Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Chỉ thị tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội

10/12/2012 | 09:35

(VP) – Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã có Chỉ thị số 251/CT-BVHTTDL yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có sức hấp dẫn và thu hút du khách; thông qua lễ hội thể hiện tình cảm, trí tuệ, lẽ sống, khuynh hướng thẩm mỹ và khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân. Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; Nội dung sinh hoạt lễ hội đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đã và đang xuất hiện không ít những biểu hiện tiêu cực, phản cảm gây dư luận bức xúc trong nhân dân, như xu hướng tự nâng cấp lễ hội, việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền vào lễ hội, thương mại hóa lễ hội đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có của lễ hội, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội. Đang có biểu hiện lễ lấn hội, không gian dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng lễ hội làm không gian lễ hội mất dần, giá trị di sản vật thể và phi vật thể có nguy cơ ngày càng mai một.

Những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội và thực hiện chưa tốt nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội đang ảnh h¬ưởng đến môi trường văn hoá, gây nên sự bức xúc trong dư luận. Xuất phát từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm khắc phục tình trạng đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp thực hiện một số việc cụ thể:

Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, Chính quyền về công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức lễ hội ở địa phương mình và tập trung các nội dung: Tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Xây dựng Kế hoạch tổ chức lễ hội hàng năm, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội, thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và giá trị lịch sử của lễ hội, đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ di tích, di sản; Công tác tổ chức lễ hội năm 2013 các địa phương phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức lễ hội phải tiết kiệm không gây lãng phí tiền của Nhà nước và địa phương. Thành phần khách mời đảm bảo theo đúng nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;  Các địa phương có lễ hội lớn như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Phủ Dày, Đền Trần (Nam Định), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (Tây Ninh) và các lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh… phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông cho khách, tránh ách tắc cục bộ làm cản trở lưu thông của du khách tham dự lễ hội, không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý; Đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện và tiến hành sơ kết thực hiện nhiệm vụ đột phá thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở về đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tuyên truyền tạo sự chuyển biến căn bản, bền vững việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội theo Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm túc những sai phạm trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội; Có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, như xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, ép khách, chèo kéo khách, thương mại hóa lễ hội, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hướng dẫn nhân dân đặt lễ, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi, đúng chỗ.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương gương mẫu thực hiện nếp sống văn hoá lễ hội, không sử dụng phương tiện công và giờ hành chính đi tham dự lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương mình. Báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.

HCTC


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×