Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Cách mạng tháng Tám trong cảm xúc của văn nghệ sĩ

18/08/2019 | 08:14

Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, các văn nghệ sĩ đã kịp thời thể hiện nguồn cảm hứng trân trọng, tự hào đó trong sáng tác nghệ thuật (thơ-nhạc) từ sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945…

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do; kỷ nguyên chấm dứt ách áp bức, thống trị của thực dân, đế quốc. Một chân trời mới, hào quang chói lọi đã đến với dân tộc Việt Nam sau hơn 80 năm cả dân tộc đồng sức, đồng lòng, bền bỉ đấu tranh, đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ, công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, các văn nghệ sĩ đã kịp thời thể hiện nguồn cảm hứng trân trọng, tự hào đó trong sáng tác nghệ thuật (thơ-nhạc)…

I. Hát vang thu hoa vàng nắng Ba Đình

Không khí cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lăng. Cả dân tộc hân hoan đón chào sự kiện thiêng liêng. Từ sự kiện đã truyền vào văn nghệ sĩ những cảm xúc mới mẻ và vô cùng mãnh liệt để hiện thực hóa bằng những ca khúc trân trọng, tự hào về Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Những ca khúc ấy bật lên từ trái tim nghệ sĩ ngay trong thời điểm huy hoàng của mùa Thu tháng Tám: "Mười chín tháng Tám" (nhạc sỹ Xuân Oanh); "Cùng nhau đi Hồng binh" (nhạc sĩ Hoàng Vân)… cộng hưởng cùng những sáng tác trước đó, như: "Tiến quân ca" (nhạc sĩ Văn Cao), "Diệt phát xít" (nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Đình Thi); "Du kích ca" (nhạc sĩ Đỗ Nhuận); "Cờ Việt Minh" (nhạc sĩ Vương Gia Khương); "Lên đàng", "Tiếng gọi thanh niên" (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)…làm nên âm thanh hào sảng, rộn rã, mê say mang tâm thế của người công dân yêu nước, tự hào về nền độc lập, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu.

Sự kiện mùa thu năm 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận. Cả Hà Nội là không khí sôi sục của quần chúng tiến đến Tổng khởi nghĩa. Trời thu tháng Tám vang ngân trong những ca khúc "Mười chín tháng Tám" của nhạc sỹ Xuân Oanh. Ca khúc này ra đời từ hoàn cảnh đặc biệt trong không khí hừng hực của ngày 19/8/1945 khi nhạc sĩ Xuân Oanh hòa vào dòng thác tham gia cuộc Cách mạng lớn của dân tộc. Đặc biệt vì sáng tác và lan tỏa ca khúc ngay trong ngày 19/8/1945 vỡ òa cảm xúc. Đặc biệt vì nhạc sĩ vừa đi vừa sáng tác, viết nay trên vỏ bao thuốc lá cũ, chẳng cần bàn viết nghiêm chỉnh; viết đến đâu hát vang đến đó; viết trên đường từ Hàng Bài đến trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa xong và cả dòng người hát theo cũng thuộc lòng ngay lập tức. Chỉ trong buổi chiều hôm đó, ca khúc đã hát vang, được lan tỏa, phổ biến rộng rãi từ Bắc chí Nam. Sau đó ít ngày ca khúc được phát liên tục trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia ". Đặc biệt nữa vì nhạc sĩ và khán giả cùng đồng thuận đặt tên cho ca khúc là "Mười chín Tháng Tám". Nhạc sĩ Xuân Oanh vẫn bồi hồi nhớ lại cảm xúc đặc biệt khi sáng tác ca khúc này "Mười chín Tháng Tám là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày... vừa đi biểu tình tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ".

