Cao Bằng: Phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch bền vững
12/12/2022 | 13:40Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112 nghề thủ công truyền thống, trong đó có các nghề liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số như: nghề dệt thổ cẩm của người Tày, nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An, nghề chạm bạc của người Dao Ðỏ, nghề in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền. Thời gian qua, các làng nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc dần được quan tâm khôi phục, đưa vào khai thác và quảng bá tại các sự kiện du lịch, góp phần phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh.
Các nghề thủ công truyền thống có mặt ở tất cả các huyện, Thành phố, nhưng chủ yếu tập trung tại các huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, Nguyên Bình, Trùng Khánh. Theo báo cáo của các huyện, Thành phố, trên địa bàn tỉnh có 21 làng (xóm) với 10 nghề đang hoạt động. Đối với nghề truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc phải kể đến nghề dệt thổ cẩm, nhuộm vải và nghề chạm khắc bạc. Nắm bắt xu thế một bộ phận người tiêu dùng, nhất là du khách nước ngoài chuộng sử dụng sản phẩm thủ công truyền thống, các cấp, ngành triển khai nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số địa phương duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc, vừa phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của người dân, vừa phục vụ khách tham quan du lịch. Xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) là nơi duy nhất trong huyện giữ nguyên bản về kỹ thuật lẫn công cụ dệt thổ cẩm của người Tày, với khoảng 30 khung cửi của các gia đình truyền thống hành nghề. Nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) không chỉ là một nghề truyền thống đem lại giá trị kinh tế mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Nét sinh hoạt riêng có thường ngày của người dân nơi đây mang lại một sắc màu mới cho nghề thủ công truyền thống này. Hiện nay, nghề nhuộm chàm vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy, tại xã Phúc Sen còn 35 hộ sản xuất vải chàm nằm rải rác ở các xóm trong xã.
Nghề in hoa văn bằng sáp ong lên áo, váy được phụ nữ Dao Tiền duy trì, là một nét văn hóa rất độc đáo. Người Dao Tiền gửi gắm trong từng đường kim, nét vẽ những ý niệm về vũ trụ, thiên nhiên, cuộc sống. Hiện nay có các làng nghề thủ công in sáp ong, tiêu biểu là xóm Hoài Khao, xã Quang Thành và xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình). Từ năm 2017, UBND xã Hoa Thám thành lập nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn gồm 17 thành viên, giới thiệu cách chấm sáp ong cùng các sản phẩm đến người tiêu dùng. Thực hiện Chương trình phát triển dịch vụ du lịch vùng Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng trang phục truyền thống trong quá trình phục vụ du khách đến tham quan tại điểm du lịch Hoài Khao; duy trì và phát huy hiệu quả xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chẵn, xã Hoa Thám. Đối với nghề thêu thổ cẩm của người Lô Lô, hiện nay có 64/104 hộ làm nghề ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).
Các làng nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc được đưa vào khai thác và quảng bá tại các sự kiện du lịch nói chung, giới thiệu hình ảnh Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng.
Tại các làng nghề, du khách được tham gia trải nghiệm một số công đoạn đơn giản của quá trình dệt vải, thêu thùa để khám phá văn hóa bản địa. Đây là một điểm nhấn thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đến trải nghiệm làng nghề, đưa du khách hòa vào cuộc sống của người dân bản địa; làm tăng sự hứng thú khi du khách được tận hưởng sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra dưới sự hướng dẫn của người dân làng nghề. Những năm gần đây, nhu cầu của khách du lịch tăng cao, để bắt kịp xu hướng của thị trường, tại các làng nghề liên quan đến trang phục dân tộc, người dân bản địa nghiên cứu, thiết kế thêm nhiều dạng hoa văn mới để dệt lên túi xách, khăn, mặt gối, thảm trải giường…, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Chị Nguyễn Phương Lan, khách du lịch đến từ quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: Do đặc thù công tác tại đơn vị về văn hóa, truyền thông nên tôi rất quan tâm đến các sản phẩm làng nghề liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Qua trải nghiệm tại một số làng nghề thủ công truyền thống, tôi thấy rất ấn tượng và mong địa phương tiếp tục có những hình thức khai thác loại hình du lịch văn hóa này để hấp dẫn khách du lịch đến Cao Bằng hơn nữa.
Cùng với những chính sách về hỗ trợ phát triển làng nghề và nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu một số giải pháp phát triển các ngành nghề truyền thống liên quan đến trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số như: phát triển nghề, ngành nghề truyền thống gắn với các hoạt động về văn hóa và du lịch cộng đồng; khuyến khích đưa các sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống quảng bá, bán tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch trọng điểm Pác Bó, thác Bản Giốc…, nơi thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan; trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, tại các gian hàng hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, khuyến khích các chủ thể tham gia bán hàng mặc trang phục truyền thống.
Việc phát huy giá trị các làng nghề liên quan đến trang phục dân tộc gắn với phát triển du lịch đã và đang được tỉnh quan tâm, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Các nghề, làng nghề truyền thống hoạt động quy mô nhỏ lẻ, chưa đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm đơn điệu, chưa quan tâm xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch. Thị trường các sản phẩm làng nghề truyền thống tốc độ tiêu thụ ít, người dân không coi đây là ngành nghề chính tạo ra thu nhập mà chỉ tranh thủ những lúc nông nhàn. Việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống với các công ty, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng tour du lịch làng nghề; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Theo đồng chí Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nghề thủ công truyền thống về trang phục dân tộc gắn với du lịch bền vững, trong đó, đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng, bản văn hóa dân tộc truyền thống gắn với phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số, giới thiệu và bán sản phẩm về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…, góp phần phát triển du lịch bền vững gắn với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.