Cao Bằng: Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc
08/01/2024 | 15:36Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và là ngôi nhà chung của 95% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh tổ chức có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trong những năm gần đây, tại các thôn, xóm, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh mẽ với những đội văn nghệ, hát dân ca được thành lập và hoạt động hiệu quả. Từ các phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở đã phát hiện ra nhiều nghệ nhân am tường nhiều loại nhạc cụ truyền thống, thuộc các làn điệu dân ca, hết mình với nghệ thuật, với văn hóa truyền thống và không ít các nghệ nhân ấy đã được nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân...
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Văn Thức, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) chia sẻ: Các giá trị văn hóa như hát Then, đàn tính, những điệu Then cổ, lượn nàng ới… là hồn cốt của dân tộc Tày, Nùng. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, của cộng đồng. Đam mê với các giá trị văn hóa truyền thống, ngoài thường xuyên luyện tập các làn điệu Then cổ, tôi còn truyền dạy cho mọi người trong xã để tiếp tục giữ gìn, truyền lại cho đời sau.
Nghệ nhân Ưu tú Bế Sơn Trung, xóm Bản Co, xã Bế Văn Đàn (Quảng Hòa) cho biết: Tôi sinh ra trong một gia đình có 8 đời làm pựt (Then). Vì vậy, ngay từ nhỏ tôi đã thuộc các làn điệu then cổ của dân tộc mình. Sau này khi lớn lên tôi vẫn theo đuổi đam mê của mình bằng cách thường xuyên tập luyện hát Then, đàn tính; nghiên cứu, sưu tầm, tự biên tự diễn các làn điệu Then. Có một thời gian, dân ca dân tộc gần như bị quên lãng, nhưng tôi vẫn không từ bỏ. Tôi may mắn có hơn 30 cuốn sách chữ Nôm - Tày, ghi các nghi lễ Then và các làn điệu Then cổ nên tôi thường xuyên học, nghiên cứu. Với tôi, mỗi lần tiếng Then, đàn tính cất lên như được về với cội nguồn, như thấy được tiếng lòng, ước vọng cao đẹp của người dân nơi đây.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc được kiểm kê và tư liệu hóa, 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể, bao gồm các bảo vật quốc gia và các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng các cấp, trong đó có 2 bảo vật quốc gia, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Thị Trang cho biết: Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Cao Bằng là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch”; “Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030”. Tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp trong quy ước, hương ước các DTTS tỉnh Cao Bằng”; Hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc, Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2023; tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trang trí hoa văn và kỹ thuật in hoa văn sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa (Hòa An); tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Ngành thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, như: đầu tư xây dựng 28 nhà văn hóa xóm, 14 điểm đến du lịch tiêu biểu, hỗ trợ đầu tư bảo tồn 2 làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 3 di tích; đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi, 1 điểm du lịch làng nghề; đầu tư bảo tồn 2 làng văn hóa...
Trong năm 2023, có 3 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã: Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm (Bảo Lâm); tri thức dân gian nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh (Nguyên Bình); nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Tày xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng). Hiện tiếp tục hoàn thiện 7 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm trùng tu, tôn tạo; công tác bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Đẩy mạnh việc sưu tầm hiện vật bổ sung kho cơ sở, đã sưu tầm được 201 hiện vật, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Xếp hạng 4 di tích, bao gồm: 1 di tích quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh.
Di sản văn hóa của các dân tộc Cao Bằng là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là hồn cốt của nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là tài nguyên, là nguồn lực để phát triển du lịch. Việc triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển và con người Cao Bằng đến du khách trong và ngoài nước; tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.