19

Ca khúc Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh. Ảnh: bqllang.gov.vn

Ca khúc "Cùng nhau đi Hồng binh" được các đoàn người từ mọi ngả kéo tới Quảng trường Nhà hát Lớn vừa đi vừa hát vang bản hành khúc cách mạng vào sáng 19/8/1945:

Cùng nhau đi Hồng binh

Đồng tâm ta đều bước

Đừng cho quân thù thoát

Ta quyết chí hy sinh…

Sau 15 năm Cách mạng tháng Tám, nhạc sỹ Hoàng Vân đã sáng tạo bản hùng ca này bằng hợp xướng mùa thu mang tên "Hồi tưởng" nhân dịp kỷ niệm 15 năm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau bài hát "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao (sau này được chọn làm Quốc ca), "Du kích ca" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, "Lên đàng" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở trong Nam… nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi viết bài "Diệt phát xít". Hồi ức bài ca ra đời gắn với sự kiện nạn đói lịch sử năm 1945, hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói, xác người chết ngổn ngang từ Quảng Trị đến khắp các tỉnh miền Bắc. Hình ảnh trên đường phố người nằm chết la liệt, trên các tuyến phố Hà Nội những chiếc xe bò chở xác người bó chiếu, rồi những hố chôn chung người chết đói…và có cả những người kiệt sức vẫn xếp hàng xin ăn, vẫn mong được sống… là nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi trong tâm can các văn nghệ sĩ. Nhà văn Tô Hoài đau xót viết "Nói bao nhiêu về cảnh đói 1944-1945 cũng vẫn chưa thấm. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá…Sau đảo chính mùng chín tháng Ba, lính Nhật đi đẩy người đói không xuể. Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày suốt đêm kéo xác chết lầm lũi qua" (Chuyện cũ Hà Nội). Nhà văn Kim Lân miêu tả nạn đói năm 1945 bằng trái tim đồng cảm xót đau "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người…" (Vợ nhặt)…

Sau sự kiện đó là một quyết định lịch sử của dân tộc. Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã được tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc. "Tức nước vỡ bờ", người dân chuyền tay nhau đọc truyền đơn của Việt Minh và các tờ báo Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc. Từ ngoại thành và các vùng phụ cận, phong trào cướp kho thóc, phá nhà giam, cướp vũ khí của giặc đã nhanh chóng lan truyền. Nhiều tin vui nhanh chóng dội về vùng giải phóng Việt Bắc: Đầu năm 1945, hồng quân Liên xô giành thắng lợi trên chiến trường châu Âu, tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin khiến phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện (ngày 8/5/1945); Liên xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại (ngày 8/8/1945)…Ngày 13-16/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua "10 Chính sách lớn của Việt Minh", thông qua "Lệnh tổng khởi nghĩa", bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng Trung ương (tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch)... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta" :

Việt Nam, bao năm ròng rên xiết lầm than Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình Đồng bào tuốt gươm vùng lên Đã đến ngày trả mối thù chung...

Cũng theo nhạc sĩ Dân Huyền, bài hát "Diệt phát xít" đã được một anh thanh niên bước ra trước máy phóng thanh hát vang trong cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 sau bài hát tập thể "Tiến quân ca". Ngay sau cuộc mít tinh, Hội khuyến nhạc ở Hà Nội đã in bài hát ra nhiều bản. Dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, dàn nhạc Bảo An Binh đã mang bài hát "Diệt phát xít" biểu diễn ở nhiều nơi; được chọn biểu diễn mở đầu cho Tuần lễ Vàng ở Hà Nội và ngay sau đó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - Trần Lâm quyết định lấy bản nhạc "Diệt phát xít" làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam: "Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…"...

Những ca khúc vàng đó được người dân Việt Nam hát vang trong những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, trong Lễ mít tinh trang trọng ngày 17/8/1945, trong ngày cuộc biểu tình giành chính quyền trước Bắc Bộ phủ của hơn 10 vạn quần chúng Thủ đô ngày 19/8/1945 và đặc biệt trong sự kiện thiêng liêng ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Hôm nay và mãi mãi về sau, các thế hệ người Việt Nam vẫn ca vang khúc tráng ca đầy niềm tự hào, thể hiện khát vọng về một nền độc lập, tự do được khởi nguồn từ thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

II. Thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát

Cách mạng Tháng Tám đã mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho dân tộc và khởi động một nền văn hóa mới. Không khí chiến thắng như một làn gió mới tác động trực tiếp đến nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ. Ca khúc "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, "Vũ khúc tưng bừng" (Lương Ngọc Trác)… như hồi kèn ca vang khúc khải hoàn chiến thắng. Đồng hành cùng dân tộc, các nhà thơ mang tâm thế thời đại thổi cảm xúc yêu thương, tự hào vào những bài thơ giàu chất tráng ca: "Tình sông núi" (Trần Mai Ninh); "Ngày độc lập" (Xuân Thuỷ); "Vui bất tuyệt", "Huế tháng Tám", "Hồ Chí Minh" (Tố Hữu); "Ngọn quốc kỳ", "Hội nghị non sông" (Xuân Diệu); "Đứng trên Ngọ Môn", "Mùa thu ở Huế" (Thanh Hải)…

