Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Để khách du lịch bỏ trốn có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp”
05/06/2019 | 20:46Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chiều 5/6, nhiều Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn gửi đến “Tư lệnh” ngành VHTTDL một số thực trạng của ngành Du lịch hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nam Nguyễn.
Để khách du lịch bỏ trốn có sự vi phạm lừa đảo của các doanh nghiệp
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) đặt câu hỏi, sự việc 152 du khách Việt Nam mất tích bí ẩn tại Đài Loan (Trung Quốc) vừa qua được nghi là bỏ trốn, sự việc này chưa có trong tiền lệ để lại hệ lụy, làm xấu xí hình ảnh Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trách nhiệm này thuộc về ai? Hướng xử lý sắp tới thế nào? Bộ trưởng có giải pháp cơ bản ngăn chặn hành vi tương tự xảy ra?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, việc khách Việt do các công ty lữ hành "chui" đưa khách đi nước ngoài và để khách bỏ trốn tại Đài Loan là "vết nhơ" của du lịch Việt Nam, chúng ta cần lên án và xử lý.
Vụ việc này, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, công tác thanh kiểm tra chưa tốt, và cũng có sự vi phạm lừa đảo của các doanh nghiệp. Chúng ta đã xử lý và bài học rút ra trong công tác quản lý nhà nước, khi cấp phép các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì đây là vấn đề cần lưu ý. Hiện nay cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, cấp phép thông thoáng nhưng hậu kiểm như thế nào?
"Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong quản lý nhà nước về du lịch nói chung và quản lý lữ hành nói riêng. Chúng tôi đã tăng cường quản lý nhà nước về cấp phép, tăng cường thanh tra kiểm tra công ty lữ hành du lịch trong thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền giáo dục, xử lý vi phạm của các công ty. Với khách du lịch chúng tôi khuyến cáo khách du lịch nên chọn những công ty du lịch có năng lực, không nên nghe những lời nói ngon ngọt của công ty lữ hành năng lực yếu và có hành vi lừa đảo" – Bộ trưởng nói.
Kiên quyết chống các Tour Du lịch "0 đồng"
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) đặt câu hỏi, Tour du lịch "0 đồng" đang là vấn nạn của nước ta hiện nay, hệ lụy là các công ty giao dịch bằng ngoại tệ, hệ thống khép kín từ nhà hàng, khách sạn, vận tải ra nước ngoài núp bóng điều hành dẫn đến thất thu thuế, lợi nhuận thì ở lại nước ngoài còn chúng ta thì phải gánh chịu chi phí bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự. Đối với du khách, do bị cắt giảm thời gian nghỉ tại khách sạn, ăn những bữa ăn rẻ tiền, khách du lịch còn bị đưa vào những cửa hàng mua sắm với giá cao gấp nhiều lần thị trường. Sau khi biết bị lừa, nhiều khách đã lên mạng nói xấu người Việt Nam, khiến hình ảnh du lịch Việt Nam xấu xí.
"Với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình Bộ đã tính toán cụ thể thiệt hại hàng năm của vấn nạn này đối với nước ta như thế nào? Đề nghị Bộ trường cho biết trách nhiệm của mình và những giải pháp chủ yếu để khắc phục tình trạng này?" - Đại biểu Xuân nói.
Trả lời chất vấn của Đại biểu này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, cần kiên quyết chống các "tour du lịch 0 đồng". Đối với tour 0 đồng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có nhiều biện pháp xử lý. Trên thực tế, có nhiều dạng tour giá rẻ nằm trong chiến lược cạnh tranh vào từng thời điểm.
Tuy nhiên cũng có loại hình tour giá rẻ có hành vi có hành vi tiêu cực như cắt bớt chương trình và đưa vào nơi mua sắm. Với loại hình này cần xử lý nghiêm.
Về giải pháp, Bộ VHTTDL đã làm việc với cơ quan quản lý du lịch của nước đưa khách đến để cùng quản lý. Đối với các nước có tổ chức tour 0 đồng đưa khách đến cũng đã phản đối bởi ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước họ.
Bên cạnh đó, Bộ tuyên truyền để khách hiểu về loại hình tiêu cực tour du lịch 0 đồng và tăng cường thanh, kiểm tra công ty du lịch, hướng dẫn viên và tour 0 đồng để xử lý tận gốc.
Với loại tour này tên gọi là 0 đồng nhưng khách vẫn phải trả giá khách sạn, dịch vụ… với giá bán cao nhưng chất lượng thấp. Do đó, Bộ cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là liên quan đến mua sắm, Bộ VHTTDL phối hợp với ngành công an, công thương và đặc biệt là chính quyền địa phương để cùng vào cuộc mới xử lý được.