Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Văn hóa truyền thống - lợi thế góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch

26/01/2021 | 09:46

Cao Bằng được coi là chiếc nôi văn hóa của khu vực phía Bắc Việt Nam. Nhiều dân tộc anh em đã chung sống, gắn bó lâu đời và cùng chung tay xây đắp nền văn hóa đậm đà, vừa đa dạng vừa thống nhất. Đây là vùng đất hội tụ nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng.

Cao Bằng: Văn hóa truyền thống - lợi thế góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch - Ảnh 1.

Góc chợ phiên vùng cao. Ảnh: Thế Vĩnh.

Sự khác biệt và giàu sắc thái văn hóa không làm suy giảm tính thống nhất của văn hóa bản địa, tộc người và ý thức tộc người. Ở chừng mực nào đó còn làm tăng thêm và củng cố tính thống nhất thông qua sự đa dạng các sắc thái văn hóa của các địa phương. Đây là một lợi thế lớn của tỉnh trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhân văn. Sự đồng điệu, nét đặc thù, điểm chung, nét riêng, dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong sinh hoạt cộng đồng, trong nếp sống, trang phục, ăn uống, cách ứng xử, giao tiếp hằng ngày của đồng bào các dân tộc.

Một trong những nơi biểu hiện và hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng chính là chợ phiên vùng cao. Nói đến chợ phiên là nói đến hoạt động đáp ứng nhu cầu vật chất của mọi miền trên đất nước Việt Nam, chứ không riêng của Cao Bằng. Với miền xuôi, đi chợ, họp chợ, trước hết để bán những thứ mình làm ra và mua, đổi về những thứ mình không có. Nhu cầu trò chuyện có nhưng chỉ là trao đổi một vài câu chuyện, thông tin. Hoạt động mang tính văn hóa, tinh thần như chợ phiên của đồng bào các dân tộc ở miền núi nói chung, Cao Bằng nói riêng rất ít.

Chợ phiên vùng cao là những phiên chợ, ngoài hình thức trao đổi, mua bán sản vật còn là nơi mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc thiểu số. Chợ phiên vùng cao là nơi người ta gặp gỡ trò chuyện, giao lưu văn hóa giữa các tộc người với nhau. Một trong những đặc điểm nổi bật của chợ phiên vùng cao là sự phô diễn trang phục của các tộc người. Đến chợ, chúng ta dễ dàng nhận thấy nét văn hóa phong phú, đa dạng trong mỗi nếp nhà, mỗi tà áo, vành khăn.

Ở đây, chúng ta có thể bắt gặp sắc màu sặc sỡ, xòe hoa của các cô gái dân tộc Mông, Dao… Cô gái Mông chân thoăn thoắt cùng chiếc váy xòe sắc màu rực rỡ dắt ngựa xuống chợ; cô gái Tày duyên dáng, mặt ửng hồng thưởng thức món đặc sản truyền thống mỗi dịp lễ, Tết, hội hè. Chàng trai Dao, Tày, Nùng mặt đỏ au cùng nhau cạn bát rượu ngô ngào ngạt men say, rồi cùng nhau vui vẻ “lày cỏ”. Cô gái Kinh vai khoác túi thổ cẩm rực rỡ uyển chuyển tung quả còn xanh, đỏ lên cây nêu đầu chợ.

Điểm khác biệt giữa chợ phiên vùng cao và chợ phiên miền xuôi còn ở thời gian họp chợ. Chợ phiên miền xuôi chỉ diễn ra trong non buổi sáng. Hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra nhanh gọn. Ở miền núi, 5 ngày mới họp chợ một lần nên chợ phiên kéo dài hơn bởi đan xen giữa hoạt động mua bán với hoạt động tinh thần mang đậm yếu tố văn hóa, văn nghệ. Vì thế, chợ phiên vùng cao còn có cả những đêm xòe ngất ngây lòng người.

Chợ phiên là nơi mà trước, trong, sau khi mua, bán, người ta gặp gỡ, chuyện trò, thậm chí trao nhau ánh mắt, nụ cười tình ý. Vãn chợ, người ta về bản cùng tiếng bước chân, tiếng nói cười xa dần theo những lối mòn với bao bịn rịn. Vãn chợ là để lại cũng như mang theo niềm thương, nỗi nhớ và chờ mong, đón đợi những phiên chợ sau.

Bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trên địa bàn tỉnh có gần 40 lễ hội. Hầu hết các lễ hội truyền thống đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian. Việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Các lễ hội không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh hùng dân tộc như: những lễ hội tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe cộng đồng bản, làng.

