Cao Bằng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
27/10/2020 | 12:35Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tích cực quan tâm bảo tồn, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Toàn tỉnh hiện có 214 di tích, trong đó có 92 di tích được xếp hạng các cấp (3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia, 66 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia (đôi chuông Chùa Viên Minh, Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, Thành phố; Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, xã Hồng Việt, Hòa An); sưu tầm được 16.968 hiện vật. Có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành; nghề rèn truyền thống của người Nùng An xã Phúc Sen; Lễ hội tranh đầu pháo thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa).
Đặc biệt, Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được thực hiện thông qua các chương trình, đề án, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa như: “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao Đỏ tỉnh Cao Bằng”; “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ Thuổn Puôn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng”.
“Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”; “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; khôi phục 4 lễ hội dân gian truyền thống (Lễ hội Háng Tán, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Co Sầu, Lễ hội Bó Puông)…
Không chỉ có giá trị trong việc giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo tiền đề tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, non nước Cao Bằng đến với bạn bè gần xa.
Quảng Hòa là một trong những huyện có nhiều giá trị di sản văn hóa, nằm trong tuyến du lịch phía Đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, được chọn là tuyến du lịch trải nghiệm “văn hóa bản địa xứ sở thần tiên” với các điểm di sản như: đèo Mã Phục, làng hương Phja Thắp, làng nghề rèn Pác Rằng, làng nghề đường phên Bó Tờ…
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được định hướng, triển khai đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
Nhờ vậy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân. Nếp sống văn minh được hình thành rõ nét, chất lượng các danh hiệu văn hóa đạt hàng năm được nâng cao rõ rệt. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 85% gia đình, 55% xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 80% xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư, nâng cấp và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Toàn tỉnh hiện có 1 Nhà thiếu nhi tỉnh, 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 19 tủ sách đồn biên phòng, 160 điểm bưu điện văn hóa xã, 152 tủ sách xã, phường.
Bên cạnh đó, nghệ thuật chuyên nghiệp có nhiều bước tiến mới theo hướng bảo tồn, khai thác nghệ thuật truyền thống các dân tộc. Hoạt động văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, các hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên. Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh thành lập và phát triển 9 chi hội cấp huyện, Thành phố với trên 2.000 hội viên thường xuyên hoạt động.
Theo đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới tập trung một số nhiệm vụ cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người; thực hiện phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Tăng cường đầu tư, xã hội hóa các hoạt động văn hóa; phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật. Hỗ trợ xây dựng, bảo tồn bản làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; tổ chức, tham gia các Hội thi, hội diễn, chương trình du lịch; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm văn hóa phù hợp với yêu cầu mới. Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam nói chung và con người Cao Bằng nói riêng đến với thế giới.