Cân bằng, hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang
27/06/2012 | 16:30(VP) - Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại Hội nghị quán triệt triển khai Chỉ thị số 65 với các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, ca sỹ, người mẫu tại 2 địa bàn trọng điểm là Thủ đô Hà Nội ngày 01/6, thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/6 vừa qua.
Đây là đợt ra quân đồng bộ của ngành văn hoá, thể thao và du lịch từ việc ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai quán triệt từ Trung ương tới các địa phương, đến chuẩn bị thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện tại các địa phương trọng điểm...
Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn kết luận: để triển khai Chỉ thị số 65 cần tập trung theo hướng giải quyết cân bằng, hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, từ cơ quan quản lý các cấp, tới các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, công ty quản lý người mẫu, nghệ sỹ, ca sỹ, người mẫu, công chúng và giới truyền thông. Đó là việc nhận thức và triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang:
Thứ nhất, với các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ chỉ đạo các cơ quan cấp phép thẩm định kỹ hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty mới thành lập, mới xin phép hoạt động trên địa bàn, hoặc đã từng vi phạm. Không cấp phép, tiếp nhận các công ty tổ chức biểu diễn, các chương trình có ca sỹ, người mẫu đã vi phạm nghiêm trọng, tăng cường phúc khảo các công ty, ca sỹ, người mẫu đã vi phạm. Đề nghị Sở VHTTDL các tỉnh/thành thống kê các trường hợp vi phạm trong trong 3 năm gần đây gửi Thanh tra Bộ tổng hợp, đề xuất thành lập Đoàn kiểm tra tại các công ty có sai phạm hệ thống.
Trong tháng 7/2012, Bộ sẽ chỉ đạo thành lập 3 tổ công tác tới các địa phương trọng điểm. Các địa phương nghiên cứu thành lập Đội đặc nhiệm 65. Tiếp tục rà soát, tăng cường, hoàn thiện các quy định của pháp luật về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, Bộ phấn đấu hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định trước 30/6/2012 và sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2010/NĐ-CP theo hướng tăng chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm. Hàng năm, Bộ và các Sở VHTTDL sẽ tổ chức các cuộc phổ biến, quán triệt quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật đối với các công ty tổ chức biểu diễn, ca sỹ, người mẫu, đặc biệt chú trọng tới các đối tượng trẻ, hành nghề tự do, tăng cường đào tạo đội ngũ nghệ sỹ chuyên nghiệp.
Thứ hai, đối với các công ty tổ chức biểu diễn: Các cơ quan quản lý nhà nước phân định và có cách ứng xử rõ ràng giữa các công ty tổ chức, quản lý có uy tín và các công ty hay vi phạm, sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục hành chính và các điều kiện để tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang đúng quy định. Đồng thời các công ty này cần cân bằng giữa uy tín, chất lượng nghệ thuật và lợi nhuận, phải tự nâng cao nhận thức trách nhiệm pháp lý, xã hội khi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, phải nắm bắt, tuyên truyền, phổ biến cho các nghệ sỹ, ca sỹ, người mẫu tự giác chấp hành đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm khi diễn viên đơn vị mình quản lý vi phạm. Đảm bảo chất lượng chương trình nghệ thuật đã được cấp phép công diễn, trường hợp đặc biệt cần thay đổi, bổ sung tiết mục phải được sự đồng ý của cơ quan cấp phép hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi đơn vị đến lưu diễn.
Thứ ba, đối với các ca sỹ, người mẫu: Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác định và có cách ứng xử phù hợp giữa các các ca sỹ, người mẫu chuyên nghiệp không vi phạm được hỗ trợ đào tạo, tăng cường kiến thức chuyên môn, với các ca sỹ, người mẫu hay vi phạm, có biện pháp cảm hoá, tạo điều kiện để các ca sỹ, người mẫu vi phạm khắc phục và không tái phạm. Đồng thời các ca sỹ, người mẫu phải tự nâng cao nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của người nghệ sỹ, trau dồi chuyên môn, tự giác chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư, với công tác phối hợp truyền thông: Bộ VHTTDL chủ trương thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin vi phạm, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn làm đầu mối, đề nghị các Sở VHTTDL thiết lập đường dây nóng phù hợp với điều kiện của địa phương từ tháng 8/2012. Đề nghị các cơ quan cấp phép công bố nêu danh các tổ chức, cá nhân đã vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đề nghị các cơ quan truyền thông không giới thiệu các chương trình thiếu thẩm mỹ nghệ thuật, không đăng ảnh, phát sóng các trường hợp trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc biệt là các đài truyền hình, trang mạng.
Đây là một công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và kiên trì, cần có thời gian để ngấm sâu, thẩm thấu vào đời sống văn hoá, nghệ thuật, đồng thời với sự quyết liệt, kiên trì của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hợp tác, tự giác các tổ chức, cá nhân có liên quan. Qua bước đầu triển khai Chỉ thị 65 đã có một số kết quả ban đầu: nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 65, với sự tham gia tích cực của một số cơ quan truyền thông, nhìn chung, dư luận đánh giá cao và đặt sự tin tưởng vào các nội dung của Chỉ thị sẽ được thực hiện nghiêm túc. Đơn cử là tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 65 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/6 một số ca sỹ, người mẫu đã từng vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như Ca sỹ Thu Minh, người mẫu Thái Hà đã nhận rõ khuyết điểm, sai phạm xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm.
Thanh Sơn