Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cận cảnh 9 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

07/03/2024 | 16:19

Hiện Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang lưu giữ 9 bảo vật quốc gia và đây là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước khi tới Đà Nẵng tham quan du lịch.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tọa lạc tại số 02 đường 2-9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Bảo tàng được người Pháp xây dựng từ năm 1915, mở cửa cho khách tham quan vào năm 1919 và là bảo tàng điêu khắc lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 3.

Bảo tàng chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Champa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, bảo tàng đang lưu giữ 09 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 4.

1. Tượng thần Shiva, chất liệu sa thạch, xuất xứ tháp Mỹ Sơn C1 (Quảng Nam), niên đại thế kỷ VIII. Tượng được tìm thấy trong tháp Mỹ Sơn C1 năm 1903 trong tình trạng không nguyên vẹn. Đầu và đôi cẳng chân từ đầu gối trở xuống bị gãy nay được gắn lại bằng xi măng. Đây là tác phẩm có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 5.

Theo Henri Parmentier đây là hình ảnh khất thực của thần Siva do ông căn cứ vào hình dáng, trang phục và đặc biệt là hai cánh tay đưa ra phía trước của bức tượng (nay đã bị gãy mất). Tuy nhiên, người Chăm có tục thờ Thần – Vua, có khả năng đây là chân dung Thần – Vua xuất hiện cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9, là loại tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chăm. Khi nào tế lễ người ta mới đeo đồ trang sức vào cho tượng thần, đồ trang sức thường là khuyên tai, vòng cổ và vòng tay (tác phẩm là hiện vật duy nhất hiện nay tìm thấy mà tai tượng được đục lỗ).

Cận cảnh 9 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 5.

Vào đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Pháp đã tìm thấy bộ đồ trang sức của tượng thần ở trong tháp Mỹ Sơn C7, gần bên tháp C1 – nơi đặt bức tượng. Bộ trang sức bằng kim loại màu vàng này cân nặng 1,5 kg. Có khả năng đây chính là bộ trang sức được sử dụng để trang điểm cho tượng thần khi tế lễ. Hiện nay ở khu di tích Mỹ Sơn cũng trưng bày một tác phẩm điêu khắc cùng thể loại.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 7.

2. Đài thờ Trà Kiệu, chất liệu sa thạch, xuất xứ Trà Kiệu (Quảng Nam), niên đại thế kỷ VII – VIII. Đối với người Chăm, đài thờ là nơi nối liền thần linh và đền tháp, nối trời và đất. Đài thờ được đặt ở trung tâm ngôi tháp chính, bên trên đài thờ thường đặt Linga - Yoni hoặc tượng thờ liên quan đến vị thần được dâng cúng ngôi tháp. Mỗi đài thờ thể hiện một phong cách, ý nghĩa khác nhau. Đài thờ Trà Kiệu được đưa về bảo tàng năm 1901.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 8.

Đài thờ Trà Kiệu được đánh giá là một trong những kiệt tác điêu khắc. Ngay sau khi được phát hiện, đài thờ Trà Kiệu đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm đến giải mã nội dung câu chuyện của các nhân vật quanh đài thờ và đoán định niên đại của nó.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 9.

3. Đài thờ Mỹ Sơn E1, chất liệu sa thạch, xuất xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam), niên đại thế kỷ VII - VIII. Đài thờ gồm 16 khối đá (hiện nay chỉ còn 14 khối, 2 khối đã bị mất từ sau khi khai quật). Bên trên đài thờ có thể từng có một cặp Linga – Yoni bằng sa thạch nhưng nay không còn. Đây là đài thờ duy nhất được tìm thấy hiện nay mô phỏng các chi tiết trang trí kiến trúc của một ngôi tháp như: các bậc cấp, vòm cửa, trụ cửa, động vật, hoa lá. Đặc biệt hình ảnh các tu sĩ Ấn giáo đang tu luyện trong rừng, sống hòa mình cùng thiên nhiên và muôn thú. Phía trước bậc tam cấp được trang trí hình ảnh sáu vũ công đang trình diễn điệu múa dâng khăn lên thần linh. Theo thần thoại Ấn Độ, núi Meru là nơi ở của các vị thần linh và Siva là vị thần chủ ngự trị trên đỉnh núi. Đài thờ Mỹ Sơn E1 chính là hình ảnh của ngọn núi Meru và Linga-Yoni được thờ cúng bên trên đài thờ là biểu tượng của thần Siva.

Cận cảnh 9 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 9.

Đường viền quanh đài thờ Mỹ Sơn trang trí hình thoi xen lẫn giữa những đóa hoa bốn cánh. Kiểu trang trí này cũng xuất hiện trên một số tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan vào thế kỷ VII – VIII.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 10.

4. Tượng thần Ganesha, chất liệu sa thạch, niên đại thế kỷ VII, xuất xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam). Tượng được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp khi tiến hành khảo cổ tại đền-tháp E5 thuộc nhóm E tại di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam. Sau đó, tượng được đưa về lưu giữ và giới thiệu tại Bảo tàng từ năm 1918. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha là vị thần may mắn, tri thức và văn học, là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha là một trong những vị thần cổ xưa nhất của các ngôi đền Hindu và cũng là một trong số những vị thần được yêu mến nhất với khả năng dẹp bỏ những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 11.

