Bộ VHTTDL: Rà soát, hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi trình UNESCO đưa vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới
28/04/2025 | 19:05Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ký Công văn số 1859/BVHTTDL-DSVH gửi UBND TP. HCM về việc hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi trình UNESCO đưa vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Công văn nêu rõ, sau khi nhận được Công văn số 31/UBND-VX ngày 03/01/2025 của UBND TP.HCM về việc hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi trình UNESCO đưa vào Danh mục dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới, trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM, Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan góp ý Báo cáo tóm tắt.

Về cơ bản, ý kiến của các cơ quan liên quan đều thống nhất với nội dung Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi.
Trước đó, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đánh giá các nội dung tiếp thu, giải trình của đơn vị xây dựng Báo cáo tóm tắt là hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Về các tiêu chí lựa chọn, các tiêu chí đề xuất được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thống nhất là phù hợp, khai thác, phát huy được giá trị cốt lõi của di tích Địa đạo Củ Chi mà trước đây, các tài liệu trong và ngoài nước còn hạn chế, chưa đánh giá đúng mức. Hồ sơ đã làm rõ, đầy đủ hơn chiều sâu, giá trị phong phú của Địa đạo Củ Chi.
Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị, Báo cáo cần nhấn mạnh một số nội dung gồm: Đây là một công trình phòng thủ trong lòng đất mang tính hệ thống và có quy mô rộng lớn; Công trình này được kiến tạo bằng sức người với những công cụ vốn có ở địa phương. Vì thế, cần trình bày rõ hệ tri thức, sự hiểu biết về thế giới tự nhiên, vị trí địa lý, kết cấu địa chất, địa tầng của vùng Địa đạo; Cách thức tạo lập công trình, tư duy về hệ thống phòng thủ và tính hiệu quả của công trình; Đặc biệt, phải mô tả chức năng của từng phân tầng và toàn bộ hệ thống, phương thức tồn tại lâu dài trong lòng đất, khả năng thích ứng với điều kiện sống khó khăn và tính chất khốc liệt của chiến tranh. Qua đó, chứng minh ý chí kiên cường, khả năng sáng tạo của dân tộc Việt Nam nói chung và người Củ Chi nói riêng, để tạo nên sức thuyết phục của một hồ sơ di sản văn hóa, khoa học.
Tuy nhiên, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi theo ý kiến góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Theo đó, cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt những di sản hiện đang quản lý, khai thác phục vụ công chúng, đồng thời khẩn trương tiến hành các chương trình nghiên cứu, thu thập tài liệu... nhằm chuẩn bị đầy đủ cứ liệu, hoàn thiện các nội dung khoa học và chứng cứ vật chất, phục vụ hiệu quả cho công tác xây dựng Hồ sơ đề cử và Kế hoạch quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới.