Cấm sóng, cấm biểu diễn nghệ sĩ vi phạm pháp luật: Xây dựng môi trường nghệ thuật lành mạnh
29/12/2022 | 16:50Năm 2022, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính còn có hình thức xử phạt "bổ sung" như cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng. Quy trình xử lý sẽ có hiệu lực trong năm 2023.
Thêm một "barie" cho người làm nghệ thuật
Vừa qua, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chẳng hạn ca sĩ, diễn viên... Theo đó, những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng (hạn chế biểu diễn), cấm đăng tải thông tin trên mạng xã hội, xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình.
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), mức phạt hiện nay với nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng chưa đủ răn đe. Hiện chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo các mức từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng. Hình thức xử phạt này dù có tăng tiền phạt, cũng không đủ sức răn đe với người nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ, KOL (người ảnh hưởng trên mạng xã hội).
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD- Bộ VHTTDL) cho biết: Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và Cục NTBD đã có những buổi làm việc xung quanh vấn đề này.
Năm 2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật", nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội cũng như những người hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, theo NSƯT Trần Ly Ly, "Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật" nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời trong công tác xã hội, giữ niềm tin, uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Đối với hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng…
Song Quy tắc ứng xử mang tính định hướng để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật noi theo nhằm điều chỉnh hành vi. Thực tế vẫn tồn tại những đối tượng cố tình gây sự chú ý bằng scandal, mắc sai phạm có hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần gây bức xúc dư luận… nên cần phải có những hình thức mang tính răn đe mạnh hơn.
Hiện nay, hoạt động của các nghệ sĩ còn được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, vì vậy việc phối hợp để giữ một môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết.
Chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, tới xã hội. Vì vậy dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kỳ đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân, nghệ sĩ cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình và trên hết trách nhiệm của một công dân.
"Không chỉ có nghệ sĩ, diễn viên… mà bất kỳ người dùng Internet nào cũng có thể trở thành một Influencer hay KOL (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội). Tuy nhiên, đã là nghệ sĩ, là người của công chúng và là người có ảnh hưởng với xã hội, họ luôn là tâm điểm của công chúng, chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. Vì thế với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo nhắc nhở… thì cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết"- NSƯT Trần Ly Ly nhận định.
Theo đó, với mỗi trường hợp liên quan tới biểu diễn, nghệ sĩ… vi phạm trên mạng xã hội sẽ có các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL xem xét, xử lý. Về phía kỹ thuật trên các nền tảng mạng xã hội hay trên môi trường internet, khi được xác định là có vi phạm thì sẽ do phía Bộ TT&TT đảm trách.
"Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Bộ TT&TT khi đã thực sự "vào cuộc" tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước của ngành VHTTDL để giải quyết những bất cập nảy sinh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay và giúp thêm một "barie" để những người làm nghệ thuật điều chỉnh cho đúng chuẩn mực, thực hiện đúng quy định của pháp luật"- NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.
Xứng đáng với giá trị chân - thiện - mỹ
Nhìn ra các quốc gia có nền nghệ thuật biểu diễn sôi động như Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có những chế tài để xử lý những vi phạm đối với nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật như bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng... Kèm theo đó, người có hành vi vi phạm còn bị sự quay lưng từ khán giả, công chúng và ngay cả những người hâm mộ (fan) họ.
Ở nước ta, những vi phạm của các nghệ sĩ vẫn còn được dư luận xem nhẹ bởi một lượng lớn fan (thậm chí là fan cuồng) dễ dàng "bỏ qua" cho thần tượng. Nhưng, nói như TS, Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, nghệ sĩ cũng là người, không phải là vị thần trên đỉnh Olympus để đứng ngoài pháp luật.
"Tôi rất đồng tình với quan điểm của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và Cục NTBD (Bộ VHTTDL) rằng, cần phải tăng mức xử phạt, tăng các mức chế tài để tạo sức răn đe với người nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ, KOL (người ảnh hưởng trên mạng). Theo đó, các nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm trên mạng, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn"- TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng cho rằng, thời gian gần đây, có nhiều lùm xùm trong phát ngôn, ứng xử và hoạt động của giới nghệ sĩ, giải trí Việt, cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Chửi tục, công kích, bôi nhọ nhau, rồi phát tán tin giả, phát ngôn chia rẽ… tất cả những hành vi này đã làm mất đi hình ảnh người nghệ sĩ trong lòng công chúng.
Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là mục đích hướng đến trong Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định cụ thể hơn về chuẩn mực và trách nhiệm của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
"Thực tế, đa phần những người làm nghệ thuật nói chung và nghệ sĩ nói riêng đều hiểu vai trò, trách nhiệm của mình và đang hằng ngày cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà, giúp người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những văn bản xác định những chuẩn mực ứng xử… thì cũng rất cần có thêm văn bản pháp quy để xử lý khi họ mắc phải vi phạm. Công bằng trước pháp luật là ở điểm này"- TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh./.