Cần nhiều tác phẩm sân khấu lan tỏa giá trị văn hóa, con người Hà Nội
05/10/2022 | 07:51Trong những ngày diễn ra Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V, các suất diễn đều chật kín khán giả. Khán giả Thủ đô vẫn luôn dành tình yêu cho sân khấu, vẫn dành những tràng pháo tay khích lệ các nghệ sĩ mỗi khi màn nhung khép lại. Tuy nhiên, sân khấu Thủ đô vẫn cần những yếu tố để khẳng định vị thế.
Nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao
Liên hoan sân khấu Thủ đô có sự tham gia của 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ đã khái quát hiện thực đời sống xã hội, ca ngợi những tấm gương chiến đấu, hy sinh gian khổ để giành lại độc lập tự do của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh những chuyển biến lớn lao, mạnh mẽ của đời sống hôm nay tạo nên sức cuốn hút đối với khán giả Hà Nội.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V cho biết: Ban tổ chức Liên hoan đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, các thành phần sáng tạo và đội ngũ diễn viên, nhạc công; làm rõ hơn các chức năng: nhận thức - giáo dục - dự báo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến với người xem.
Liên hoan đã trao HCV cho 3 vở diễn xuất sắc gồm: Mưa đỏ của Nhà hát Kịch nói Quân đội, Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội và Trung Trinh liệt nữ của Nhà hát Chèo Hà Nội. 4 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc. Trong đó, riêng vở Mưa đỏ của Nhà hát Kịch nói Quân đội mang về 3 giải cá nhân xuất sắc gồm: Nhà văn Chu Lai – giải Tác giả xuất sắc, NSND Lê Hùng giải Đạo diễn xuất sắc, họa sĩ Đặng Minh Tuấn giành giải Họa sĩ xuất sắc. Nghệ sĩ Hoài Anh giành giải Biên đạo múa xuất sắc (vở Trung trinh liệt nữ).
Ngoài ra BTC còn trao 4 HCB cho vở diễn xuất sắc, 4 giải Nhạc công xuất sắc. Giải thưởng cho diễn viên gồm: 26 HCV, 33 HCB, Bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất. Đặc biệt, NSND Thoại Miêu đã gửi thư tới Ban chỉ đạo đề nghị không nhận huy chương mặc dù vai diễn mà bà thể hiện được đánh giá cao.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo ghi nhận nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Vì thế, Hội đồng giám khảo thống nhất cao đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt quy định của quy chế chấm thi.
"Những vở diễn này thực sự làm thăng hoa về nhận thức thẩm mỹ đối với khán giả. Giá trị tác phẩm làm cho người xem trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi để tự điều chỉnh mình, làm sao sống tốt hơn, có ích hơn giữa cuộc sống đang chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường", nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh.
Cần thêm những tác phẩm về Hà Nội
Liên hoan lần này tiếp tục bộc lộ sự thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về người Hà Nội thời hiện đại. Không phải chỉ tới liên hoan lần này, vấn đề thiếu vắng tác phẩm sân khấu về đề tài Hà Nội được nhắc đến, mà trước đó vấn đề này đã được nhắc tới nhiều. Lâu nay, sân khấu Thủ đô có không ít tác phẩm về đề tài hiện đại, về hình tượng con người mới nhưng so với nhu cầu thì còn có một khoảng cách khá xa cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm chưa mang tinh thần, hơi thở của thời đại.
Liên hoan sân khấu Thủ đô không chỉ là nơi để các nghệ sĩ so tài, mà còn là nơi để họ thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo về một đề tài đặc biệt quen thuộc, đặc biệt hấp dẫn nhưng cũng đặc biệt khó, đó là Hà Nội. Tuy nhiên, tại liên hoan lần này, các tác phẩm đề tài Hà Nội lại rất ít. Chỉ có một số vở diễn như: Bất tử với Thăng Long (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Hà Nội thành phố của những giấc mơ (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội), Huyền tích Chùa Một Cột (Sân khấu Lệ Ngọc)… Nhưng phần lớn là các vở diễn hướng đến đề tài lịch sử, rất ít tác phẩm khai thác đề tài hiện đại. Đây là một thực tế đáng tiếc.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng hết sức trăn trở về vấn đề này. Theo NSND Trung Hiếu, để tìm kiếm kịch bản về Hà Nội đương đại là điều vô cùng khó khăn đối với các đơn vị sân khấu hiện nay. Những năm trở lại đây, kịch bản cho sân khấu ngày càng hiếm hoi. Ngay cả khâu bồi dưỡng, đào tạo tác giả cho sân khấu ở các trường nghệ thuật cũng gặp khó khăn.
"Có kịch bản về Hà Nội nhưng chưa hay, chưa đạt tiêu chí để chọn. Mỗi năm, Nhà hát đầu tư dựng từ 3 đến 5 vở, trong đó, đề tài Hà Nội là luôn được ưu tiên. Để đáp ứng yêu cầu về kịch bản, đơn vị phải tính toán tự xoay xở tìm ý tưởng, tìm cách đặt hàng và động viên nội bộ của đơn vị viết" – NSND Trung Hiếu cho biết.
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng đặt câu hỏi: "Phải chăng các tác giả đang bế tắc, chưa lý giải được mâu thuẫn, xung đột của đời sống hiện đại để xây dựng nên những câu chuyện kịch, những nhân vật điển hình, lấp lánh, toát lên vẻ đẹp lịch lãm của người Hà Nội"…?
Rõ ràng, trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa, lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa Thủ đô càng cần những tác phẩm văn học nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất, con người Tràng An hôm nay. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, mà còn là đòi hỏi tự thân của sân khấu Hà Nội, để xứng tầm với vị thế của Thủ đô. Có như vậy, cùng với giá trị văn hóa của ngàn năm văn hiến được gìn giữ, trao truyền thì những giá trị văn hóa hiện đại cũng được tiếp tục bồi đắp và phát huy./.