Cao Bằng: Phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh
15/12/2022 | 08:20Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều danh lam thắng cảnh mang đậm nét hoang sơ, có giá trị du lịch cao. Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh huy động các nguồn lực tập trung xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn và tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Đến nay, ngành du lịch tỉnh đã có nhiều khởi sắc với lượng khách du lịch tăng lên nhanh chóng; chất lượng các dịch vụ, hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và cần nhiều giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh về du lịch của tỉnh.
Với mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du miền núi phía Bắc, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch là một trong những nội dung đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để khai thác tối đa lợi thế du lịch của tỉnh, từ đó nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng ở trong nước và thế giới. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như ngành du lịch, đến nay, du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc, phát triển về quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích, trong đó, 96 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia, 4 di sản phi vật thể quốc gia. Nổi bật nhất là Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Non nước Cao Bằng với 3 tuyến du lịch đặc sắc: Tuyến du lịch văn hóa, lịch sử về với cội nguồn cách mạng; tuyến du lịch sinh thái, tham quan cảnh quan, trải nghiệm văn hóa bản địa; tuyến du lịch văn hóa, lịch sử kết hợp du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Các tuyến du lịch liên tỉnh được phát triển theo các quốc lộ, trong tổng thể chung phát triển du lịch quốc gia và vùng. Với các trục giao thông quan trọng như tuyến Quốc lộ 3 Cao Bằng - Bắc Kạn - Hà Nội, Quốc lộ 4A Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội, Quốc lộ 34 Cao Bằng - Hà Giang.
Công tác quảng bá được chú trọng, hình ảnh về non nước Cao Bằng đã đến được với du khách trong nước và quốc tế, nhờ đó lượng khách du lịch đến Cao Bằng liên tục tăng nhanh. Theo thống kê, năm 2022 lượng khách du lịch của tỉnh ước đạt 1.043.100 triệu lượt, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước đạt 14.200 lượt, tăng 930,5% so với cùng kỳ năm 2021; khách nội địa ước đạt 1.028.900 lượt, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt 547,6 tỷ đồng, tăng 659,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với lượng khách tăng nhanh, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tăng tương ứng. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 299 cơ sở lưu trú gồm 88 khách sạn từ 1 - 3 sao (3.804 phòng và 6.327 giường), trong đó, có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 20 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 67 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao; còn lại là các nhà nghỉ, homestay đủ tiêu chuẩn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ phục vụ du lịch cũng trên đà phát triển, nhiều nhà hàng, trung tâm vui chơi, giải trí dần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của du khách, hệ thống sản phẩm du lịch ở tỉnh được quan tâm và từng bước đa dạng hóa với nhiều nhóm sản phẩm du lịch như: du lịch văn hóa lễ hội, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng... Trong đó, quần thể các điểm du lịch thuộc CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng là điểm nhấn của hành trình du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển mạnh và đang hình thành nhiều loại hình du lịch mới, đó là du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm. Năm 2022, tỉnh tổ chức khánh thành điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Khánh thành điểm ngắm cảnh đỉnh Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành; điểm tham quan vườn trúc xóm Bản Phường, xã Thành Công (Nguyên Bình); khánh thành Phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố). Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện tuyến thứ 4 của CVĐCTC Non nước Cao Bằng; khảo sát thực địa xây dựng lộ trình tuyến kết nối hai CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng. Cùng với đó, những mặt hàng nông sản gạo nếp Ong, miến dong, bún khô, đỗ xanh, đỗ đen, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, lạp sườn, thịt lợn hun khói; dược liệu hà thủ ô, chè dây, tinh dầu hồi, tinh dầu quế, cao xỏm đeng...; thổ cẩm và trang phục quần áo các dân tộc; hàng thủ công mỹ nghệ; đàn tính, khèn Mông... đang dần khôi phục và trở thành sản phẩm quà tặng lưu niệm tại các điểm du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Để du lịch Cao Bằng cất cánh vươn xa trong tương lai, thời gian tới, Sở tập trung huy động các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đột phá và tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để khai thác tối đa lợi thế chính của tỉnh. Phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào năm 2025; xây dựng sân bay sau năm 2030. Tạo điều kiện thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch của tỉnh theo hướng đồng bộ, đa chức năng. Lên kế hoạch cụ thể để khai thác và phát huy tối đa hiệu quả danh hiệu CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng và 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh lam thắng cảnh. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch; nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc; bổ sung chương trình đào tạo du lịch vào cơ sở đào tạo của tỉnh.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với các giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng, tin rằng trong tương lai không xa, ngành du lịch của tỉnh sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, nút thắt, đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.