Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cao Bằng: Du lịch tăng tốc, hướng đến bền vững và bản sắc

11/07/2025 | 16:48

6 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng với doanh thu tăng 95,8% so với cùng kỳ năm 2024, khách quốc tế phục hồi mạnh, nhiều tiềm năng mới được khai thác hiệu quả. Vùng đất địa đầu Tổ quốc Cao Bằng, nơi hội tụ những giá trị địa chất, lịch sử và văn hóa đặc sắc đang dần khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Du khách tăng vọt - dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 6 tháng năm 2025, toàn tỉnh đón hơn 1.520.000 lượt khách du lịch, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 60,8% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế gần 58.000 lượt, tăng ngoạn mục 176,8% so với cùng kỳ, đạt 28,9% kế hoạch; khách nội địa chiếm áp đảo với 1.462.141 lượt, tăng 44,3% so với cùng kỳ, đạt 63,5% kế hoạch.

Cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của ngành, tổng doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 1.543 tỷ đồng, tăng 95,8% so với cùng kỳ, đạt 77,1% kế hoạch. Công suất sử dụng phòng nghỉ đạt bình quân khoảng 55%, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch trọng điểm và dịp cuối tuần, công suất có lúc đạt tới trên 80%. Đây là những con số rất tích cực, phản ánh hiệu quả từ các chính sách phục hồi và phát triển du lịch cũng như quá trình nỗ lực đổi mới, đầu tư hạ tầng cơ sở và quảng bá du lịch bài bản của tỉnh trong những năm gần đây. Đồng thời, khẳng định sức hút ngày càng lớn của Cao Bằng đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tài nguyên du lịch đặc sắc, khác biệt và nguyên sơ

Không giống nhiều địa phương có biển hay trung tâm đô thị sôi động, Cao Bằng ghi dấu bằng vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng và nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số. Những khu, điểm du lịch tiêu biểu tiếp tục là điểm đến yêu thích của du khách như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, là nơi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu về nước lãnh đạo cách mạng, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, cán bộ về nguồn và khách quốc tế quan tâm đến lịch sử Việt Nam. Khu du lịch thác Bản Giốc - biểu tượng du lịch của tỉnh, nằm trên đường biên giới Việt - Trung, được xem là một trong những thác nước đẹp nhất Đông Nam Á, đặc biệt hút khách vào mùa nước đổ và mùa lễ hội tháng 10. Các tuyến du lịch trải nghiệm trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, trải rộng trên diện tích hơn 3.000 km², với hệ thống núi đá vôi cổ, hang động, thác nước, sông hồ và di chỉ khảo cổ hàng trăm triệu năm.

Cao Bằng: Du lịch tăng tốc, hướng đến bền vững và bản sắc - Ảnh 1.

Du lịch Cao Bằng thu hút du khách bởi sự nguyên sơ và nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc thiểu số

Ngoài ra, các điểm đến như: hồ Thang Hen, hang Pác Bó, làng đá Khuổi Ky, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, các làng nghề truyền thống của dân tộc Tày, Nùng… đang được đầu tư bài bản, cải thiện chất lượng dịch vụ và hạ tầng đón khách, đóng góp không nhỏ trong việc lập bản đồ du lịch đồng bộ và sinh động.

Cao Bằng là nơi sinh sống của hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Tày, Nùng, Mông, Dao… Mỗi cộng đồng mang trong mình một kho tàng văn hóa phong phú, từ lễ hội truyền thống, ẩm thực bản địa đến làng nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Những làn điệu hát Then, đàn tính, sli lượn ngân vang khắp núi rừng; những bộ trang phục dân tộc thổ cẩm được dệt thủ công bằng nguyên liệu tự nhiên, hoa văn biểu tượng cho núi, rừng, mang đậm dấu ấn văn hóa và thể hiện sự khéo léo của đồng bào dân tộc thiểu số; ẩm thực bản địa phong phú, đặc sắc như: xôi trám, bánh khẩu sli, vịt quay 7 vị, bánh cuốn, lạp sườn hun khói, hạt dẻ, rượu ngô... Đây chính là “chất liệu sống” để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, những xu hướng đang ngày càng được du khách trẻ và khách quốc tế ưa chuộng.

Hướng tới du lịch xanh - bản sắc - bền vững

Trong bối cảnh du lịch đang phải cạnh tranh gay gắt, tỉnh xác định rõ định hướng không chạy theo số lượng mà phát triển chất lượng, gắn với bảo tồn tài nguyên, giữ gìn văn hóa bản địa và phát triển bền vững. Tỉnh đã và đang xây dựng các bộ tiêu chí phát triển du lịch xanh - an toàn - thân thiện, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là cho cộng đồng địa phương trực tiếp làm du lịch tại các xã vùng cao.

Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch nội địa đạt 2,3 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Đây là những con số hoàn toàn khả thi nếu giữ được đà tăng trưởng hiện nay. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Phát triển sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thúc đẩy các tour trải nghiệm địa chất, du lịch trekking, du lịch giáo dục cho học sinh, sinh viên. Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng. Hiện nay, tỉnh đẩy nhanh tiến độ Dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), kỳ vọng khai thông tuyến đường huyết mạch đưa khách quốc tế từ biên giới Trung Quốc về trung tâm tỉnh và các điểm du lịch chỉ trong vài giờ.

Hỗ trợ cộng đồng xây dựng các mô hình homestay đạt chuẩn. Đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, các nền tảng đặt phòng trực tuyến, bản đồ số du lịch, kết nối hệ thống dữ liệu với các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết vùng với các tỉnh khác để hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm, sinh thái, di sản xuyên tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch để lan tỏa hình ảnh non nước Cao Bằng đến rộng rãi hơn với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo báo Cao Bằng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×