Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số gắn với công tác bảo tồn di tích, di sản
13/10/2023 | 14:31Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Kết nối Thực - Số tỉnh Thừa Thiên Huế với chủ đề "Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác Bảo tồn và Lễ hội".
Hội thảo có sự tham dự có hơn 130 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở ban ngành cấp tỉnh, đại diện doanh nghiệp CNTT, các bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Huế và đông đảo cán bộ chuyên trách CNTT các cấp trên địa bàn.
Với chủ đề "Chuyển đổi số, công nghệ mới hỗ trợ công tác Bảo tồn và Lễ hội", Hội thảo nhằm giới thiệu về xu hướng công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối Thực - Số trong công tác số hóa cổ vật, kết nối thử nghiệm lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số gắn với công tác bảo tồn di tích, di sản từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản triều Nguyễn và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xác định công tác Chuyển đổi số là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy các giá trị di sản hiện có mà Trung tâm đang thực hiện quản lý.
Việc ứng dụng CNTT đưa chuyển đổi số, số hóa dữ liệu các lĩnh vực đã và đang được thực hiện tại đơn vị và bước đầu đã gặt hái được những kết quả nhất định. Với tinh thần cầu thị, Trung tâm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tư vấn đến từ các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, góp phần tăng cường công tác bảo tồn và quảng bá di sản Huế ra thế giới.
Tại Hội thảo, các đại biểu, khách mời đã được nghe các chuyên gia trình bày các tham luận như: Tài sản số - Kinh tế số và thực tiễn Việt Nam; Dữ liệu và Di sản; Một số kết quả của đề án chuyển đổi số tại TTBTDT Cố đô Huế: Thành tựu và Khuyến nghị.
Thông tin về kết quả 1 năm thực hiện đề án chuyển đổi số của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua triển khai, đề án đã giúp nâng cao năng lực quản trị; nâng cao năng lực thiết bị hạ tầng chuyên dụng; Số hóa và tạo lập được cơ sở dữ liệu vật thể, phi vật thể; Xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành và cung cấp dữ liệu cho du khách; Xây dựng hệ thống quản lý cây xanh, cảnh quan và mặt nước tại các điểm di tích; Xây dựng được hệ sinh thái truyền thông số...
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng thông tin thêm, trong tháng 7-9/2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Tin học Việt Nam đã mời các chuyên gia từ Google về công nghệ mới như: NFT, Blockchain, Web 3 và kết nối Thực - Số giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hóa của Bảo tàng cung đình Huế đồng thời kết nối thử nghiệm lên không gian Thực - Số một số hiện vật quý của Cung đình Huế. Đến nay, đã có những kết quả khả quan có thể giới thiệu rộng rãi cho người dân, du khách và mong muốn hợp tác sâu và toàn diện hơn gắn liền với chương trình chuyển đổi số của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Dịp này, Hội Tin học Việt Nam, Công ty Cổ phần Phygital Labs, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ký kết các hợp tác chuyển đổi số giữa các đơn vị.
Đây được xem là cam kết cụ thể nhằm tăng cường hợp tác trao đổi trong việc chia sẻ kiến thức kinh nghiệm về các xu hướng công nghệ mới như: Vật lý số, Web 3 và kết nối Thực - Số, giới thiệu công nghệ và tìm hiểu công tác số hóa để ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong thời gian tới.
Đồng thời phát huy nguồn lực, thế mạnh về nhân lực và nền tảng công nghệ do các Hội viên thuộc Hội Tin học Việt Nam, được đại diện bởi nhóm Chuyên gia Công nghệ từ Câu lạc bộ ExIO trực thuộc Hội Tin học Việt Nam và Công ty Cổ phần Phygital Labs triển khai, làm chủ, sở hữu bản quyền trong việc hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và trọng tâm đưa vào thử nghiệm xây dựng các nền tảng công nghệ Thực – Số ứng dụng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.