Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cấp thiết phải sửa Luật Quảng cáo - Bài 1: Khắc phục bất cập để theo kịp xu thế phát triển

08/04/2024 | 08:34

Trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, để theo kịp xu thế phát triển hiện nay, việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp trong đó quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực Quảng cáo đầy tiềm năng là một nhu cầu hết sức cấp thiết.

"Đánh thức" tiềm năng trong lĩnh vực quảng cáo - Bài 1: Sửa luật để phù hợp với thực tiễn - Ảnh 1.

Hình minh họa

LTS: Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển hơn nữa lĩnh vực Quảng cáo đầy tiềm năng là một nhu cầu rất cấp thiết.

Lĩnh vực đầy tiềm năng

Quảng cáo được Chính phủ xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo theo tài liệu thống nhất chính là chuyển tải thông điệp để mọi người nhận biết, cảm nhận, tiếp thu; thông điệp này có thể đến từ một cá nhân, một nhóm người hay tổ chức dùng linh hoạt các hình thức phương tiện khác nhau để chuyển tải đến mọi ngóc ngách của cuộc sống và gần gũi đời thường.

Quảng cáo chia thành 2 mảng: Quảng cáo thương mại và phi thương mại. Ranh giới giữa 2 loại hình trên đôi khi rất mong manh, mảng này hỗ trợ mảng kia; có sự hỗ trợ qua lại, tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và ảnh hưởng vô cùng lớn trong tạo xu thế tích cực cho xã hội.

Ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, trên thế giới, lịch sử quảng cáo đã có hàng trăm năm được coi là ngành kinh tế khi mang lại những lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho mỗi quốc gia. Quảng cáo Việt Nam thực sự phát triển từ năm 1990 và cho đến nay quảng cáo đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành nghề chính thức, tạo sự lan tỏa toàn xã hội trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.

Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của các Đảng và Nhà nước đối với ngành quảng cáo. Nghị định 194/CP năm 1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đến Luật Quảng cáo năm 2012 đã tạo ra những hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động quảng cáo.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động quảng cáo được đáp ứng đầy đủ các loại hình quảng cáo từ quảng cáo truyền thống đến hiện đại được thể hiện ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, phương tiện chuyển tải khác nhau tạo sự lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và theo kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Theo Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ hai (12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%) và hơn Indonesia (8,1%), Thái Lan (3,9%) và Singapore (8,4%). Năm 2023 đạt khoảng 2, 144 tỷ USD. Điều này cho thấy, quảng cáo Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn.

Cần thiết phải sửa Luật để đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Năm 2024 được Bộ VHTTDL xác định là năm về thể chế chính sách. Một trong hai bộ Luật quan trọng mà Bộ được giao soạn thảo để sớm trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo.

Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế.

Theo đó, Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước; các hành vi cấm; yêu cầu, điều kiện đối với nội dung quảng cáo; phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Luật Quảng cáo đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do.

Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ với sự gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp.

Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể hóa 3 nhóm chính sách

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo chủ trì soạn thảo đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 3 nhóm chính sách: Quy định về nội dung và hình thức quảng cáo; Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, quan điểm khi xây dựng dự thảo Luật đó là: bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam.

Cùng với đó là sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn tồn tại, vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; Luật hóa quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về quảng cáo nhằm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo.

Quan điểm tiếp theo đó là thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính; bãi bỏ một số giấy phép con gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Được biết, dự thảo Luật gồm 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 19 điều, khoản; bổ sung 02 Điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 2 về Điều khoản thi hành.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo

- Thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

- Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan.

- Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Bài 2: Kịp thời tháo gỡ "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo ngoài trời



Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×