Một luồng gió mới đã đến. Cả dân tộc "Vui bất tuyệt" trong tâm thế người làm chủ, phơi phới niềm tự hào. Đại từ "Ta" được sử dụng với tần suất lớn: "Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử…Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi"; "Hãy bay lên sông núi của ta ơi/ Nước mắt ta trào húp mí tràn môi…Ai dám cấm ta say, say thần thánh/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời" (Tố Hữu). Xuân Diệu đã cảm nhận được "Có một suối thơ chảy từ gần gũi/ Rất xa xôi và lại đến gần quanh". Tâm thế dân tộc đã ào ạt thổi tới tới làm lay động tâm hồn, suy nghĩ, hành động. Có những nhà thơ đã từng lặng im, suy tư trước trang giấy, thì nay Cách mạng tháng Tám đã mang tới niềm vui náo nức: "Đờn thi sĩ vốn từ lâu treo vách/ Ca sao đang trong buổi đất trời xiêu/ Bỗng thèm ca những công lao hiển hách/ Của Kim tinh chói lọi trên cờ điều" (Chào sứ giả tự do-Phạm Huy Thông)…

Cách mạng tháng Tám tươi mới lòng người. Ký hiệu học có mối quan hệ đặc biệt với văn hóa. Biểu tượng chính là một loại ký hiệu đặc biệt trong văn bản nghệ thuật. Trong văn học, biểu tượng là một công cụ quan trọng để chuyển tải thông điệp tư tưởng của nhà văn. Từ góc nhìn văn hóa, thơ viết trong không khí sục sôi, trào cảm xúc đã xây dựng biểu tượng ấn tượng.

CMT8

Ảnh tư liệu minh họa

2.1.Biểu tượng lá quốc kỳ

Cở đỏ sao vàng là biểu tượng màu sắc của ánh sáng và cách mạng. Ký hiệu này có trong hầu hết các bài thơ. Biểu tượng quốc kỳ khẳng định chủ quyền của đất nước độc lập, tự do trong cảm xúc tự hào: "Gió gió ơi! Hãy làm dông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi" (Tố Hữu); "Đỏ rừng cờ nghĩa, trắng rừng gươm" (Xuân Thủy); một màu cờ tràn đầy sức sống, xua tan tuyệt vọng: "Một sáng tung cờ đỏ/ Bố về với súng gươm / Mừng lau hàng lệ rỏ / Mắt mẹ tan mù sương" (Trần Huyền Trân). Màu cờ đỏ tươi xuất hiện trong ngày Quốc khánh đầu tiên: "Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử/ Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi/ Ta đi đây với thế kỷ hai mươi", "Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới/ Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca" (Tố Hữu)… Bài thơ "Ngọn quốc kỳ" của Xuân Diệu như một trường ca (dài 203 câu) viết trong những ngày sục sôi của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám "Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng". Lá quốc kỳ biểu tượng của đất nước, dân tộc, nhân dân: "Tổ quốc ở bên ta/ Cờ đứng lên chiêu tập sức muôn nhà/ Cờ giữ đất, quyết tranh từ mỗi bước… Hiến tổ quốc dưới sao vàng nền đỏ/ Khi xuất hiện cho đến ngày rạng tỏ/ Năm cánh sao ngừng chiến đấu bao giờ". Lá cờ là gió mới tung bay sức mạnh dồn nén thổi bùng lên: "Gió đã lên, gió dậy khắp sơn hà/ Gió đã nổi, gió thổi cờ vun vút/ Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt.../ Một luồng vui căng hết ngực thanh niên…Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng". Tác giả ví lá cờ như "mắt mở thức thâu canh", như "lửa đốt hoài trên chót đỉnh", như "nắng mãi ấm luôn luôn" để "Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh/ Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng". Gió cuốn cùng sóng nhạc "Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay".

