Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc
28/08/2022 | 12:53Chỉ sau ít ngày khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong Tuyên cáo ngày 28/08/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập nội các quốc gia với 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền. Để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ, tổ chức, bộ máy của Bộ nhiều lần được sắp xếp lại thành: Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Văn hóa; Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao; Bộ Văn hóa - Thông tin và từ 31/7/2007 đến nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ vị trí là một trong ba mặt trận trọng tâm (kinh tế - chính trị - văn hóa) tại Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đến lời khẳng định của Bác Hồ kính yêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", tới các Nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc, đặc biệt là Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức ngày 24/11/2021 nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với xây dựng con người Việt Nam.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa Thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đây, ngày 28/08 trở thành ngày khai sinh của Ngành Văn hóa Thông tin Việt Nam, ngày truyền thống của những người làm công tác văn hóa thông tin cách mạng.
Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử và những nhiệm vụ chiến lược khác nhau, Ngành Văn hóa Thông tin đã trải qua 12 lần tách - sát nhập với những tên gọi khác nhau. Hiện nay tên gọi chính thức của Ngành là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hệ thống tổ chức bộ máy đồng bộ từ trung ương đến cơ sở gồm: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ; cấp tỉnh có Sở và các đơn vị trực thuộc Sở; cấp huyện có Phòng Văn hóa và Thông tin, đơn vị sự nghiệp Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện; cấp xã có đội ngũ cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa.
Trong suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, ngành Văn hóa thông tin luôn là một mặt trận quan trọng đồng hành, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới và phát triển hiện nay, các chiến sỹ trên mặt trận văn hóa đã và đang không ngừng nỗ lực để đóng góp công sức vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Nhằm nhìn lại một chặng đường 77 năm vẻ vang, nhiều vinh quang gắn với của lịch sử dân tộc, phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, những người đã từng công tác trong ngành và cả những người ngoài ngành nhưng luôn dành tâm huyết cho văn hóa nước nhà. Những ý kiến là sự ghi nhận đóng góp của ngành văn hóa trong công cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đồng thời cũng là lời cổ vũ, thể hiện tâm tư, khát vọng, đặt niềm tin vào Ngành Văn hóa hôm nay và mai sau.
Ông Phạm Quang Nghị, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin: Văn hoá, con người là nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước
Bác Hồ nói: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi", khó có cách diễn đạt nào hay hơn để nói về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá. Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như các Nghị quyết chuyên đề, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá; của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh; là động lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới.
Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta nhất định phải dựa vào, phải phát huy nguồn lực tiềm tàng vốn có - nguồn lực nội sinh văn hoá, con người Việt Nam. Cần tiếp tục giữ gìn, bồi đắp và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam- hệ giá trị đã được hình thành qua trường kỳ lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc như tinh thần yêu nước, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn…
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở, ai cũng có thể học hỏi được những cái hay, cái đẹp của nhân loại và tránh được những cái cần phải tránh. Thế giới rộng mở nhưng gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng và gìn giữ văn hóa dân tộc, giá trị gia đình truyền thống căn cốt vẫn cần được gìn giữ và phát huy. Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: "Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam", việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử trong gia đình và trong cộng đồng, giúp mỗi gia đình thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.
Đảng ta luôn đặt phát triển văn hoá, xây dựng con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Xét đến cùng, mọi chủ trương, chính sách đặt ra đều vì con người, cho con người và do con người thực hiện. Do vậy, sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng con người phải là của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị. Nhưng trong hệ thống ấy cần có sự phân công, có các cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ các nguồn lực đầu tư, có cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện. Có cơ quan phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Có cơ quan chăm lo, khuyến khích đội ngũ những người lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ…
Để có sự quan tâm phối hợp đồng bộ, cần phải có sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Phải có các cơ chế, chính sách phù hợp mới có thể huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Hiện nay, chủ trương, chính sách đã được nêu, được ban hành đầy đủ trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vấn đề quan trọng là thống nhất nhận thức và việc tổ chức, phối hợp của hệ thống các cơ quan thực hiện để sớm đưa các chính sách vào cuộc sống vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân.
