Cao Bằng: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội
18/03/2024 | 10:56Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất cả nước (chiếm 95%), vì vậy, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang được các ngành, địa phương quan tâm, nhất là trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen (Quảng Hòa) Đàm Đình Đạo cho biết: Với tiềm năng, lợi thế của địa phương về cảnh quan thiên nhiên, phong tục, tập quán, đặc trưng trong văn hóa của dân tộc Nùng An, còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa, có dấu ấn nổi trội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững KT - XH địa phương. Các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển, đồng thời tạo điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng; bản sắc văn hóa đặc trưng (tiếng nói, trang phục, phong tục) vẫn được đồng bào duy trì thường xuyên; các tri thức, kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp, trồng và bảo vệ rừng được phát huy hiệu quả. Nhiều gia đình có tư duy đổi mới, chủ động, mạnh dạn đầu tư trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Mặt khác, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế được giới thiệu, quảng bá tại các điểm du lịch cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần từng bước đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa; giúp quảng bá hình ảnh quê hương Cao Bằng.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi DTTS đều có lịch sử văn hóa truyền thống mang màu sắc riêng. Những nét giá trị văn hóa ấy được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng các dân tộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện rõ nét trong mỗi phong tục, tập quán của từng vùng đồng bào DTTS, hàm chứa những giá trị nhất định. Đó là tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; sự tinh tế trong ứng xử; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động... Trong thực tế, nhiều tri thức dân gian, kỹ thuật truyền thống có ý nghĩa đã góp phần mang lại hiệu quả cao về KT - XH, môi trường trong đời sống cộng đồng của đồng bào DTTS. Qua sàng lọc, các địa phương lựa chọn những nội dung, phương thức phù hợp với văn hóa và phong tục, tập quán của các DTTS. Những tri thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực về nông nghiệp; chăm sóc sức khỏe con người bằng các bài thuốc truyền thống; về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên; giáo dục… có tác dụng nhất định trong giảm nghèo và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc Dao Tiền, Dao Đỏ, tỉnh đang triển khai các bước xây dựng vùng trồng cây dược liệu tại huyện Nguyên Bình; từ truyền thống chăn nuôi bò của dân tộc Mông, các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm đẩy mạnh phát triển đàn bò theo hướng tập trung. Nhiều địa phương đề cao vai trò của người có uy tín, tính cộng đồng, tính nhân văn, những quan hệ bền chặt trong gia đình, dòng họ của đồng bào các DTTS; gắn kết bảo tồn văn hóa các DTTS với phát triển du lịch, thể hiện qua việc xây dựng các làng du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), Điểm du lịch cộng đồng của người Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình), làng du lịch cộng đồng mang bản sắc dân tộc Nùng An Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); làng du lịch cộng đồng mang bản sắc dân tộc Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới, có tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tồn tại dưới dạng thông tin được lưu truyền qua các thế hệ chủ yếu theo phương thức truyền miệng hoặc theo kinh nghiệm mang tính chất cá nhân, do vậy, nhiều kinh nghiệm, tri thức văn hóa dân gian có nguy cơ bị mai một, thất truyền theo thời gian. Đặc biệt, sự giao thoa văn hóa đang diễn ra ngày càng sâu sắc trên các phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc ít sử dụng ngôn ngữ của dân tộc đang diễn ra ở hầu hết cộng đồng DTTS, đặc biệt là lớp trẻ. Sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ do thiếu định hướng và thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành văn hóa cũng là một trong các yếu tố làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi hướng đến khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Theo Ban Dân tộc tỉnh, để kết hợp giá trị văn hóa truyền thống trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biển, tuyên truyền về kho tàng văn hóa truyền thống của các DTTS. Đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” và các lễ hội của đồng bào các DTTS để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc phát huy vai trò của giá trị văn hóa truyền thống trong triển khai, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát thống kê vốn giá trị văn hóa truyền thống từng dân tộc, từng địa phương, đánh giá hiệu quả và tính bền vững; kết hợp sử dụng giá trị văn hóa truyền thống một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương và của từng dân tộc. Tuyên truyền, biểu dương, có chính sách động viên, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.