Bộ VHTTDL tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một
03/07/2025 | 09:14Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.
Kế hoạch nhằm góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, qua đó góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy việc truyền dạy, học tập và thực hành các loại hình văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, nhất là trong thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số. Qua đó nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương và toàn xã hội về vai trò năng lực của chủ thể văn hóa, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững; góp phần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Theo Kế hoạch, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Ơ Đu và dân tộc Khơ Mú tỉnh Nghệ An. Cụ thể, tổ chức tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Ơ Đu, dân tộc Khơ Mú bao gồm các chuyên đề: Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Ơ Đu, dân tộc Khơ Mú nói riêng của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay; Chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác văn hóa dân tộc; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể Lễ Quét làng dân tộc Phù Lá, tỉnh Điện Biên. Trong đó tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Phù Lá tỉnh Điện Biên bao gồm các chuyên đề: Tổng quan di sản văn hóa Điện Biên, công tác bảo tồn lễ hội truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh Điện Biên giai đoạn hiện nay; Hoạt động bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Cống tỉnh Điện Biên. Trong đó, tổ chức tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Cống tỉnh Điện Biên bao gồm các chuyên đề: Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay; Triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Chu Ru, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó tổ chức tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Chu Ru, tỉnh Lâm Đồng bao gồm các chuyên đề: Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay; Triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Tổ chức Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Mạ tại tỉnh Lâm Đồng. Trong đó tổ chức tập huấn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mạ, tỉnh Lâm Đồng bao gồm các chuyên đề: Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay; Phổ biến một số chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác văn hóa dân tộc; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với đó, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức truyền dạy, hướng dẫn và thực hành trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; Hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ tổ chức trình diễn; Quay phim, chụp ảnh và dựng phim tư liệu về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; chuyển giao sản phẩm phim tư liệu cho địa phương phục vụ công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số.
Bộ VHTTDL yêu cầu việc hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy trình chuyên môn, tôn trọng đặc trưng văn hóa tộc người và thực tiễn địa phương. Đồng thời phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể; khuyến khích người dân tham gia tích cực vào các chương trình phục hồi, thực hành và truyền dạy; đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, nhà nghiên cứu, nghệ nhân dân gian và các tổ chức liên quan. Đặc biệt, tập trung nguồn lực để bảo tồn những loại hình văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một như lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề thủ công truyền thống./.