Chùm ảnh: Khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các Dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”
20/11/2022 | 09:54
Tối 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Khát vọng Việt Nam”, khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022.
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11) và 77 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).
Đến dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Trường.
Cùng dự lễ khai mạc còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, đông đảo các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc khu vực phía Bắc.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc anh em, biểu dương các tấm gương từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Tuần Lễ Đại đoàn kết giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu quê hương đất nước và người Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Tuần “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” năm 2022 được tổ chức sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý trí cách mạng, tôn vinh thêm sức mạnh đại đoàn kết với sự tham gia của 17 cộng đồng dân tộc hiện đang sinh sống tại Làng.
Cũng tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gửi lời chúc mừng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống vẻ vang. Theo Phó Thủ tướng, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo tập hợp đoàn kết dưới lá cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam tạo nên sức mạnh vĩ đại, làm nên Cách mạng Tháng 8 lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trao quà cho đồng bào tham dự Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam 2022.
Sau Lễ khai mạc là đêm nghệ thuật “Khát vọng Việt Nam”.
Đồng bào các dân tộc trình diễn trang phục đặc trưng của mình.
Các thiếu nữ người dân tộc rạng rỡ trong trang phục truyền thống của mình.
Một thiếu nữ Người Dao Thanh Phán.
Thiếu nữ dân tộc Cao Lan.
Các em nhỏ người Tày ở Thái Nguyên.
Đây cũng là năm đầu tiên Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía bắc được tổ chức.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022 và Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022 với chủ đề Khát vọng Việt Nam. Các tiết mục được chia làm 2 chương Những sắc màu di sản các dân tộc Việt Nam và Đại đoàn kết các dân tộc, thành công lớn và khát vọng Việt Nam.
Lễ khai mạc diễn ra trên sân khấu nổi hồ Đồng Mô, được thiết kế theo hình chiếc quạt, với các nan quạt chụm về một hướng, biểu trưng cho một Việt Nam cùng chung ý chí, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Trên tổng thể sân khấu lớn còn có 4 sân khấu để các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân cùng đồng diễn (sân khấu đảo lớn, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pist trước khu vực khán đài, sân khấu cầu xi măng). Phần trình diễn các trang phục truyền thống được lồng ghép vào tổng thể chương trình nghệ thuật.
Phần biểu diễn của lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm những nghệ sĩ như NSND Thanh Ngoan, NSND Thanh Hải, NSƯT Mai Hoa, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Thanh Vân, NSƯT Khánh Trang và lớp nghệ sĩ trẻ như: Đinh Mạnh Ninh, Hà Lê, Phương Mai... với các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, tình đoàn kết các dân tộc như: Hát múa Non nước hữu tình, liên khúc Khúc hát tiên rồng, Vũ hội Ka Tê, Lửa tình Cao Nguyên…
Các tiết mục mang đậm giá trị truyền thống, sâu lắng nhưng không kém phần trẻ trung, sôi động đã giúp người xem cảm nhận rõ nét cuộc sống của đồng bào các dân tộc anh em qua những lát cắt trong cuộc sống, được tái hiện bằng âm nhạc và những điệu dân ca, dân vũ...
Cùng với đó là phần trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 17 tỉnh phía Bắc thể hiện đã đem lại những cảm xúc đặc biệt cho người dân, du khách khi đến với đêm khai mạc cũng như theo dõi qua sóng truyền hình.
Nhã nhạc cung đình Huế.
Tiết mục Bài chòi - nét văn hóa của người xứ Quảng.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mang lại không khí sôi động với âm sắc từ cồng chiêng.
Chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô, hoành tráng, kết hợp giữa những giá trị truyền thống của văn hoá với công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại đã trở thành lời chào mừng ấn tượng cho Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hoá Việt Nam năm 2022.
Đồng bào các dân tộc cùng nhau tham dự vòng xoè đại đoàn kết.
Đặc biệt ở cuối chương trình, khán giả đã có dịp mãn nhãn với màn bắn pháo hoa rực rỡ
Nam Nguyễn