Ở trong bài thơ, Xuân Diệu đã lý giải "cái màu đỏ" ấy là cả quá trình cả dân tộc đã đổ bao xương máu hy sinh: "Có xông pha, tranh đấu mới nên cờ/ Có máu chảy, nên sắc này mới đỏ/ Đỏ vì huyết đám đem tung trước gió/ Đỏ vì căm, vì tức, đỏ vì sao/ Đỏ vì dận như thác lũ ào ào/ Dân nổi dậy dựng cao trào cách mạng/ Đỏ vì thế. Đỏ vì là ánh sáng/ Phải đâu là vì gấc, đỏ vì son". Cảm xúc phơi phới như chất men: "Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập tự do như say men rượu". Trong dòng cảm xúc tiếp nối từ ngày Thu tháng Tám, Xuân Diệu tiếp tục gửi tấm lòng trân trọng, tri ân với đất nước, nhân dân trong bài thơ "Hội nghị non sông": "Hội này đây mặt trời dọi với trăng/ Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt" với cảm xúc "Giòng giống Việt thật hả lòng, hả dạ".

Trần Mai Ninh vẫn nặng "Tình sông núi" với tâm thế tự hào: "Có mối tình nào hơn thế nữa/ Nói bằng súng, bằng gươm sáng/ Có mối tình nào hơn thế nữa/ Trộn hòa lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc". Thời gian tính bằng tâm trạng, nên "Tám mươi năm bụi phủ" được đổi bằng "Mưa rào phút sạch trơn" (Trần Huyền Trân); "Tháng Tám dân vùng lên/ Hết cuộc đời vua chúa" (Thanh Hải); "Vàng lại rồi/ Nước cũ bốn nghìn năm/ Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi"; "Bốn ngàn năm trông mặt Mẹ không già/ Chúng con vẫn một lòng trẻ ấy/ Ngắm từng biếc chúng con mừng biết mấy/ Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng"…Có những câu thơ mang tính khái quát cao và sự so sánh độc đáo: "Nước cũ bốn nghìn năm/ Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi" (Xuân Diệu)…

2.2. Biểu tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh

Biểu tượng Cách mạng tháng Tám luôn gắn với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là mối quan hệ khăng khít giữa Lãnh tụ - Đảng – Tổ quốc – Nhân dân. Kết quả của cuộc cách mạng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Nhà thơ Chế Lan Viên khắc họa chân dung Bác Hồ trong mối quan hệ gần gũi, thiết thân ấy:

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

(Người đi tìm hình của nước)

Các nhà thơ Việt Nam được tiếp nhận một luồng nhân sinh quan mới, một quan niệm nghệ thuật mới và nội dung tư tưởng mới. Cách mạng Tháng Tám đã đổi đời và thơ của các nhà thơ mới, như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… Hầu hết các nhà thơ mới đã đi theo cách mạng và cùng nhà thơ Việt Nam phát huy trách nhiệm cao nhất đóng góp cho Tổ quốc và nền văn học Việt Nam. Với phong cách thơ giàu tính trí tuệ và sức khái quát, tổng hợp, Chế Lan Viên đã nói hộ nhiều nhà thơ chúng ta "Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi"…

Biết ơn Đảng, lãnh tụ, trong những sáng tác của mình, chủ đề tập trung nhất của các nhà thơ là ngợi ca công đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người là một biểu tượng cao cả của cách mạng, của hồn thiêng sông núi. Người cầm lái con thuyền cách mạng vĩ đại, đưa dân tộc ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân, đưa dân tộc đến bờ bến vinh quang của nền dân chủ cộng hòa: "Hồ Chí Minh, chỉ là Người có thể/ Đưa con thuyền Tổ quốc đến vinh quang" (Tế Hanh); "Mắt mở rộng tay giữ chắc lái thuyền đất nước/ Gió bão thét ngọn trào dâng xâm lược/ Vị Cha già cương quyết vượt can qua/ Bao năm trường thử thách với phong ba/ Người chiến đấu không một giờ nản chí" (Lê Đại Thanh)…

