Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời về năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam
05/06/2019 | 16:55Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chiều 5/6, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn
Nhiều chỉ số mạnh nhưng cũng nhiều chỉ số còn hạn chế
Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP. Hà Nội) bày tỏ, Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch của 136 nền kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 67. Vậy đâu là những nút thắt dẫn đến tình trạng này?
Đại biểu Hưng cũng băn khoăn, Du lịch Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng mạnh, tuy nhiên 5 tháng đầu năm 2019 thì tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 8,8%. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, liên quan đến năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, trong đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2017, chúng ta đứng thứ 67 trên 136 nền kinh tế thế giới.
Trong đó có những điểm Việt Nam rất mạnh đó là: tài nguyên thiên nhiên (đứng thứ 30), tài nguyên văn hóa (đứng thứ 34), sức cạnh tranh về giá (đứng thứ 35). Tuy nhiên, có những chỉ số chúng ta rất hạn chế như hạ tầng du lịch (đứng thứ 113) , mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (đứng thứ 101), mức độ mở cửa quốc tế (đứng thứ 73), Thị thực (đứng thứ 116). Riêng về thị thực thì Việt Nam đứng thấp nhất trong các nước ASEAN.
Về nguyên nhân tăng trưởng Du lịch 5 tháng đầu năm 2019 chậm, Bộ trưởng cho hay, đây là vấn đề đã được dự báo trước. Theo kế hoạch của năm 2019 chúng ta chỉ tăng trưởng 2,5% lượng khách quốc tế, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao đạt 18 triệu lượt khách quốc tế. Lượng khách tăng không mạnh là do lượng khách Trung Quốc giảm, trong 5 tháng dường như không tăng trong khi những năm trước tăng 30%.
Phát triển du lịch không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái
Liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quyền (TP. Cần Thơ) đặt câu hỏi, Du lịch hiện nay mới chỉ đóng góp được 10% GDP, theo Bộ trưởng cần có giải pháp căn cơ để đưa Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Đại biểu này cũng đặt vấn đề, phát triển Du lịch không phải bằng mọi giá, chúng ta cần làm gì để giải quyết xung đột giữa mục tiêu với yêu cầu cần phải bảo tồn giữ gìn bản sắc dân tộc, an ninh trật tự xã hội?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải chờ đến năm 2030. Ông cho rằng phải khắc phục hạn chế của du lịch Việt, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của Việt Nam, rồi liên quan đến xúc tiến, hạ tầng…
Để phát triển du lịch bền vững, phải thực hiện sao cho không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm nguy hại đến bảo tồn văn hóa. Bộ trưởng trích dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển bằng bất cứ giá nào".