5. Apsara - chất liệu sa thạch, xuất xứ từ Trà Kiệu (Quảng Nam), niên đại thế kỷ X. Apsara là nàng tiên trong thần thoại Ấn Độ. Họ là những cô gái xinh đẹp, thanh tao, hát hay, múa dẻo, là vợ của nhạc công Gandharva và là tỳ nữ hầu hạ cho thần bão tố Indra. Apsarsa được sinh ra từ cuộc khuấy biển sữa của các thần và quỷ Asura để tìm ra loại nước trường sinh bất tử. Một góc đài thờ hiện đang trưng bày được điêu khắc nổi hai vũ nữ Apsara cùng hai nhạc công Gandharva đang chơi đàn.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 12.

Các Apsara được thể hiện trong tư thế đang múa một vũ điệu mà hiện nay vẫn đang phổ biến trong nghệ thuật múa của Ấn Độ. Trang phục của các vũ nữ Apsara cũng rất đặc biệt, thoạt nhìn như chỉ đeo đồ trang sức nhưng kỳ thực người vũ nữ mặc một loại váy mỏng bó sát người, được nhận biết bằng chiếc nơ lớn thắt sau lưng. Chiếc váy được đính rất nhiều chuỗi hạt ngọc, đây là một trong những đặc trưng của phong cách Trà Kiệu. Bên ngoài chiếc váy là chiếc sampot được kết bằng những hạt ngọc tròn nhỏ quấn quanh thân dưới và một lớp khác quấn lơi giữa hai vế, cổ, tai và tay đeo rất nhiều đồ trang sức. Thân hình Apsara uốn cong mềm mại, khuôn mặt toát ra vẻ đẹp dịu dàng thuần khiết, đôi môi như chứa đựng nụ cười kín đáo. Bên cạnh vũ nữ là một nhạc công Gandharva đang chơi một loại nhạc cụ có hình dạng giống như đàn Vina.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 13.

6. Đản sinh Brahma, chất liệu sa thạch, xuất xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam), niên đại thế kỷ VII – VIII. Đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về bảo tàng năm 1935. Nội dung bức chạm là một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, truyền thuyết về sự hình thành vũ trụ của người Ấn Độ cổ xưa. Bức chạm minh họa thần Visnu nằm trên biển vũ trụ mênh mông đen tối, được nâng đỡ bởi rắn thần Shesha 7 đầu, tay phải thần đỡ dưới đầu, tay trái giữ chặt cuống sen mọc ra từ rốn, trên đài sen thần Brahma ra đời trong tư thế thiền định và sau đó thần Brahma sáng tạo ra thế giới. Phía chân thần Visnu là hình ảnh một vị đạo sĩ đang chúc phúc cho cuộc đản sinh.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 14.

Trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, ở vị trí này thường là hình ảnh của nữ thần Laksmi – vợ của Visnu. Hai đầu bức phù điêu là hai chim thần Garuda mình người chân chim, hình tượng Garuda này rất phổ biến trong nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan. Hiện phòng Quảng Ngãi cũng đang trưng bày một tác phẩm cùng chủ đề.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 15.

7. Tượng Gajasimha, chất liệu sa thạch, xuất xứ Tháp Mẫm (Bình Định), niên đại thế kỷ XII. Tượng được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1933-1934 do EFEO thực hiện. Sau đó, tượng được đưa về Bảo tàng từ năm 1935. Gajasimha (hay Voi – Sư tử) là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ với đầu voi và thân sư tử. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của một vị vua.

Cận cảnh 9 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 16.

Tượng mang những nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật của một trong những giai đoạn muộn nhất – đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật có uy tín xếp vào một phong cách riêng là phong cách Tháp Mẫm, khoảng thế kỷ XII – XIII, trong tiến trình phát triển của nền nghệ thuật điêu khắc Champa.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 16.

8. Đài thờ Đồng Dương, chất liệu sa thạch, xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam), niên đại cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X. Đây là đài thờ được tìm thấy tại khu tháp chính phía tây nơi được cho là thờ bồ tát Laksmindra Lokesvara – vị thần chủ của Phật viện.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 17.

Đài thờ Đồng Dương là một bằng chứng vật chất độc đáo minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IX – X. Đây là giai đoạn Phật giáo thịnh hành và phát triển nhất trong lịch sử phát triển của vương quốc và đánh dấu một giai đoạn phát triển riêng biệt so với các thời kỳ khác.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 18.

9. Tượng bồ tát Tara, chất liệu đồng, xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam), niên đại cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X. Năm 1978 người dân tại địa phương đã tình cờ tìm thấy một pho tượng nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc. Hai chi tiết này đã bị thất lạc khi tượng được phát hiện. Đến tháng 12/2023, sau thời gian lưu lạc, hai hiện vật đã được bàn giao lại cho Bảo tàng lưu giữ và bảo quản.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 19.

Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài. Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày... gợi đến phong cách Đồng Dương. Tóc của nữ thần được vấn lên thành búi cao có mang hình Phật A Di Đà. Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laksmindra Lokesvara được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương.

Cận cảnh bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - Ảnh 20.

Tên gọi Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau 5 năm tìm ra tác phẩm và cách gọi tên này vẫn còn gây nên ít nhiều sự băn khoăn, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu. Tác phẩm này là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất đã được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á.


Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×