Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực

19/07/2025 | 10:14

Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thuộc Ban Chỉ đạo các nội dung đột phá tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo số 2223/BC-TBDLDV về tổng kết thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá tỉnh thành lập Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Sở VHTTDL là cơ quan Thường trực, trực tiếp tham mưu cho Tiểu ban và Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung đột phá về Du lịch - Dịch vụ bền vững đảm bảo kế hoạch.

Cao Bằng: Đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh 1.

Du khách tham gia trải nghiệm vẽ trên giấy bản Dìa Trên (Ảnh: Cổng Du lịch Cao Bằng)

Cụ thể, mục tiêu về lượt khách du lịch, mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Cao Bằng đón hơn 1,4 triệu  lượt khách du lịch (đạt 56,3% kế hoạch năm), trong đó khách du lịch nội địa đạt hơn 1,3 triệu lượt (đạt 58,9% kế hoạch năm). Ước tổng lượt khách du lịch năm 2025 khoảng 2,5 triệu lượt (đạt 83,33% chỉ tiêu), trong đó khách du lịch nội địa đạt trên 2,3 triệu lượt (đạt 85,2 chỉ tiêu). 

Như vậy, mục tiêu về lượt khách du lịch dự kiến chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân được báo cáo chỉ ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến đầu năm 2022 và việc Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch của tỉnh. 

Sau khi du lịch mở cửa trở lại, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách để thúc đẩy quá trình phục hồi du lịch. Tuy nhiên, tháng 9/2024, du lịch tỉnh Cao bằng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 - siêu bão Yagi (tháng 9/2024), gây thiệt hại tại nhiều khu, điểm du lịch và gây ra tâm lý e ngại của du khách về các rủi ro thiên tai khi du lịch khu vực miền núi.

Tính đến tháng 6 năm 2025, tổng thu du lịch đạt 1.436 tỷ đồng (đạt 70,8% kế hoạch năm); thu nhập xã hội từ du lịch đạt 3.159,2 tỷ đồng. Ước tổng doanh thu du lịch năm 2025 đạt 2.600 tỷ đồng (đạt 185,7% chỉ tiêu); thu nhập xã hội từ du lịch đạt 5.720 tỷ đồng (đạt 190,67% chỉ tiêu). Tỷ trọng du lịch đến năm 2025 ước đạt trên 5% (đạt 100% chỉ tiêu).

Như vậy, mục tiêu về tổng thu du lịch đạt trên 1.400 tỷ. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ. Tỉ trọng du lịch đến năm 2025 chiếm 5 - 6% dự kiến đạt chỉ tiêu đề ra.

Với mục tiêu về phát triển khu, điểm du lịch, khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đã được vận hành chính thức từ ngày 15/10/2024 (sau hơn một năm vận hành thí điểm từ ngày 15/9/2023). Đây là một điểm sáng, mô hình chưa có tiền lệ trong hợp tác kinh tế qua biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, hướng đến xây dựng mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh.

Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng tăng cường, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã có dịch vụ ngâm chân bằng bài thuốc cổ truyền tại điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Thành Công (đạt 100%).

Trong giai đoạn 2021-2025, công tác thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trên các mặt gồm: quy hoạch, đầu tư, phát triển cơ sở vật chất hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; khai thác, phát huy giá trị CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch... tiếp tục được đẩy mạnh và mang về nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cao Bằng: Đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh 3.

Sản phẩm giấy bản Dìa Trên được giới thiệu tại Hội nghị triển khai công tác Du lịch và CVĐC Non nước Cao Bằng năm 2025 (Ảnh: Cổng Du lịch Cao Bằng)

Về tổng quan, nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững được Tỉnh ủy, HĐND, UBND được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã chủ động cụ thể hóa nhiệm vụ tại Kế hoạch số 11-KH/BCĐ thành kế hoạch của cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, khối lượng công việc đề ra. Nhận thức về phát triển du lịch của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác quy hoạch, đầu tư du lịch được coi trọng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh đẩy mạnh khuyến khích đầu tư các dự án thuộc danh mục kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn 2022-202529, trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ. 

Nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu thị trường. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng. 

Ngành du lịch Cao Bằng đang từng bước chuyển mình trong việc chuyển đổi số du lịch, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, kinh doanh và truyền thông quảng bá. Đặc biệt, công tác xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hình ảnh CVĐC được lan toả mạnh mẽ trong và ngoài nước. 

Công tác đảm bảo môi trường du lịch được thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nguồn nhân lực du lịch từng bước được bổ sung, hoàn thiện, chất lượng dần được nâng cao.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, Ban Chỉ đạo các nội dung đột phá tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; ưu tiên phát triển du lịch và một số ngành dịch vụ thiết yếu mà Tỉnh có thế mạnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dịch vụ chất lượng cao và một số khu, điểm du lịch cao cấp; phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh của Cao Bằng như: du lịch tham quan di tích văn hóa - lịch sử, du lịch địa chất, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi,...; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, về lượt khách du lịch, phấn đấu năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 300 ngàn lượt, khách nội địa đạt 3,7 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng khách giai đoạn 2025 - 2030, đạt 12%/năm. Tổng thu du lịch phấn đấu năm 2030 đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP đạt khoảng 10%.

Nhu cầu buồng lưu trú đạt khoảng 5.600 buồng, công suất buồng trung bình đạt 52%; phấn đấu đạt số lượng phòng khách sạn tiêu chuẩn 3 - 4 sao chiếm tỷ lệ 10% năm 2030. 

Phát triển nhân lực du lịch đặt mục tiêu đến năm 2030, tạo được 22.500 việc làm, trong đó có khoảng 7.500 lao động trực tiếp. 

Phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia theo Luật du lịch năm 2017 và trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. 

Phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch: các nhà hàng, cơ sở bán hàng lưu niệm từ sản vật địa phương, công trình vui chơi giải trí, công trình phục vụ hội nghị - hội thảo và triển lãm…

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×