Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bộ VHTTDL yêu cầu: Chấm dứt bạo lực tại lễ hội Giằng bông

26/03/2018 | 14:20

Sau khi xuất hiện những hình ảnh bạo lực, phản cảm trong màn giằng bông tại lễ hội ở xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra vào chiều ngày 22.3 (mùng 6 tháng Hai âm lịch), cuối tuần qua tại UBND huyện Hoài Đức, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đã làm việc với chính quyền địa phương yêu cầu chấn chỉnh, cam kết có giải pháp chấm dứt tình trạng bạo lực tại lễ hội.

Tham gia còn có đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội, gồm đại diện lãnh đạo các Sở VH&TT, Sở GTVT và Sở Công thương Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Nguyễn Công Trung yêu cầu lãnh đạo huyện Hoài Đức, xã Sơn Đồng và BTC lễ hội làm rõ những thông tin báo chí phản ánh về tình trạng bạo lực, phản cảm vừa diễn ra tại lễ hội.

Trước đó, từ chiều 22.3, trên báo chí đã đăng tải các hình ảnh đấm đá, xô xát của nhiều thanh niên tham dự hội Giằng bông, xã Sơn Đồng. Trên sân đình chật hẹp, hai cây bông trở thành mục tiêu để hàng trăm thanh niên bao vây, lao vào giằng cướp. Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn song màn cướp bông đã tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Nhiều pha ẩu đả quá khích diễn ra, thậm chí có nhiều cảnh tượng phản cảm khi các thanh niên bóp cổ, tát vào mặt nhau… đã lọt vào góc ngắm của phóng viên báo chí.

Bộ VHTTDL yêu cầu chấn chỉnh, chấm dứt bạo lực tại lễ hội

 

Trưởng phòng VHTT huyện Hoài Đức Đỗ Văn Thúy cho hay, nắm bắt tính chất đặc thù của lễ hội Giằng bông xã Sơn Đồng, ngay từ sớm các đơn vị chức năng của xã, huyện và BTC lễ hội lên kế hoạch tổ chức và bảo vệ. “Huyện đã yêu cầu UBND xã cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mất an ninh trật tự như tranh giành, đánh lộn khi cướp bông hay các hiện tượng cờ bạc dưới mọi hình thức… Năm nay, trò chơi chọi gà đã không được tổ chức nhằm loại trừ hiện tượng cờ bạc trá hình như chọi gà ăn tiền như mọi năm vẫn diễn ra. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành nghi thức giằng bông, không để xảy ra các hành động phản cảm cũng được yêu cầu tăng cường…”, ông Thúy nhấn mạnh.Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Thị Thanh cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước, lễ hội Giằng bông năm nay đã được tăng cường công tác bảo vệ. Nghi thức giằng bông diễn ra từ 13h30 đến 14h20 đã kết thúc, rút ngắn thời gian so với những năm trước thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bà Thanh thừa nhận, còn xảy ra hiện tượng bạo lực giữa một số thanh niên tham gia cướp bông. Chính quyền xã cũng cho rằng xô xát là chuyện bình thường ở lễ hội này.

Trung tá Đỗ Đức Nghĩa, Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức cũng trình bày các phương án chuẩn bị nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội, đặc biệt đã lường trước các tình huống xấu có thể xảy ra. Việc rút ngắn thời gian cướp bông trên thực tế đã hạn chế được nhiều xô xát, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi các hiện tượng bạo lực mà báo chí đã phản ánh. “Những biểu hiện phản cảm, bạo lực này sẽ được nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, đặc biệt thông qua công tác bảo vệ an ninh trật tự tại lễ hội…”, trung tá Đỗ Đức Nghĩa khẳng định.

Ghi nhận những cố gắng thay đổi trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội của chính quyền địa phương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung lưu ý, dù đã được hạn chế nhiều so với những năm trước song việc vẫn tiếp diễn những màn tranh cướp bạo lực cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục chấn chỉnh. Từ bản chất tôn vinh tinh thần thượng võ đến trở thành một lễ hội nhuốm màu sắc tâm linh đã khiến cho nhiều người tham gia lễ hội có tâm thế tranh giành, bất chấp để cướp cây bông cầu may mắn. Ông Trung đề nghị các cấp chính quyền địa phương và BTC lễ hội nghiêm túc nhìn nhận lại, đồng thời thay đổi phương thức thực hành nghi lễ, đưa lễ hội trở về đúng bản chất truyền thống. Đề nghị Sở VH&TT Hà Nội rà soát, kiểm kê lại việc tổ chức các nghi thức truyền thống trong lễ hội, không để xảy ra những hiện tượng biến tướng, khó kiểm soát.

“Cũng cần tính toán và hạn chế số lượng người tham gia nghi thức cướp bông, tránh tình trạng quá đông dẫn đến xô xát, va chạm. Có thể chỉ cho thanh niên trong xã tham gia, hạn chế người từ các địa phương lân cận. Đặc biệt, cần lên các phương án chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia ”, ông Nguyễn Công Trung nhấn mạnh.

Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL cũng yêu cầu chính quyền địa phương, BTC lễ hội cam kết các giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý và tổ chức lễ hội, chấm dứt hiện tượng phản cảm, bạo lực. Trong trường hợp không đảm bảo an ninh trật tự trong lễ hội, sẽ xem xét về việc có tiếp tục tổ chức thực hành nghi lễ cướp bông tại lễ hội trong những năm tiếp theo hay không. Bộ VHTTDL cũng yêu cầu UBND huyện Hoài Đức, xã Sơn Đồng và Sở VH&TT Hà Nội sớm có báo cáo gửi về Cục Văn hóa cơ sở để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL và đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh khẳng định, những hiện tượng tiêu cực vừa xảy ra ở lễ hội Giằng bông là bài học kinh nghiệm để địa phương nghiêm túc nhìn nhận, chấn chỉnh. Đặc biệt, các hiện tượng bạo lực, xô xát trong lễ hội sẽ được địa phương khẩn trương lên phương án, tìm giải pháp khắc phục.

(Theo Báo Văn hóa)

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×