Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số

22/04/2024 | 14:24

Sự bùng nổ của công nghệ tác động đến mọi mặt đời sống của con người, trong đó có cả xu hướng tiếp cận tri thức qua văn hóa đọc. Vì thế nhiều cơ quan, tổ chức cho đến cá nhân đang tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ nhằm quảng bá, giới thiệu sách đến độc giả...

Bình Thuận: Thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số - Ảnh 1.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách.

Việc đọc sách và văn hóa đọc là vấn đề được bàn luận thường xuyên trong những năm gần đây, khi tỷ lệ bạn đọc đến với thư viện truyền thống ngày càng giảm. Ngay cả trong các chương trình sinh hoạt, học đường, quán cà phê, hình ảnh dễ gặp nhất là mọi người cắm cúi vào màn hình chiếc điện thoại với những trò chơi, thông tin giải trí…

Đứng trước thách thức của thời đại số, kéo theo nhiều hình thức đọc mới ra đời như sách nói, sách tương tác, đặc biệt là sách điện tử (e-book), vì thế nhiều cơ quan, tổ chức cho đến cá nhân đã tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ.

Bình Thuận: Thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số - Ảnh 2.

Đọc sách ở trường học.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024, Thư viện tỉnh tổ chức tuyên truyền song song hai hình thức là bằng trực tiếp và trực tuyến. Cụ thể, kênh trực tiếp thông qua các gian trưng bày, giới thiệu sách theo chủ đề; triển lãm mô hình xếp sách nghệ thuật được đặt tại Thư viện tỉnh. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức “Ngày hội văn hóa đọc” bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện, tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) và hỗ trợ các hoạt động trong hệ thống trường học ở một số trường thuộc huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP.Phan Thiết.

Bình Thuận: Thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số - Ảnh 3.

Sử dụng máy tính trên các chuyến xe Thư viện lưu động để cập nhật thông tin về sách.

Song song là hội sách trực tuyến chủ đề “Sách hay cần bạn đọc, sách quý tặng bạn” tại địa chỉ truy cập: hoisachtructuyen.thuvienbinhthuan.com.vn. Hội sách diễn ra đến hết ngày 30/4 với các hoạt động trên website gồm: Sách điện tử về chuyên đề Địa chí Bình Thuận, giới thiệu các dịch vụ thông tin số hóa sách nói, kể chuyện theo sách, truyện thiếu nhi, sách mới, sách hay chọn lọc. Chỉ cần một thiết bị di động thông minh, ai cũng có thể khai thác kho sách khổng lồ, chất lượng cao từ các nhà xuất bản trong cả nước đang bán giảm giá trên các trang Web của nhà sách Fahasa, Phương Nam… hay đọc sách trực tuyến miễn phí trên các trang sachvui.com, sachhayonline.com, metaisach.com.

Đặc biệt, hội sách trực tuyến còn tích hợp kho sưu tập sách nói với hơn 200 video đầy đủ các chủ đề dành cho thiếu nhi, du lịch, giới thiệu tác phẩm hay, giới thiệu sách hay... Điều này có ý nghĩa không nhỏ đối với những độc giả hiện đại ít thời gian hoặc ở khu vực khó tiếp cận với những cửa hàng sách truyền thống. Nhờ đó, từ đầu tháng 4 đến nay, Thư viện tỉnh ghi nhận gần 223.000 lượt bạn đọc tới đọc trực tiếp và trực tuyến qua Website, truy cập trang Fanpage Thư viện tỉnh.

Bình Thuận: Thúc đẩy văn hóa đọc từ công nghệ số - Ảnh 4.

Thư viện tỉnh trưng bày những cuốn sách hay cần đọc.

Tiếp cận với hình thức mới này, độc giả Thục Anh (phường Phú Thủy) cho rằng: Hội sách dưới hình thức online đã chứng minh sự hữu ích và phù hợp với thời điểm hiện tại, tạo cơ hội lớn cho các đơn vị xuất bản và phát hành sách mang những sản phẩm chất lượng cao đến với công chúng. Đồng thời khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng.

Khái niệm đọc sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số đang có sự chuyển biến nhất định. Vì thế các hoạt động được Thư viện tỉnh và đơn vị chuyên môn đẩy mạnh trong tháng 4 sẽ giúp độc giả, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi, thanh, thiếu niên xác định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong học tập, rèn luyện và nâng cao kiến thức. Từ đó có lựa chọn hình thức, thời gian đọc phù hợp, đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong đời sống.

Theo Báo Bình Thuận

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×