Cả làng canh giữ báu vật nhà vua ban tặng hơn 1 thế kỷ
08/02/2019 | 15:03Hơn 130 năm qua, người dân xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn thay nhau canh giữ báu vật được vua Hàm Nghi ban tặng. Dân làng xem vật báu đó là linh thiêng, mang lại sự bình an cho con người nơi đây.
Sử sách ghi lại: Năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây vua viết chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp. Thời gian này, nhà vua bị quân Pháp vây bắt nhiều lần, nhưng không thành.
Tương truyền, một đêm trong giấc ngủ, nhà vua được Thánh Mẫu báo mộng quân giặc sắp tới, nếu vua ở lại thì sát dân. Tỉnh mộng, nhà vua đã triệu họp quân thần làm lễ xuống đền tạ ơn thần và dâng nhiều báu vật để nhân dân thờ cúng Thánh Mẫu, gồm 2 con voi vàng (1 con nặng 27 đồng cân, 1 con nặng 17 đồng cân- mỗi đồng cân tương đương 1 chỉ vàng), 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm cùng 8 bộ áo mũ triều thần, hơn 40 sắc phong.
Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quân thần rút lui vào vùng rừng núi ở Quảng Bình và thoát nạn. Hơn 100 năm qua, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng người dân làng Phú Gia vẫn truyền tay nhau giữ gìn các báu vật linh thiêng mà vua Hàm Nghi ban.
Báu vật nhà vua ban tặng gồm: voi vàng, voi đồng, 1 con nghê…
Câu chuyện về ngôi đền Trầm Lâm "cứu" vua Hàm Nghi trong thời chống Pháp và những vật vua ban cho ngôi đền, được người dân tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thay nhau giữ gìn, xem đó là vật thiêng liêng, đem lại may mắn cho dân làng. Hiện tại xã được xem là "bảo tàng lịch sử" khi đang còn lưu giữ rất nhiều bảo vật nhà vua ban tặng.
Theo lời của những cao niên của xã Phú Gia thì những vật báu này đã được gìn giữ trong làng gần 130 năm. Điều đặc biệt là người dân bảo tồn vật báu bằng cách, thay nhau canh giữ báu vật. Người được canh giữ báu vật gọi là "Cố đạo chủ".
Mỗi năm, cứ đến mùng 7 Tết Âm lịch, người dân và các cụ cao niên trong xã sẽ tập trung tổ chức kiểm tra báu vật nhà vua ban tặng. Theo lệ làng thì sau 2 năm canh giữ báu vật sẽ tuyển Cố đạo chủ mới để thay thế. Các hiện vật nhà vua tặng sẽ được tổ chức rước đến nhà Cố đạo chủ mới, người này phải bảo quản, canh giữ không được làm thất lạc.
Ngoài ra, việc tuyển Cố đạo chủ mới cũng rất khắt khe, yêu cầu phải là người liêm khiết, cẩn trọng, chất phác, gia đình văn hóa, vợ còn sống… Không những được dân làng bầu chọn mà những Cố đạo chủ này cần phải được sự "đồng ý" của các vị thần linh.
Người được chọn phải xin "quẻ âm dương" bằng cách tung hai đồng xu. Nếu một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa thì lúc đó người này chính thức trở thành "cố đạo chủ".
Làng tổ chức rước đưa báu vật từ nhà Cố Đạo chủ cũ về nhà Cố Đạo chủ mới.
Theo anh Lê Xuân Sang - cán bộ văn hóa xã Phú Gia, để chọn được Cố đạo chủ, đầu tiên phải chọn ra ba cụ xứng đáng nhất. Sau đó dân làng sẽ tổ chức các lễ nghi: Hương, hoa, quả, phẩm, trà, tửu để làm lễ Hạ Nguyên (Hạ Keo).
Sau ba lần xin quẻ cho mỗi ứng viên, ai được sự đồng thuận nhất của thần linh thì làm Cố đạo (đạo chủ). Lúc đó các báu vật và bàn thờ vua Hàm Nghi sẽ được chuyển về nhà Cố đạo mới.
Hiện tại, Cố đạo chủ đương nhiệm lưu giữ bảo vật vua Hàm Nghi là ông Trần Văn Nhung (95 tuổi). Cố đạo Nhung năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn và là người đã từng nhiều năm trước được chọn giữ báu vật vua ban.
Ông Trần Văn Nhung, Cố Đạo chủ (ngồi ở ghế) trong ngày rước báu vật về nhà.
Theo ông Nhung chia sẻ, từ ngày được phong làm Cố đạo chủ, ông đưa bảo vật về nhà riêng, sau đó cẩn thận bỏ vào két sắt rồi đặt cạnh bàn thờ để trông coi. Những báu vật và sắc phong của đức vua mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của dân làng.
"Các bảo vật rất linh thiêng, dù từng trải qua nhiều biến cố thất lạc, nhưng cuối cùng vẫn trở về với dân làng Phú Gia. Được phong làm Cố đạo chủ là một vinh dự lớn. Từ việc gìn giữ các bảo vật, tôi luôn răn dạy con cháu phải luôn biết sống có tâm, trung thực", ông Nhung chia sẻ.
Đã hơn 130 năm nay, các bậc cao niên trong xã Phú Gia khi được giao trọng trách giữ bảo vật đều xem đó là trách nhiệm lớn lao. Người thì đưa về nhà đặt trong rương sắt, sau đó khóa lại cẩn thận hoặc đặt trên giường ngủ để bảo quản. Người thì khoét cột nhà để cất giấu đề phòng kẻ gian. Thời kỳ chiến tranh, có Cố đạo chủ còn đào hầm cất giấu bảo vật ngay dưới nền đất.