Ho Chi Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Vov.vn

Tố Hữu ngợi ca lãnh tụ bằng tấm lòng, nhiệt huyết cách mạng; ví Chủ tịch Hồ Chí Minh với "ngọn đuốc thiêng liêng", "ngọn cờ dân tộc", "trăm thế kỉ trong tên người: Nguyễn Ái Quốc" (Hồ Chí Minh). Chân dung Hồ Chí Minh hiện lên trong tình yêu thương, kính trọng, biết ơn sâu sắc của quần chúng nhân dân: "Hồ Chí Minh/ Bạn muôn đời của thế giới đau thương". Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 mang tâm thế dân tộc ngay thời điểm đó và vẫn là cảm xúc không vơi cạn dẫu sự kiện đã lùi xa. Tố Hữu viết "Theo chân Bác" đầu năm 1970 vẫn nối tiếp cảm xúc từ mùa Thu năm 1945: "Hôm nay sáng mùng hai tháng Chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình". Hình ảnh Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập" trên Quảng trường Ba Đình trở thành một biểu tượng thiêng liêng:

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây

Trên Chính phủ lễ đài lồng lộng

Hồ Chí Minh, Người bỗng hiện ra

Ka-ki bộ áo hiền hòa

Long lanh đôi mắt đậm đà chòm râu...

Nghe tôi nói, có rõ không đồng bào?

Thưa rõ lắm, trời cao đất rộng

Lời mỗi lời rung động tâm can

(Ngày độc lập-Xuân Thủy)

Hồ Chí Minh là người anh hùng đầy khí phách, nhưng lại vô cùng gần gũi thân thương: "Sáng láng, ôn tồn, thành tâm, quyết chí" (Tế Hanh). Cùng những nhà thơ Việt Nam, chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong cảm xúc yên mến và cảm phục của nhà thơ Anh - Eoan Macccon: "Ông già thuyền trưởng/ Đã từng qua bốn biển năm châu…Hồ Chí Minh dong buồm về nước/ Vung cánh tay ngang trời Tổ quốc"; "Hôm nay cả nước vui hơn/ Mừng ngày Quốc khánh nhớ ơn Bác Hồ" (Mừng Quốc khánh – An Nguyên)…

2.3. Biểu tượng mùa Thu cách mạng

Mùa Thu cách mạng 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Cả dân tộc say sưa đón chào thắng lợi "Cờ chiến thắng! Cách Mạng thành Tháng Tám" (Xuân Diệu); đã "Phất cao cờ Việt Minh chói sáng/ Làm một mùa thu cách mạng (Hồ Chí Minh- Eoan Macccon); "Mùa thu từ năm đó/ Mùa thu từ bắt đầu" (Thanh Hải). Nhà thơ cảm nhận được màu sắc tươi mới: "Nguồn tươi vống nở thu sang mát lành"; cùng hương thu quyến rũ "Sáng nay mùa cốm dậy thơm đầy làng", "Trái hồng trĩu xuống cây rơm… Lúa vươn thân hút ánh vàng" (Thâm Tâm); "Gió thổi mùa thu hương cốm mới" (Nguyễn Đình Thi). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngỡ ngàng "Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy". Trong bài thơ "Đất nước", nhà thơ khẳng định "Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha". Mùa Thu riêng đã hòa trong cảm xúc mùa Thu đất nước và nhà thơ khắc họa tầm vóc dân tộc bằng hình ảnh thơ khái quát "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"…

19

Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh Tư liệu/tuyengiao.vn

Văn chương luôn có tính dự báo. Ngay trong đau thương của nạn đói năm Ất Dậu, nhà thơ cách mạng Tố Hữu vẫn tràn trề niềm hy vọng "Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu/ Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công! Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông / Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng / Ai cản được những đoàn chim quyết thắng / Sắp về đây thắm nắng xuân hồng" (Tố Hữu).

Cảm hứng về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 từ sau năm 1945 một mặt vẫn nối tiếp mạch nguồn cảm xúc của dân tộc, mặt khác độ lùi thời gian đã giúp cho các nhà thơ có cái nhìn sâu sắc, rộng mở, sâu lắng, đầy chiêm nghiệm. Mùa Thu Tháng Tám vẫn nguyên vẹn trong cảm xúc của dân tộc Việt Nam:

Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới

Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca...

(Hồ Chí Minh – Tố Hữu)

(Bài viết có sử dụng dẫn theo tổng hợp của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời kể của nhạc sĩ Dân Huyền)

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×