Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Du lịch nông nghiệp là một nghề ở nông thôn mà chúng ta sẽ tập trung
06/06/2023 | 14:57Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, du lịch nông nghiệp là một nghề ở nông thôn mà chúng ta sẽ tập trung.
Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Tham gia trả lời về chất vấn của đại biểu liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, đào tạo nghề nông thôn được thực hiện theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với tư tưởng chuyển mạnh từ đào tạo cho lao động nông thôn theo năng lực của các cơ sở đào tạo sang theo nhu cầu của người lao động gắn với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thị trường lao động.
Bộ trưởng Lê Minh Hoàn cho rằng, cách tiếp cận này rất đồng bộ nhưng trong quá trình thực hiện, chúng ta chưa tiếp cận một cách sâu sắc.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh.
Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.
"Tôi có đi Nga Sơn (Thanh Hoá) là vùng trồng cói và kế bên Nga Sơn là Kim Sơn (Ninh Bình) là vùng lấy cói từ Nga Sơn để làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, việc này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Như vậy nghề trồng cói cũng là một nghề cần phải đào tạo và nghề sử dụng cói để làm thủ công mỹ nghệ cũng là một nghề để đào tạo, mà không chỉ là đào tạo một lần mà đào tạo để làm sao năng suất lao động càng ngày càng tăng hơn, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ càng ngày càng tinh hơn.
Tôi cũng vừa đi Bắc Giang, Lục Ngạn có 30 hợp tác xã làm du lịch nông nghiệp trên cây vải thiều. Như vậy du lịch nông nghiệp cũng là một nghề ở nông thôn mà chúng ta sẽ tập trung. Địa phương nào gắn với một chiến lược phát triển kinh tế địa phương thì chúng ta sẽ tập trung đào tạo, đó là nhu cầu từ địa phương", ông Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghệ nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn.
Một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chủ là tư duy sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo….Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng qui trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu..
Ngoài ra, Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường của Bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Bộ cũng yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, cũng được đào tạo, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả…