Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Phát huy tiềm năng, lợi thế đưa du lịch phát triển bền vững

28/09/2018 | 10:22

Cao Bằng - miền đất địa đầu Tổ quốc, nằm ở vùng Đông Bắc có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại; có bề dày về lịch sử văn hóa, là vùng đất có nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sở hữu điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững.

Hiện toàn tỉnh có 215 di tích, trong đó có 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 27 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch biên giới 1950, huyện Thạch An... Các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như: Thành nhà Mạc, thành Na Lữ, đền Vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm... Tạo hóa thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách: Thác Bản Giốc nằm trên sông biên giới hai nước Việt - Trung thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh; động Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh; Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình; hồ Thang Hen, huyện Trà Lĩnh...


Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ, dân gian truyền thống được nghiên cứu sưu tầm khôi phục và phát huy giá trị, như: Hát then, hát sli, hát lượn; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Pháo hoa, Lễ hội Nàng Hai, lễ hội Lồng tồng, hội Thanh Minh; Lễ cấp sắc, phong tục của một số dân tộc thiểu số: Dao, Sán Chỉ, Lô Lô...  Về phong tục tập quán, tín ngưỡng, mỗi dân tộc đều có nếp sinh hoạt riêng cùng với các quy định nghi lễ của vòng đời con người từ khi sinh ra cho đến khi khuất núi. Các ngày lễ, tết hằng năm phong phú, đa dạng, gần như tháng nào cũng có. Cao Bằng cũng là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, phong phú, nổi bật nhất là các loại hình lễ hội đền, chùa, lễ hội về nông nghiệp, lễ hội mừng công, lễ hội mang tính giáo lý nhân văn. Thời gian tổ chức các lễ hội tập trung vào tháng 1 - 4 hằng năm, như: Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên, Lễ hội Đền Kỳ Sầm, Lễ hội Chùa Đống Lân, Lễ hội Nàng Hai ở Thạch An... Nền văn hóa ẩm thực phong phú với nhiều món ăn ngon đặc sản bổ dưỡng, như: thạch đen, bánh cuốn, lạp sườn, bánh trứng kiến... Các nghề thủ công truyền thống như: Rèn nông cụ, chạm khắc bạc, đan lát, dệt thổ cẩm, vải chàm, làm hương, ngói máng...

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của du lịch, nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác cùng phát triển, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập xã hội. Đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường.

Thực hiện Chương trình phát triển du lịch của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để phát huy giá trị, tiềm năng du lịch, tạo đà cho du lịch Cao Bằng chuyển biến tích cực. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư khang trang, thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Các khu, điểm du lịch trọng điểm được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 227 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng, trong đó, 14 cơ sở đạt 2 sao, 60 cơ sở 1 sao, 6 homestay, 142 nhà nghỉ với 2.893 phòng, 4.711 giường. Nhân lực du lịch có 1.386 người, 24 hướng dẫn viên du lịch (9 quốc tế, 15 nội địa). Các đề án, dự án cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ liên quan được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ cho du lịch.

Đặc biệt, qua nghiên cứu, mô hình công viên địa chất (CVĐC) là mô hình vừa phát triển KT - XH bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2015, tỉnh đã làm việc với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và thống nhất chủ trương thành lập CVĐC Non nước Cao Bằng. Ngày 12/4/2018, tại Khóa họp lần thứ 204 ở Paris (Pháp), Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác ba tuyến du lịch địa chất trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng theo sự tư vấn UNESCO, gồm: Tuyến du lịch phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến Cụm du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An, Hà Quảng); Tuyến du lịch cụm phía Đông - “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang), với tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh. 

Với sự đầu tư, quan tâm của tỉnh về du lịch, hằng năm, Cao Bằng thu hút gần một triệu lượt khách du lịch, riêng 6 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Cao Bằng đạt 570.500 lượt người, trong đó, khách quốc tế 47.630 lượt người, khách nội địa 522.870 lượt người; tốc độ tăng trưởng 43,2% so với cùng kỳ, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ một số khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, đó là sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, hoạt động thông tin xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế. Những thông tin về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo và đa dạng... chưa được nghiên cứu, khai thác và giới thiệu nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng xây dựng tự phát, quy mô nhỏ và chưa theo định hướng quy hoạch cụ thể; lực lượng tham gia dịch vụ du lịch phần lớn chưa qua đào tạo; các hoạt động phụ trợ phục vụ du lịch như: quầy hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng phục vụ còn thấp, chưa thu hút du khách lưu lại nhiều ngày...

Để du lịch Cao Bằng phát triển bền vững, hiện nay, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Định hướng phát triển du lịch văn hóa, thiết kế các tour du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch Trekking (phượt hay khám phá), du lịch về nguồn…; kết hợp phát triển hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa di tích và danh lam thắng cảnh sẽ làm cho du lịch Cao Bằng không bị nhàm chán, sản phẩm du lịch không lặp lại. Bên cạnh đó, tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ nhằm xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trở thành điểm du lịch cấp Quốc gia, Khu du lịch Thác Bản Giốc trở thành khu du lịch cấp Quốc gia. Đồng thời, xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, thu hút nhiều du khách, là cầu nối quan trọng gắn kết với các khu, điểm du lịch cấp Quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam, thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống… Đây chính là “chìa khoá” để du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra./.       

Theo baocaobang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×