Bà Hoàng Thị Hoa - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (khóa XIV): Nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là một trong các khâu đột phá chiến lược.
Nói đến công cuộc xây dựng văn hóa phải nói đến sự phát triển văn hóa ngay trong đơn vị nhỏ nhất như gia đình, làng xã, cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ sự trưởng thành hay phát triển của mỗi nhân cách trải qua quá trình hoạt động văn hóa, các hoạt động trong toàn bộ đời sống và nhân cách đó trở thành các giá tri định hình bền vững. Nghĩa là để có nhân cách văn hóa phải quan tâm tới toàn bộ các hoạt động đa dạng, phong phú của con người. Trong những năm qua chúng ta đã quan tâm đến xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp phong phú chính là xuất phát từ quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Quá trình đó đã tạo ra các giá trị văn hóa trong nhân cách mỗi người. Vấn đề quan trọng của nhân cách văn hóa là lối sống được thể hiện ở lẽ sống, nếp sống, mức sống, chất lượng cuộc sống và tinh thần của con người, của một cộng đồng cũng như của xã hội. Trên thực tế có thể mức sống chưa cao nhưng nhờ có lẽ sống tốt đẹp, nếp sống lành mạnh, con người và xã hội có thể trở thành con người có văn hóa, xã hội có điều kiện phát triển và tiến bộ.
Khi nước ta trong giai đoạn chiến tranh, kinh tế còn nghèo, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Chúng ta đã quan tâm việc xây dựng lối sống và lẽ sống đẹp cho con người và xã hội, không phải chờ khi có mức sống vật chất tốt hơn. Chính những năm đó, một lối sống tốt đẹp, một đời sống tinh thần lành mạnh, trong sáng, sự đoàn kết gắn bó yêu thương nhau,… tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, những giá trị cao đẹp và sâu sắc là nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Trong những năm đổi mới, vấn đ lối sống được đặc biệt quan tâm từ đó khẳng định tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh là những lĩnh vực then chốt của văn hóa và được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Vấn đề lối sống, quan hệ giữa lối sống và mức sống đã và đang trở thành vấn đề lớn trong đời sống xã hội.
Vấn đề xây dựng con người Việt Nam hiện nay đang đứng trước 3 yêu cầu lớn và thách thức gay gắt:
Bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp; Tỉnh táo vượt qua những hạn chế lịch sử của con người Việt Nam và nuôi dưỡng; Chăm lo sự phát triển những giá trị mới do công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế tạo ra.
Không thể né tránh bất cứ yêu cầu nào, để tạo nên một thế hệ con người Việt Nam mới "truyền thống - hiện đại" đây là cuộc đấu tranh vô cùng tinh tế, phong phú và sâu sắc. Cái hiện đại chưa có chuẩn xác định, nhưng đang hình thành và phát triển mạnh; cái giá trị và cái phản giá trị, giả giá trị… Nhưng quy luật hình thành thế hệ mới là tất yếu.
Vấn đề đặt ra là nhận biết khoa học, tỉnh táo định hướng chuẩn xác và điều chỉnh cần thiết để chăm lo một cách chủ động cho sự hình thành thế hệ đó. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa là đúc rút và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu cao và mới đối với những người lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiệm vụ xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là một trong các khâu đột phá chiến lược của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Nhà báo, TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Văn hóa thực sự và ngày càng khẳng định là một trong bốn trụ cột kiến tạo quốc gia
Trên nền móng mấy nghìn văn phát triển dân tộc, văn hóa Việt Nam 77 năm qua dưới ngọn cờ của Đảng thực sự xứng đáng là sự tiếp nối, phát triển tầm cao mới, khẳng định vị thế uy tín sức mạnh của dân tộc Việt Nam, danh dự của người Việt Nam. Văn hóa là một trong những giềng mối căn bản để chúng ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường sánh vai các cường quốc trên thế giới. Trong đó, Ngành Văn hóa là giềng mối, là chủ chốt, ở đó tập hợp những nhà văn hóa lớn, đội ngũ những người làm văn hóa và dân tộc Việt Nam văn hóa để kiến tạo nên đất nước Việt Nam văn hóa và hùng cường.
