đổi số có sự thay đổi và tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp du lịch và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Sau đại dịch COVID – 19, đòi hỏi ngành du lịch Lạng Sơn cần có những bước đột phá mới để thay đổi, phục hồi và từng bước phát triển toàn diện. Trong xu thế chung của cả nước, ngành du lịch tỉnh xác định chuyển đổi số là một giải pháp căn bản, tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0.
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ trong lĩnh vực du lịch tạo ra một số dịch vụ tiện ích cho người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành.
Trên tinh thần đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung tích hợp vào cổng du lịch thông minh của tỉnh, nâng cấp website, cập nhật các giao diện mới hiện đại và mang tính chuyên nghiệp; triển khai số hóa các điểm du lịch bằng công nghệ giao diện 360 độ mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các điểm du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo, tiktik… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu thế.
Từ tháng 10/2022, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã xây dựng xong điểm du lịch Chùa Tam Thanh bằng hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ, dự kiến trong năm 2023, sẽ có 9 điểm thuộc đề án du lịch thông minh của tỉnh được triển khai thực hiện, điều này sẽ là giải pháp hữu hiệu, tạo thuận lợi cho du khách. Với ứng dụng thuyết minh tự động, du khách có thể chủ động tham quan, tìm hiểu về di tích mà không cần hướng dẫn viên thuyết minh trực tiếp. Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê thiết bị thuyết minh tự động cầm tay để vừa tham quan, vừa nghe thuyết minh.
Đồng hành với ngành du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch đã tích cực triển khai xây dựng sản phẩm du lịch mới như: giới thiệu tour du lịch trên nền tảng trực tuyến; checkin khách sạn tự động, sử dụng các dịch vụ tại khách sạn thông qua điều khiển bằng điện thoại khi tải ứng dụng mà không cần thông qua lễ tân phục vụ, giúp giảm thiểu tối đa về chi phí nhân sự, như mô hình của SoJo hotel mới có tại thành phố Lạng Sơn.
Ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Vũ cho rằng: Nếu chuyển đổi số về du lịch được triển khai chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách đến tham quan tại địa bàn Lạng Sơn ngày một đông, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đưa ra những sản phẩm du lịch số hóa như các tour, tuyến du lịch và các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển dịch vụ du lịch đã từng bước cho kết quả khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng du khách đến với Lạng Sơn đạt trên 3 triệu lượt, tăng 181,1% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu đạt trên 1.434 tỷ đồng, tăng 132,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì ngành du lịch tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đổi số, có khả năng tiếp nhận và vận hành hệ thống chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; thiếu những định hướng hay đề án triển khai đồng bộ.
Mong rằng trong thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục có giải pháp về xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức chuyên môn cho cán bộ, lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho việc chuyển đổi số của các đơn vị, các điểm du lịch. Phát huy việc kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp du lịch đảm bảo tính liên thông, thống nhất để cùng xây dựng hệ thống dữ liệu, chương trình quảng bá xúc tiến và kết nối du lịch được hiệu quả hơn trong tương lai.