Đối tượng được thờ tự tại các lễ hội là các vị Thần sông, Thần suối, Thần ruộng nương... Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có Lễ hội Lồng tồng, thị trấn huyện Bảo Lạc tổ chức ngày mùng 8 tháng Giêng; Lễ hội đền Dẻ Đoóng (còn gọi là Giang Động), xã Hồng Việt (Hòa An) tổ chức ngày 15 tháng Giêng; Lễ hội Nàng Hai tổ chức ngày 18 tháng Ba (âm lịch) tại xã Tiên Thành (Quảng Hòa); lễ hội đền Vua Lê tại Làng Đền, xã Hoàng Tung (Hòa An) tổ chức ngày mùng 6 tháng Giêng.

Lễ hội chùa Đống Lân, Lễ hội chùa Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố); Lễ hội đền Bà Hoàng (mẹ của Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao), tổ 16, phường Sông Bằng (Thành phố); Lễ hội chùa Sùng Phúc, thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) tổ chức ngày 15 tháng Giêng; Lễ hội đền Kỳ Sầm tưởng nhớ tới anh hùng Nùng Trí Cao, tại Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố) ngày 10 tháng Giêng…

Ngày nay, các nghi lễ trong một số lễ hội tổ chức không được như trước, song ban tổ chức vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa như: tổ chức rước rồng, kiệu Thành Hoàng, khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc. Công tác tổ chức lễ hội ngày càng chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.

Cao Bằng: Văn hóa truyền thống - lợi thế góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch - Ảnh 2.

Lễ hội chọi bò huyện Bảo Lâm thu hút đông đảo nhân dân tham gia cổ vũ. Ảnh: Thế Vĩnh.

Bên cạnh các lễ hội trên, Cao Bằng còn có nhiều lễ hội giàu bản sắc văn hóa như: Lễ hội chọi bò được tổ chức tại thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) hay thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng)… Đến lễ hội này, người xem bị cuốn hút bởi những trận đấu đầy kịch tính và quyết liệt do những “đấu sĩ bò” trình diễn. Với quan niệm, con bò gắn bó với người Mông sống trên núi, rừng rậm có nhiều thú dữ.

Để bảo vệ cho mình và gia chủ, con bò thường xuyên đấu đọ sức với thú dữ… hình thành bản năng vào trận nếu có đối thủ đe dọa. Vì vậy, người Mông quý bò, chọn gỗ chắc, xẻ ván bưng làm chuồng bò sạch đẹp và chăm sóc cẩn thận. Việc chọn bò, huấn luyện bò được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Ngày nay các lễ hội vẫn được bảo tồn nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh.

Đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào còn được thể hiện ở nghề thủ công, mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống của đồng bào đã đạt đến độ tinh xảo và cuốn hút đến diệu kỳ. Phụ nữ Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô… rất giỏi trong cảm thụ màu sắc, những tấm thổ cẩm của họ bao giờ cũng hội đủ sắc màu của thiên nhiên từ cây thông, đồi núi, hạt ngô, hạt lúa… Tất cả được biểu đạt như bức tranh sống động của đời sống đồng bào.

Các sản phẩm về thổ cẩm của phụ nữ các dân tộc miền núi đã làm cho khách du lịch phải thán phục. Mỗi họa tiết trên váy áo là một công trình nghệ thuật được thêu dệt trên trang phục. Giờ đây, hàng thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô trở thành quà lưu niệm quen thuộc của khách du lịch trong nước cũng như người nước ngoài khi đến du lịch. Để có một sản vật hoàn mỹ như vậy là sự kết tinh của những bàn tay tài hoa, khéo léo; sự lao động miệt mài và khổ công được ông bà, cha mẹ truyền dạy từ đời này sang đời khác…

Trong lĩnh vực kiến trúc, những ngôi nhà mái chảy chất lợp ngói nung hoặc gỗ ván, dựa theo sườn núi thu hút sự quan tâm của du khách. Đó là những ngôi nhà mang đậm chất văn hóa riêng ở những bản người Mông, Dao, Tày, Nùng… với đời sống sinh hoạt còn lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc.

Văn hóa truyền thống Cao Bằng rất phong phú, đa dạng. Mọi thành tố văn hóa truyền thống từ cách ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử với môi trường xã hội đến văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng đều đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc đều mang vẻ đẹp hấp dẫn riêng. Trong quá trình phát triển, các dân tộc đều có sự giao lưu, qua lại lẫn nhau cùng vùng, cận vùng, khác vùng (các dân tộc ở bên kia biên giới). Điều đó đã làm cho bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc càng đậm đà, phong phú, hấp dẫn du khách thập phương.

Theo Báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×