Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt

29/08/2022 | 09:24

NSƯT Trần Ly Ly cho hay việc đổi mới, tiếp cận công nghệ giúp sân khấu Việt phát triển, đến gần hơn với khán giả.

Sân khấu Việt hiện duy trì các suất diễn đều đặn vào mỗi tuần. Liên hoan Tuồng và Dân ca toàn quốc mới được tổ chức tại Nghệ An. Tiếp đó Liên hoan Chèo toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 với 20 vở diễn, Liên hoan Cải lương toàn quốc gồm 18 vở vào tháng 11. Đó là bức tranh sân khấu Việt Nam trong năm 2022.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng các Liên hoan chuyên nghiệp được tổ chức nhằm rà soát lại lực lượng, đánh giá về đội ngũ và tác phẩm. Theo bà, đây là sân chơi hữu ích, giúp người làm nghệ thuật được trao đổi về nghề nghiệp và định hướng. "Điều này chứng tỏ sự đổi mới, nỗ lực của người làm nghề và cơ quan quản lý trong việc giữ gìn, phát triển nghệ thuật truyền thống", bà nhấn mạnh.

Bà khẳng định với báo điện tử Tổ quốc sân khấu truyền thống là cái nôi của nghệ thuật đương đại, không thể mất đi dù xã hội, cuộc sống thay đổi. Đổi mới, tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số chính là cách để sân khấu vượt khó.

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 1.

Sân khấu truyền thống cần đổi mới

Trong thời đại công nghệ phát triển, sự nở rộ của các loại hình giải trí, sân khấu truyền thống bị mai một, giảm sức hút là trăn trở của người làm nghề và quản lý văn hóa suốt thời gian qua. NSƯT Trần Ly Ly tin rằng khi sân khấu truyền thống đổi mới, xây dựng nội dung hấp dẫn sẽ được khán giả đón nhận.

Sự đổi mới của sân khấu theo quan điểm của Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn là các đơn vị bám sát chức năng, nhiệm vụ và hồn cốt của mình nhưng cần tiếp cận công nghệ, thể hiện bằng hình thức mới, sáng tạo hơn. Chẳng hạn, với các vở chèo, cải lương, những làn điệu đặc trưng phải giữ nhưng kịch bản cần phá cách bằng cách thêm các tình tiết mới, nội dung mang hơi thở đời sống.

Bà cho hay: "Ngay cả Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nơi thực hiện những vở nhạc giao hưởng tưởng như khó xem, không thể bán vé, nhưng nếu thực hiện sản phẩm tốt, có giá trị thì tác phẩm đó vẫn sống, thậm chí nổi tiếng. Do đó, trong khó khăn chung, mỗi đơn vị nên chấp nhận thay đổi và tìm hướng đi mới".

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 1.

Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị dẫn đầu về số lượng suất diễn hàng tuần ở Hà Nội.

Bà nhìn nhận việc sân khấu gặp khó vì cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại khác là quy luật tự nhiên, điều bắt buộc phải chấp nhận bởi đó là cơ chế thị trường, dòng chảy xã hội. Khi đời sống xã hội đòi hỏi, có nhu cầu về một loại hình nào đó thì loại hình đấy phát triển. Sân khấu cũng như các ngành khác muốn được tồn tại thì phải tìm cách khôi phục, gắn với đời sống hiện đại.

Vì vậy Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng mỗi sân khấu, nhà hát nên xây dựng một bộ phận chuyên trách làm việc liên quan đến công nghệ, truyền thông. Bà cho hay: "Chỉ có nhân sự của chính nhà hát mới hiểu được sản phẩm của mình. Không ai có thể truyền thông tốt hơn người sản xuất sản phẩm đó. Và đội ngũ này cần phải có kiến thức để áp dụng công nghệ phù hợp. Sân khấu phải sống, bằng cách này hay cách khác".

Áp dụng công nghệ, xây dựng nhà hát online

Cũng trăn trở về sự đổi mới của ngành, NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM cho rằng sân khấu cần thiết phải áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người xem.

"Khán giả trước đây có thể dành các ngày nghỉ cuối tuần để đến sân khấu, ra rạp phim. Nhưng thói quen giải trí đã thay đổi từ khi đại dịch ập tới. Họ ở nhà nhiều hơn và dần quen giải trí ngay tại nhà chỉ với điện thoại hoặc laptop. Vì lẽ đó, các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok… phát triển mạnh mẽ. Sân khấu cũng nên thay đổi để bắt kịp xu thế", Phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM nêu quan điểm.

Theo nữ nghệ sĩ, để bắt kịp xu hướng nên xây dựng sân khấu, nhà hát online, thực hiện sản xuất, ghi hình những tác phẩm sân khấu và đưa lên các nền tảng trực tuyến. Khán giả có thể xem được các vở diễn khi đăng ký tài khoản và trả tiền. "Cách làm này giúp sân khấu giữ được bản quyền vở diễn, thu được lợi nhuận từ việc thu phí và quảng cáo. Điều này là mong muốn của nhiều nhà hát", Phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM giải thích.

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 3.

Theo nữ nghệ sĩ, một vở kịch hay, được quay đẹp, mang đến cảm giác như xem trực tiếp tại sân khấu chắc chắn sẽ thu hút người xem. "Nếu không đầu tư, một vở diễn được quay bình thường thì sản phẩm đó cũng như kịch truyền hình mà thôi. Khán giả vẫn yêu sân khấu, chỉ có điều chúng ta phải làm thế nào đáp ứng thị hiếu", Phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM nói.

NSƯT Trịnh Kim Chi tin rằng nếu thực hiện được nhà hát online sẽ góp phần thổi sức sống cho ngành sân khấu, kích thích sự sáng tạo cho người làm nghệ thuật, mang đến cảm hứng cho diễn viên.

Trước đây, một vài đơn vị nhà hát đã đưa vở diễn lên môi trường số nhưng chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đủ tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn người xem. Do đó, việc làm này chưa thể tạo ra sự khác biệt, mang lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị sản xuất.

"Các sân khấu đều muốn thay đổi nhưng thiếu kinh phí, vốn đầu tư. Hiện tại, trang thiết bị của nhiều đơn vị đã cũ, xuống cấp. Đèn ở rạp hát đôi khi vẫn còn dùng đèn một màu. Ghế ngồi hỏng, gãy. Nếu có ghi hình vở diễn để đăng tải trên mạng cũng đều thực hiện bằng máy cũ, vì vậy sản phẩm đó chỉ như kịch truyền hình", bà nêu hiện trạng của ngành sân khấu.

Để xây dựng được nhà hát online chuyên nghiệp, hiệu quả, NSƯT Trịnh Kim Chi đề xuất cần phải có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp cả về nhân sự và máy móc, công nghệ hiện đại. Cụ thể, cần xây dựng nội dung vở diễn hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu của người xem; đội ngũ quay phim, dàn dựng đủ hấp dẫn để mang đến trải nghiệm như được thưởng thức kịch ngay tại nhà.

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 4.

Khả Như, Phương Lan, Gia Bảo trên sân khấu Thế giới Trẻ.

Các đơn vị xã hội hóa khó có thể đầu tư được bởi đòi hỏi vốn lớn vì vậy bà cho rằng cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Đây có thể là hướng đi, thử thách mới để phát triển sân khấu, đưa khán giả gần hơn với nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ cũng đặt vấn đề cần nâng cao chuyên môn cho đội ngũ sáng tạo của sân khấu. Cụ thể nên tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa các nhà hát, sân khấu trong nước với đoàn kịch ở nước ngoài để đội ngũ sáng tạo được học hỏi kinh nghiệm về cách dàn dựng cũng như ứng dụng công nghệ vào vở diễn.

Sự chuyển mình

Trở lại sau hai năm dịch bệnh, nhờ có sự chuyển đổi số, các sân khấu ở Hà Nội, TP.HCM đã từng bước đạt hiệu quả khả quan. Cụ thể, các đơn vị ứng dụng công nghệ trong các quy trình vận hành của nhà hát, sân khấu như lập fanpage nhằm bán vé, giới thiệu các vở mới, suất diễn, biểu diễn; mở kênh YouTube chia sẻ video hậu trường tập kịch hoặc teaser vở diễn mới.

Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 2.

NSƯT Xuân Bắc cho rằng việc tận dụng công nghệ khiến sân khấu kịch Việt Nam bán vé tốt hơn.

Là người dẫn dắt sân khấu kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc khẳng định vai trò của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong việc thúc đẩy sự phát triển đơn vị. Nam nghệ sĩ cho rằng chính công nghệ cũng giúp tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sĩ với khán giả. Do đó, tận dụng công nghệ khiến nhiều người biết đến sân khấu kịch Việt Nam hơn. Thông tin về các hoạt động của nhà hát đến được với nhiều khán giả. Và quan trọng nhất, nó kích thích mong muốn, khát khao đến rạp của khán giả.

Với nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho biết đơn vị đã đầu tư nhân lực để xây dựng nội dung cho fanpage. Nhà hát rất quan tâm tới các chỉ số như lượng người theo dõi, lượng người truy cập, tỷ lệ tương tác, bình luận trong từng bài đăng, theo từng giai đoạn để từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong tương lai. Ông cho rằng việc quảng bá hiệu quả đã đóng góp tích cực về doanh thu phòng vé. Và việc nhà hát tương tác, trả lời với độc giả trên các trang mạng xã hội được xác định cũng như khâu chăm sóc khách hàng.

Ở TP.HCM, một số đơn vị xã hội hóa của sân khấu như Idecaf, Thế giới Trẻ… còn liên kết với các bên thứ ba để phân phối vé.

NSƯT Trịnh Kim Chi nhận định việc tận dụng mạng xã hội, công nghệ trong việc quảng bá, bán vé cũng như biểu diễn đã giúp các đơn vị làm sân khấu tồn tại trong thời điểm khó khăn. Bà nhận định: "Việc chuyển đổi số được các đơn vị làm khá tốt. Để duy trì và tồn tại, họ buộc phải nghĩ, tìm tòi để quảng bá vở diễn, đưa vé đến với khán giả nhiều nhất".


Chuyển đổi số đổi mới ngành sân khấu Việt - Ảnh 5.

Lắng nghe ý kiến của người làm nghề, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng nhấn mạnh vai trò cần thiết của truyền thông, công nghệ với sự phát triển sân khấu truyền thống. "Áp dụng công nghệ chuyển đổi số đó là tính mới. Đây là kênh nối giữa sản phẩm nghệ thuật và người xem. Đó là việc cần phải làm", bà nói.

NSƯT Trần Ly Ly cho rằng khác sân khấu kịch, một số nhà hát truyền thống có vở diễn hay nhưng chưa tiếp cận công nghệ tích cực hoặc mới làm và chưa khai thác tối ưu. Do đó, việc bán vé của các đơn vị này chưa khởi sắc.

Bà khẳng định những người đang làm sân khấu truyền thống hay quản lý nghệ thuật đều rất yêu sân khấu, coi trọng vị thế của sân khấu truyền thống. "Chúng tôi đều có quan niệm rằng sân khấu truyền thống là gốc của đương đại và nó phải trường tồn bằng cách nào đấy. Sân khấu truyền thống là nền tảng, gốc rễ, kết tinh của văn hóa", bà nhấn mạnh.

Nam Bình, Ảnh: NVCC, Thiết kế: Thành Đạt

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×