C. Mác nói: Chủ nghĩa Cộng sản chính là Chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, tức là văn hóa, nấc thang cao nhất của sự phát triển của loài người. Nếu hiểu theo nghĩa Mác thì, Văn hóa chính là Chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Văn hóa còn thì dân tộc còn, thì chủ nghĩa xã hội Việt Nam còn. Đó cốt cách văn hóa Việt Nam và văn hóa trường tồn và phát triển cùng dân tộc, cùng thời đại.
Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, văn hóa Việt Nam đi qua 13 cuộc chiến tranh lớn chống ngoại xâm, kẻ thù đến từ tất cả các châu lục từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, văn hóa càng tỏa sáng và chúng ta càng thấy văn hóa đã giữ gìn, bảo tồn và phát triển dân tộc Việt Nam như thế nào. Chúng ta còn, chúng ta phát triển được cho tới hôm nay là bắt đầu từ văn hóa, nhờ văn hóa và tới lượt mình, dân tộc không ngừng sáng tạo văn hóa Việt Nam.
Không thể hình dung được, nếu chúng ta không có một nền văn hóa như chúng ta đã và đang có thì chúng ta không có một quốc gia – dân tộc Việt Nam như hiện nay.
Đặc biệt trong 35 năm đổi mới vừa qua, văn hóa thực sự và ngày càng khẳng định là một trong bốn trụ cột kiến tạo quốc gia. Văn hóa xuyên thấm trong tất cả đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Và ngay trong bốn trụ cột đó thì văn hóa thẩm thấu sâu rộng, sinh động và lấp lánh trong các lĩnh vực đó. Xây dựng kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội… Văn hóa ngày càng xứng đáng trở thành một nhân tố không thể thiếu trong việc hoạch định đường lối chính trị, khơi dậy sức mạnh toàn dân, cố kết toàn dân tộc, hội nhập đoàn kết quốc tế.
Điều cấp bách lớn nhất hiện nay, nhìn suốt 77 năm, đặc biệt 35 năm đổi mới, nhiệm vụ trung tâm sắp tới, thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường, chúng ta rất cần kiến tạo, phát triển triết lý của một nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, đưa đất nước bước tới hùng cường.
Triết lý đó bắt đầu từ chỉnh đốn lại tư duy, tiếp tục đổi mới tư duy về văn hóa. Cần phải thấu triệt rằng, văn hóa là toàn bộ cuộc sống xã hội của chúng ta, là định hướng phát triển xã hội của chúng ta, là động lực phát triển văn hóa của chúng ta ở một trình độ mới. Xét cho cùng cũng là mục tiêu phát triển dân tộc chúng ta. Bởi như Mác nói chủ nghĩa cộng sản chính là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, tức là văn hóa.
Chúng ta bắt đầu từ văn hóa đi xuyên qua kinh tế thị trường đến văn hóa ở một tầm mức cao hơn. Tôi cho rằng, dân tộc Việt Nam phải bắt đầu đi từ văn hóa, không phải chỉ đi từ kinh tế. Kinh tế thị trường là công cụ. Nhà nước pháp quyền XHCN là công cụ của Nhân dân để đi đến văn hóa cao hơn là Chủ nghĩa Xã hội. Tư duy về văn hóa có lẽ nên hiểu như thế, chứ không phải ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, cố nhiên rất quan trọng. Chúng ta lấy văn hóa để phát triển kinh tế, phát triển chính trị.... Vì tư duy, quyết sách chính trị hay kinh tế chính là văn hóa. Đường lối chính trị chính là văn hóa. Kinh tế là văn hóa. Bao trùm hết thảy, Chủ nghĩa Xã hội là văn hóa. Văn hóa ở đây nó bao hàm nghĩa rộng như vậy, bao hàm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa là cái gì rất khó nắm bắt nhưng là hiện hữu trong đời sống xã hội hàng ngày. Bởi lịch sử mà không có triết học thì là lịch sử mù quáng. Còn triết học mà không có lịch sử thì chỉ là thứ triết học trống rỗng.