Bình Thuận với mục tiêu 9,5 triệu lượt du khách
26/02/2024 | 11:42Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, trở thành một trong chín địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu đón hơn 9,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Để thu hút du khách, Bình Thuận tiếp tục tổ chức nhiều lễ hội, chương trình sự kiện văn hóa, thể thao; đầu tư nâng cấp các điểm tham quan, lưu trú, mở thêm nhiều điểm tham quan, kinh tế đêm và sản phẩm du lịch mới; chú trọng phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh (du lịch sinh thái rừng-thác-hồ-biển đảo; du lịch chinh phục thiên nhiên) nhằm phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hết Tết vẫn... tấp nập du khách
Kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 đã kết thúc, nhưng các cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi giải trí ở Bình Thuận vẫn đông du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Trên các con đường ven biển của thành phố Phan Thiết, rất đông du khách đi bộ trên vỉa hè, nhiều ô-tô mang biển số các tỉnh khác lưu thông qua lại; bãi biển có nhiều du khách tắm biển, chơi lướt ván, chạy mô-tô nước. Xa hơn một chút, con đường chạy ra khu du lịch sinh thái Bàu Trắng (huyện Bắc Bình) có từng đoàn xe Jeep sơn mầu sắc rực rỡ chở du khách đi ngắm cảnh, check-in. Trên đồi cát Bàu Trắng, nhiều xe địa hình chở du khách trải nghiệm trò chơi địa hình...
Con đường Lạc Long Quân ven biển xuyên qua khu du lịch NovaWorld Phan Thiết và các resort cũng đông nghẹt du khách. Buổi tối, các nhà hàng, quán ăn hải sản trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Lạc Long Quân hầu như không còn một chỗ trống.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ ngày 08/02 đến 14/02 (29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tỉnh đón 205.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng 28% so với dịp Tết Quý Mão, doanh thu ước đạt 340 tỷ đồng (tăng 10%).
Kết quả có được là nhờ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống với nội dung phong phú, hấp dẫn như: Chương trình chào đón những du khách đầu tiên đến Bình Thuận; các cơ sở lưu trú tổ chức thi gói bánh chưng, bánh tét; chương trình hái lộc đầu năm, trò chơi dân gian, giao lưu múa sạp,…
Bên cạnh đó, thành phố Phan Thiết đưa vào vận hành nhiều điểm "check-in" mới cho du khách như: Đường Vành đai chạy bao quanh Núi Cố, nằm sát đường bờ biển; Công viên Thương Chánh; cải tạo hồ Văn Thánh. Thành phố chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cấp kè sông Cà Ty, sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng...
Hiện nay, thành phố tiếp tục phối hợp các nhà đầu tư triển khai thực hiện những dự án như: Làng chài Mũi Né; bãi tắm Đá Ông Địa; Công viên biển Tiến Thành, Mũi Né. Nhờ vậy, các bãi tắm biển Đồi Dương, bãi tắm biển Đá Ông Địa có rất nhiều du khách đến tắm, tham quan. Dịp Tết Giáp Thìn, có hơn 6.200 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ giải trí tại khu du lịch sinh thái Bàu Trắng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng-biển-đồi cát, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại,… đã phát huy tốt, thu hút khá đông du khách.
Nỗ lực phát triển du lịch xanh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân nhận định: Năm 2024, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tích cực phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TW (ngày 16/01/2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch; thực hiện đề án "Xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch-thể thao biển mang tầm quốc gia", đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Tiếp nối thành công của năm 2023 Bình Thuận cần có kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Hiện, phần lớn các sản phẩm du lịch của Bình Thuận là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng riêng để tạo điểm nhấn. Cần có quy hoạch bài bản, phối hợp các tỉnh, thành phố lân cận để tránh sản phẩm trùng lặp, tạo cho du khách những trải nghiệm mới. Đặc biệt, tỉnh cần phát triển kinh tế đêm để thu hút đông đảo du khách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 06, tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh nhằm phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng-thác-hồ-biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe,… Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường; đẩy mạnh chuyển đổi số... Năm 2025, thành phố Phan Thiết sẽ thực hiện thí điểm kinh tế đêm tại một số tuyến đường ven biển.
Bình Thuận cũng đẩy mạnh thực hiện đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng các sản phẩm mới như: Tham quan Đa Mi-Hàm Thuận với bốn thác lớn là Sương Mù, Chín Tầng, Mây Bay, Thác Bà và gần chục thác nhỏ; chinh phục "khám phá rừng" Tà Năng-Phan Dũng...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết: Tỉnh đã tăng cường thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm, có thương hiệu nổi tiếng, tâm huyết để triển khai các dự án lớn, các khu, tổ hợp du lịch, khu vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch kết hợp hội họp, huấn luyện, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, khám phá, văn hóa tâm linh, sinh thái, du lịch nông nghiệp,… gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhằm thu hút du khách đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn. Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là mở rộng hệ thống giao thông kết nối thông suốt đến các khu, điểm du lịch trọng tâm.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa 14) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm; trong đó, khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm, khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 16,56%/năm. Hiện Bình Thuận có 380 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.330.801 tỷ đồng. Trong đó, 22 dự án đầu tư nước ngoài (tổng vốn đăng ký 11.382 tỷ đồng) và các dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký 1.319.419 tỷ đồng). Đã có 197 dự án đi vào hoạt động.